“Đau đầu” luật hóa kiểm soát cho vay nặng lãi

19/08/2015 08:37 AM | Pháp luật

Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản tại dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn đang làm “đau đầu” các nhà lập pháp.

Không nên theo lãi suất cơ bản nữa, mà có thể chọn lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã “hiến kế” chống cho vay nặng lãi tại phiên họp sáng 18/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau rất nhiều bàn thảo, quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn đang làm “đau đầu” các nhà lập pháp.

Cố định cũng… khó

Điều 483 dự thảo Bộ luật Dân sự trình Quốc hội quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ  cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

Đồng thời, đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...

Theo Ủy ban Pháp luật, nếu cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự như vậy.

Hơn nữa, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của một hay một số ngân hàng thương mại có tỷ trọng tín dụng lớn, hay lãi suất trái phiếu Chính phủ... cũng là những mức lãi suất không phổ biến và không dễ tiếp cận với phần lớn người dân như lãi suất cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban  Pháp luật Phan Trung Lý lập luận.

Ông Lý cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đề nghị nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự.

Tuy phương án này thuận lợi cho việc áp dụng nhưng lại không bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện kinh tế - xã hội có biến động, Ủy ban Pháp luật băn khoăn.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật trình hai phương án.

Phương án 1 cũng là phương án được Ủy ban Pháp luật tán thành là quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ Luật Dân sư, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất này theo đề nghị của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Còn phương án 2 là giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội.

Linh hoạt cũng… dở

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, cho đến lần làm việc gần đây nhất thì Ngân hàng Nhà nước vẫn có ý “né” ban hành lãi suất cơ bản.

Hoàn toàn tán thành phương án 1, ông Cường giải thích, các nước có lãi suất ổn định thì có thể quy định lãi suất cố định, còn ta thì kinh tế vĩ mô cố gắng ổn định nhưng không ổn định được nên phải giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh.

Nêu thực tế các nước có thể vài chục năm lãi suất không biến động, còn ta thì khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng nếu theo phương án 1 thì phải có phương pháp tính cho thuyết phục.

Vẫn nghiêng về phương án theo lãi suất cơ bản, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh phân tích, lãi suất biến động thường xuyên theo quy luật riêng của nền kinh tế nên nếu đặt ra mức cố định thì thường xuyên phải xem xét điều chỉnh. Điều này theo ông Khánh là khó khả thi.

Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào cũng cho rằng nên có lãi suất cơ bản như công cụ điều chỉnh thì sẽ hợp lý hơn, chứ chốt cứng trong luật thì muốn thay đổi phải sửa luật.

Phải có biên độ để chống cho vay nặng lãi, chống bóc lột, phù hợp với nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông Hào góp ý.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã nhắc lại thông tin đã 6 năm nay Ngân hàng Nhà nước không ban hành lãi suất cơ bản nên không có căn cứ để xử lý tội cho vay nặng lãi.

Ông Nhã cũng cho rằng nếu ấn định cố định một mức lãi suất 20% cho năm nay chẳng hạn thì có thể không những không hạn chế được mà còn tạo đà cho vay nặng lãi.

Và đề nghị của ông Nhã là thay vì lãi suất cơ bản thì có thể chọn lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm để tham chiếu.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM