Cán bộ ngân hàng tráo đô la âm phủ lấy tiền thật: Lỗi do quản lý?

17/11/2013 09:50 AM | Pháp luật

Dư luận đang hết sức hiếu kỳ trước thông tin Đỗ Thị Thu Thủy, nguyên trưởng quỹ kho tiền Ngân hàng xăng dầu (PG Bank) Hải Phòng đã mua đô la âm phủ về đánh tráo đô la thật.

Chuyện thật như đùa

Ngày 6/11 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Hải Phòng cho biết vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đỗ Thị Thu Thủy - nguyên trưởng quỹ kho tiền Ngân hàng xăng dầu (PG Bank) chi nhánh Hải Phòng về hành vi trộm cắp tài sản.

Chuyện bắt đầu khi Ngân hàng xăng dầu (Chi nhánh Hải Phòng) kiểm tra quỹ tiền mặt thì phát hiện thiếu gần 249.000 USD và 19.500 EUR. Tiến hành điều tra và kiểm kê lại tài sản, cán bộ ngân hàng phát hiện trong két đựng tiền có 15 xấp tiền đô la âm phủ.

Vụ việc này nhanh chóng được trình báo lên cơ quan công an TP. Hải Phòng. Kết quả của cơ quan điều tra cho thấy, trong thời gian từ tháng 7/2013 đến tháng 10/2013, Đỗ Thị Thu Thủy lợi dụng việc quản lý kho quỹ tại Ngân hàng PG Bank Hải Phòng có nhiều sơ hở để chiếm đoạt tài sản.

Thông thường, các nhân viên ngân hàng có đồng trách nhiệm quản lý kho quỹ chỉ kiểm đếm số tiền mặt thực tế trong quỹ theo số lượng cọc tiền bên ngoài chứ không kiểm tra chi tiết bên trong lõi các cọc tiền. Chính vì vậy mà Thuỷ đã bí mật "rút lõi" để lấy tiền ngoại tệ ở trong két.

Để bù vào số lượng những cọc tiền mà mình đã lấy, Thuỷ đã mua tiền đô la âm phủ xếp lẫn vào với tiền thật cho đủ số lượng các cọc tiền. Không những vậy Thuỷ còn sửa số liệu số dư tiền USD và tiền EUR trên báo cáo khi kiểm tra quỹ tiền mặt.

Tại cơ quan điều tra, Đỗ Thị Thu Thủy đã thừa nhận hành vi trộm cắp 308.700 USD và 39.500 EUR (tổng số tiền này tương đương khoảng 7,6 tỷ đồng). Điều đáng nói là gần như toàn bộ số tiền đã bị Thủy "nướng" vào số đề và tiêu pha cá nhân. Đến thời điểm bị bắt giữ, Thủy chỉ còn lại 3.000 USD và 500 EUR (khoảng hơn 70 triệu đồng)

Báo động đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng

Ngay khi chúng tôi chưa nêu hết câu hỏi, ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cũng đã biết chúng tôi đang nhắc đến một vụ việc "thật mà như đùa" của ngành ngân hàng. Ông Toại nhận định: Mọi chuyện đều có thể xảy ra nếu con người có ý đồ thực hiện hành vi xấu. Khi cơ quan, tổ chức không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì những người đó sẽ có thêm cơ hội để thực hiện.

Nêu rõ về quy trình kiểm tra tiền, ông Toại cho hay, số tiền trước khi vào ngân hàng đã qua kiểm đếm và máy soi kiểm tra kỹ lưỡng. Vì thế tiền giả sẽ không có kẽ nào chui vào kho được. Còn trong trường hợp này, khi tiền thật xếp vào kho, thủ quỹ là người có quyền tiếp xúc với đồng tiền thật nên mới có cơ hội lấy tiền thật ra và bỏ đô la âm phủ vào. Khi tráo tiền âm phủ lấy tiền thật như vậy, họ biết trách nhiệm là thuộc về họ nhưng đã bị đồng tiền làm mờ mắt. Xét về phía luật pháp, nếu bị phát hiện, những trường hợp như thế có thể bị tù tới chung thân hoặc tử hình.

Ông Toại nhấn mạnh: "Để tránh những việc tương tự xảy ra, đòi hỏi quy trình giám sát, kiểm tra, kiểm quỹ của các ngân hàng phải được thực hiện. Ngoài ra, có thể kiểm tra đột xuất để những kẻ xấu nếu có ý đồ thì cũng không kịp thay đổi hay chuẩn bị gì. Trong trường hợp trên, nhân viên Thuỷ không có ý định trộm tiền một lần rồi trốn mất vì sự việc diễn ra trong suốt ba tháng. Có lẽ, nhân viên này đã dùng tiền trong kho để đầu tư hay làm việc gì đó, vì sợ phát hiện nên đã tráo tiền âm phủ và sửa đổi số liệu trên giấy tờ. Chính vì thế, ngoài việc quản lý từ cấp trên, câu chuyện còn phụ thuộc chính vào đạo đức của các nhân viên ngân hàng nữa".

Liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: "Do chúng ta có một thời kỳ phát triển quá nhanh về hệ thống ngân hàng, chưa coi trọng đến đào tạo cán bộ, cũng như siết chặt quản lý kỷ luật về đạo đức và luật pháp nên không tránh khỏi những rủi ro đạo đức và rủi ro chính sách. Đạo đức của một bộ phận nhân viên ngân hàng đang bị xuống cấp trầm trọng cũng là một lý do khiến các vụ phạm tội trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng.

Trong một số vụ việc, các nhân viên ngân hàng còn tìm cách huy động chính thức rồi mang đi cho vay đen. Khi tín dụng đen vỡ thì hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo. Chính vì thế, để ngăn chặn tội phạm ngân hàng, ngày càng phải kiện toàn những quy định về pháp luật, thực hiện nghiêm chỉnh quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất.

duchai

Cùng chuyên mục
XEM