Đòi quyền lợi thế nào khi bị 'quỵt' bảo hiểm xã hội?

29/08/2013 15:29 PM | Pháp luật

Câu hỏi: Xin chào Chương trình Tư vấn pháp luật.

Tôi xin hỏi 1 vấn đề về hợp đồng lao động mong được giải đáp giúp tôi sự việc như sau:

Tháng 5 năm 2012 tôi có xin vào làm nhân viên kinh doanh 1 Cty A chuyên nhập khẩu và phân phối hàng điện gia dụng.

Tôi làm sau hai tháng thử việc nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng lao dộng. Tôi nghĩ chắc Cty đang muốn thử thách thêm 1 tháng nữa. Nhưng sau tháng thứ 3 kể từ ngày vào làm việc tôi vẫn không được ký hợp đồng và bảo hiểm xã hội của cty A. Cho đến khi tôi nghỉ việc (tháng 4 năm 2013) tôi vẫn không nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm của tôi khi tôi làm việc ở cty đó.

Vậy có thể đòi quyền lợi của mình như thế nào về hợp đồng lao động và BHXH.

Rất mong quý cơ quan có thể giúp tôi giải đáp thắc mắc.

Xin cảm ơn.

ĐINH NGỌC TÂM koho.sale03@gmail.com

Luật sư BASICO xin giải đáp như sau:

Thứ nhất, đối với hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 1994 thì:

“Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về việc làm thử quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

  1. Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
  2. Thời gian thử việc không được quá 30 ngày đối với chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
  3. Thời gian thử việc không được quá 6 ngày đối với những lao động khác.
  4. Hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động thông báo kết quả làm thử cho người lao động. Nếu đạt yêu cầu hai bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động hoặc người lao động không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chinh thức”

Trường hợp của bạn đã hết thử việc, đạt yêu cầu và chuyển sang chinh thức, tuy chưa ký hợp đồng lao động thì pháp luật cũng xem như là lao động chính thức và đối với công việc ổn định thì phải giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. 

Do vậy, chỉ cần bạn chứng minh mình có làm việc, có lĩnh lương, được giao nhiệm vụ và làm việc cho công ty thì pháp luật sẽ thừa nhận quan hệ lao động của bạn tại công ty và yêu cầu công ty giải quyết mọi chế độ liên quan cho bạn khi kết thúc làm việc.

Thứ hai, về chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, khoản 1 Điều 141 Bộ luật Lao động (đã được sửa đổi năm 2002) quy định:

“Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. 

Ở những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật này và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất.”

Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp, thì bạn bắt đầu vào làm việc từ tháng 05/2012 và nghỉ việc vào tháng 04/2013. Như vậy trong khoảng thời gian làm việc tại cty A, bạn sẽ được công ty đóng BHXH. Bạn hoàn toàn có quyền đòi lại quyền lợi về đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Trường hợp khi bạn nghỉ việc mà vẫn chưa nhận được sổ BHXH thì có hai khả năng xảy ra: công ty A không đóng BHXH cho bạn hoặc công ty không trả sổ BHXH cho bạn.

Tuy đã hết thời hiệu khiếu nại (90 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định lao động hoặc biết được có hành vi lao động), nhưng bạn vẫn nên làm Đơn đề nghị Công ty giải quyết các chế độ liên quan.

Nếu Công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, thì bạn có quyền khởi kiện Công ty nói trên ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của Công ty để yêu cầu giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư BASICO

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM