Không được thừa kế theo di chúc, có phải là dấu chấm hết?
Không có tên trong danh sách thừa kế di sản theo di chúc, có phải là dấu chấm hết? Thực tế không hẳn như vậy, người không được chỉ định thừa kế theo di chúc vẫn có thể được đảm bảo quyền lợi của mình.
Đối với di chúc chỉ định đoạt một phần tài sản trong khối tài sản thì phần tài sản không được định đoạt sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Do đó, người không được hưởng thừa kế theo di chúc vẫn có thể nhận được phần chia di sản được chia thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo điều kiện và trình tự hàng thừa kế, bao gồm:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Đối với di chúc định đoạt toàn bộ di sản, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được hưởng di sản hoặc chỉ được hưởng phần di sản ít hơn 2/3 của suất đó:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS.
Đối với những người con riêng hoặc con nuôi hợp pháp vẫn được áp dụng những quy định này.
Quyền quyết định ai là người thừa kế di sản của người lập di chúc được pháp luật bảo vệ và tôn trọng nhưng chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 652 BLDS.
Theo Công ty Luật PLF