Đề xuất tài xế “say xỉn” bị thu xe, có vi phạm Hiến pháp?

06/03/2015 10:35 AM | Pháp luật

Nhiều luật sư cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện khi vi phạm an toàn giao thông là vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có văn bản đề xuất nâng mức xử phạt đối với hành vi xe chở quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy, xe thô sơ... trên đường cao tốc với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện.

Sau khi đề xuất trên đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng đây là ý tưởng tốt để giảm thiểu tai nạn giao thông song chưa tính đến quyền sở hữu tài sản của người dân.

Thậm chí, nhiều luật sư cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện nói trên đã vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.

Nói về vấn đề này tại tọa đàm tối 5/3, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc  gia Khuất Việt Hùng khẳng định, trong quá trình xây dựng đề xuất đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý.

“Quy định về vấn đề sở hữu tài sản trong Hiến pháp rất rõ, nhưng trong điều 26 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định rõ về việc Tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm những hành vi uy hiếp an toàn xã hội cao”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong Luật xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền khi triển khai vấn đề tịch thu phương tiện như thế nào. Như vậy, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này.

Trong khi đó, theo TS. Tô Văn Hòa -  Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Xét về góc độ pháp lý, cần phân biệt rõ một bên là giá trị cao của tài sản có thể bị tịch thu, một bên là quyền tài sản đó được bảo hộ tới đâu trong pháp luật.

Khi đưa ra vấn đề này, theo ông Hòa, có lẽ yếu tố giá trị tài sản không được cân nhắc ở đây.

“Đúng là trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, việc bảo hộ tài sản cá nhân, của nhà dầu tư, doanh nghiệp rất được đề cao, nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những biện pháp chế tài liên quan đến tịch thu tài sản đối với các tài sản vi phạm mà không kể tới giá trị của nó thế nào”, ông Hòa nói.

Ông Khuất Việt Hùng cũng nhấn mạnh thêm: Trong Luật xử phạt vi phạm hành chính đã quy định chế tài này rồi, nên không nhất thiết cứ phải gây án mới tịch thu phương tiện.

“Về mặt thẩm quyền, tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ hay chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT đủ thẩm quyền để tịch thu phương tiện gây ra hành vi uy hiếp an toàn xã hội đến mức chúng ta quy định phải tịch thu phương tiện”, ông Hùng nói.

>> Tài xế “say xỉn” có thể bị tịch thu ôtô từ 15/3 tới

Theo Mạnh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM