Cho thuê lại lao động – Ai lợi hơn ai?

03/07/2013 14:51 PM | Pháp luật

Loại hình cho thuê lao động là một chế định mới trong Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) hiệu lực ngày 01/05/2013. Hoạt động này đem lại nhiều lợi ích cho Bên cho thuê lao động và Bên thuê lại lao động.

Khác với các hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động và cung ứng lao động theo tuyển dụng của doanh nghiệp, cho thuê lại lao động được hiểu là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sẽ làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Theo quy định của Nghị định 55/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về cho thuê lại lao động thì hoạt động cho thuê lại lao động chỉ được thực hiện đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thực hiện một số hoạt động nhất định.

Cho thuê lại lao động chỉ được thực hiện nhằm mục đích: Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực; Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân; hoặc giảm bớt thời giờ làm việc; Có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Thời hạn cho thuê lại lao động không quá 12 tháng - hết thời gian này, doanh nghiệp sử dụng lao động phải thuê lại lao động khác hoặc phải trực tiếp tuyển lao động cho mình.

Đối với Bên cho thuê lao động là bên trực tiếp tuyển dụng và gián tiếp sử dụng nguồn lao động.

Nguồn lợi chính của họ sẽ nhận được từ Bên thuê lại lao động, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc Bên cho thuê lao động được phép thu phí người lao động. Ngược lại, họ là người ký hợp đồng trực tiếp với người lao động và phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản lương, bảo hiểm cho lao động của họ.

- Theo nghị định 55/2013/NĐ-CP, một trong những điều kiện để cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động là doanh nghiệp phải có vốn pháp định là 2 tỷ đồng.

- Riêng doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước:

- Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về doanh nghiệp chuyên kinh doanh cho thuê lại lao động;

- Có vốn và tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng;

- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 5 năm trở lên;

- Có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận doanh nghiệp;

- Người đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp chưa có hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại hoặc pháp luật của nước có liên quan.

Đối với Bên thuê lại lao động là bên trực tiếp sử dụng nguồn lao động do Bên cho thuê lao động cung cấp.

Việc thuê lại lao động giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn nhân lực trong những thời điểm cần thiết mà không phải tuyển dụng hay sa thải hàng loạt nhân sự, giảm thiểu thời gian và chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo, quản lý lao động.

Vì người lao động sẽ ký hợp đồng lao động trực tiếp với Bên cho thuê lao động, doanh nghiệp thuê lại lao động có thể “khoán” hẳn cho các công ty cung ứng dịch vụ trong việc tìm kiếm, tuyển dụng, đào tạo và thực hiện các trách nhiệm đối với lao động như: trả lương, thưởng, đóng bảo hiểm, xử lý tai nạn lao động, đình công… và không phải lo đảm bảo đời sống cho lao động dôi dư khi khối lượng đơn hàng giảm.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM