Dịch vụ 'người chết sống lại'... giá 70 triệu
Những mảng tối đằng sau của hoạt động công chứng.
Nội dung nổi bật:
- Chuyện người chết sau 5 tháng sống lại... nhờ công chứng không phải là chuyện phiếm hay như người đang sống, nhưng lại có giấy khai tử là chuyện có thật.
- Tồn tại nhiều vấn đề tại các văn phòng công chứng: Sai phạm liên quan tới áp dụng luật, sai về hình thức, sai về nội dung văn bản. Đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên.
- Do năng lực trình độ yếu kém của một số công chứng viên, nhiều văn phòng công chứng còn tiếp tay cho môi giới, "cò" đất để thực hiện hành vi gian dối hoặc tiếp tay cho xã hội đen nhằm xiết nợ.
Những câu chuyện dưới đây của một số luật sư khi trao đổi với PV, có thể đụng chạm tới một số công chứng viên, nhưng đó lại là chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện người chết sau 5 tháng sống lại... nhờ công chứng không phải là chuyện phiếm hay như người đang sống, nhưng lại có giấy khai tử là chuyện có thật.
Sự là, chị Thu Lai ở Hà Nội có một ngôi nhà mặt phố có giá trị lớn. Chồng chị này lâm bệnh mất cách đây khá lâu và không để lại di chúc. Mẹ chồng chị cũng mới mất được khoảng 5 tháng và không kịp di chúc lại ngôi nhà cho ai. Kết cục, ngôi nhà bị anh em trong gia đình nhà chồng chị Lai tranh chấp, ai cũng muốn có phần. Vốn sống hòa thuận, động đến lợi ích kinh tế cả nhà bỗng quay ra xích mích, mất đoàn kết.
Không muốn ngôi nhà hương hỏa bị chia năm xẻ bảy, chị Lai đã nhờ đến văn phòng công chứng tư... làm di chúc cho mẹ. Nhưng điều trớ trêu là mẹ chồng chị đã mất. Đặt vấn đề với một văn phòng công chứng, nhân viên ở đây đã tư vấn cho chị một chiêu có thể coi là "độc nhất vô nhị"... giúp mẹ chị sống dậy để viết di chúc.
Bằng những thủ thuật, giả mạo từ hồ sơ đến dấu vân tay, nhân viên văn phòng công chứng trên "hoá phép" ra một bản di chúc của người đã khuất. Cái giá phải trả cho chiêu thức "độc nhất vô nhị" này là 70 triệu đồng!?
Bằng những thủ thuật, giả mạo từ hồ sơ đến dấu vân tay, nhân viên văn phòng công chứng trên "hoá phép" ra một bản di chúc của mẹ chị Thu Lai.
Nếu chúng ta mất công tới tìm hiểu ở một số văn phòng công chứng có tới 1001 những sai phạm liên quan tới áp dụng luật, sai về hình thức, sai về nội dung văn bản. Đặc biệt là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Mới đây báo Tiền Phong có bài viết: Mất nhà vì hợp đồng ủy quyền, nêu vụ việc gia đình bà Nguyễn Thị Tiêu (trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) khi ký giấy bán đi một nửa thửa đất để lấy tiền xây nhà trên nửa còn lại, họ không đọc kỹ các văn bản cán bộ công chứng đưa cho.
Sau này, khi nhà xây xong, có người đến chìa giấy nói rằng đã mua nốt nửa thửa đất còn lại, bà Tiêu mới biết là trước đó gia đình bà đã ký vào một hợp đồng ủy quyền, chứ không phải hợp đồng mua bán, và theo đó thì gia đình bà đã cho phép những kẻ cho vay nặng lãi được toàn quyền bán toàn bộ thửa đất của mình!
Khi đến văn phòng công chứng N.T. tại Hà Nội để tìm gặp anh công chứng viên đã đến nhà mình, bà Tiêu mới biết người đến nhà bà hôm đó không phải là công chứng viên, chỉ là cán bộ giúp việc, còn công chứng viên có tên trong hợp đồng ủy quyền mà bà đã ký thì lại chưa bao giờ đến nhà bà!
Những chuyện như trường hợp bà Tiêu gặp phải trên đây không phải là quá hiếm. Trên thực tế, PV có dịp tìm hiểu và được biết nhiều cán bộ văn phòng công chứng, ngay cả một số công chứng viên đã mắc những lỗi như: Không giải thích kỹ cho đương sự các quy định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch đang được công chứng; Không chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi các bên (thường rơi vào những người thiếu hiểu biết pháp luật) tham gia giao dịch; Không cấp cho một bên tham gia giao dịch văn bản công chứng (chỉ cấp cho người yêu cầu công chứng)...
Trong những vụ việc này, khi đương sự có khiếu nại, văn phòng công chứng thường lẩn tránh, không giải quyết thỏa đáng. Ngay cả những trường hợp đương sự có nhà báo đi cùng, cán bộ văn phòng công chứng cũng từ chối làm việc với lý do công chứng viên đi vắng.
Luật sư Trịnh Quan Chiến, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Trên thực tế bên cạnh sai phạm do năng lực trình độ yếu kém của một số công chứng viên, nhiều văn phòng công chứng còn tiếp tay cho môi giới, "cò" đất để thực hiện hành vi gian dối hoặc tiếp tay cho xã hội đen nhằm xiết nợ. Mặc dù đã có công chứng viên bị xử lý hình sự, vì tội cố ý làm trái gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên sai phạm vẫn xảy ra.
Cần chấn chỉnh giá dịch vụ công chứng Trao đổi với PV, ông Ngụy Thế Hùng, Văn phòng VKSNDTC cho biết: "Mọi việc thành hay bại đều do cá nhân con người, để tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra, ngoài năng lực trình độ, kiến thức chuyên môn, hoạt động công chứng còn phụ thuộc chính vào phẩm chất đạo đức của các công chứng viên. Theo quan điểm của cá nhân tôi, muốn trở thành công chứng viên, tất cả phải qua đào tạo, mặc dù đã học qua luật. Đồng thời tăng cường công tác rà soát các văn bản quy phạm, sửa đổi bổ sung hoặc hủy bỏ để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh việc xử lý hình sự đối với những sai phạm của công chứng viên, cần phải mua bảo hiểm bắt buộc cho công chứng viên. Mặt khác phải xây dựng bảng giá phí rõ ràng do bộ Tài chính phê duyệt, tránh giá phí tùy tiện gây bất bình cho người dân. Tăng cường đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên, tránh tình trạng tiêu cực". |