Phân của bạn cũng có sinh mệnh đấy, cùng tìm hiểu xem nó đích thị là gì?

12/11/2018 08:41 AM | Khoa học

Ước tính, có khoảng gần 100 tỷ vi khuẩn trong mỗi gam phân tươi.

Nếu bạn từng nghĩ phân của mình chỉ là một đám tế bào chết, thì sự thật là không phải đâu. Phân của bạn vẫn "sống" đấy, nó chứa hàng trăm tỷ vi khuẩn trên mỗi gam, chưa kể đến các virus, nấm và cổ khuẩn.

Khi nghĩ đến phân, đa số mọi người cho rằng nó là một thứ gì đó bẩn thỉu và cần xa lánh. Nhưng vừa hôm nào, tỷ phú Bill Gates còn cầm hẳn một lọ phân người lên sân khấu và thuyết trình với nó.

Phân của bạn cũng có sinh mệnh đấy, cùng tìm hiểu xem nó đích thị là gì? - Ảnh 1.

Tỷ phú Bill Gates thuyết trình với một lọ phân trên tay

Sự thật là dưới kính hiển vi, một thế giới sinh động trong phân đã được các nhà khoa học mở ra và khám phá. Họ tìm thấy rất nhiều thành phần, một số trong đó còn dự đoán được sức khỏe của bạn.

Hãy cùng tìm hiểu xem, trong phân có gì:

1. Nước

Mặc dù có sự khác nhau giữa mọi người, nhưng trung bình, 75% phân của chúng ta là nước. Những người ăn chay thì phân có nhiều nước hơn người bình thường. Những người tiêu thụ ít chất xơ và nhiều protein hơn lại có hàm lượng nước trong phân thấp hơn.

Chất xơ có khả năng ngậm nước. Do đó, nó làm tăng thể tích phân của chúng ta, tăng nhu động ruột và tăng tần suất đi cầu.

Ngoài 75% là nước, 25% phân còn lại là các chất rắn, chủ yếu là chất hữu cơ (liên quan đến vật chất sống). Một tỷ lệ nhỏ các chất rắn được tạo thành từ các chất vô cơ như canxi và sắt phốt phát cũng như các thành phần mà bạn có thể thấy khi cô đặc dịch tiêu hóa.

Trong số chất hữu cơ, có khoảng 25-45% là các vi sinh vật như vi khuẩn và virus, chúng có thể đã chết hoặc vẫn còn sống.

2. Vi sinh vật

Khoa học từ lâu đã nghiên cứu rất kỹ vi khuẩn trong phân. Ước tính, có khoảng gần 100 tỷ vi khuẩn trên mỗi gam phân tươi.

Trong một nghiên cứu khi các nhà khoa học cô lập các mẫu phân tươi thu thập được trong môi trường không có oxy (oxy có thể gây hại cho một số loại vi khuẩn), họ tìm thấy gần 50% vi khuẩn vẫn còn sống.

Thành phần vi khuẩn trong phân có thể ảnh hưởng đến trạng thái rắn hoặc mềm của nó. Ví dụ, vi khuẩn Prevotella, cũng xuất hiện ở trong miệng, âm đạo và ruột, thường làm cho phân có xu hướng mềm hơn.

Vi khuẩn Ruminococcuse, là những vi khuẩn đường ruột giúp phân giải carbohydrate phức, có xu hướng làm cho phân cứng hơn. Chế độ ăn nhiều chất xơ có liên quan mật thiết với những vi khuẩn này.

Không giống với vi khuẩn, virus ít được nghiên cứu hơn khi chúng xuất hiện trong hệ vi sinh đường ruột – quần thể vi khuẩn, virus và nấm sống trong ruột của chúng ta. Nhưng các ước tính khoa học cho thấy mỗi gam phân tươi vẫn có từ 100 triệu tới 1 tỷ virus.

Một số bệnh, chẳng hạn như viêm dạ dày, viêm ruột có thể làm tăng lượng virus lên đáng kể. Có những mẫu phân có tới hơn 1.000 tỷ virus/gam. Virus cũng là tác nhân gây ra một số bệnh đường ruột, chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.

Cổ khuẩn, các sinh vật giống như vi khuẩn có thể sống trong những môi trường khắc nghiệt nhất Trái Đất như suối nước nóng, biển sáu và những vùng nước cực kỳ nhiều axit, cũng chiếm khoảng 10% những vi sinh trong đường ruột người sống mà không cần oxy.

Các cổ khuẩn này sản xuất mêtan, một tác nhân làm chậm nhu động ruột, khiến phân rắn hơn và gây táo bón. Các nhà nghiên cứu ước tính mỗi gam phân tươi chứa khoảng 100 triệu cổ khuẩn.

Cuối cùng trong hệ vi sinh đường ruột là nấm đơn bào (nấm men) xuất hiện ở 70% người trưởng thành. Chúng có thể sinh sôi tới một dân số lên đến cả triệu bào tử/mỗi gam phân tươi, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (0,03%) của tất cả các vi sinh vật đường ruột.

3. Các vật liệu hữu cơ khác

Khoảng 55-75% vật liệu hữu cơ không sống là các chất như carbohydrate, chất béo, protein hoặc bất kỳ chất có nguồn gốc thực vật nào chưa được tiêu hóa hết. Trong số các carbohydrate, đường và tinh bột gần như sẽ được tiêu hóa hết, vì vậy, thứ còn lại trong phân chỉ là chất xơ.

Khoảng 2-25% chất hữu cơ trong phân có chứa nitơ là các protein không tiêu hóa hết, protein từ vi khuẩn và tế bào lót ruột già bị chết và đào thải. Chất béo đóng góp từ 2-15% vật liệu hữu cơ trong phân của chúng tôi. Lượng chất béo bài tiết vào phân phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống của bạn.

Ngay cả khi bạn kiêng hoàn toàn chất béo, phân của bạn vẫn chứa chúng. Đó là các axit béo mạch ngắn mà vi khuẩn tạo ra khi lên men thực phẩm.

4. Hạt vi nhựa

Phân của bạn cũng có sinh mệnh đấy, cùng tìm hiểu xem nó đích thị là gì? - Ảnh 2.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra các hạt vi nhựa xuất hiện trong phân chúng ta, chúng được cho là đi vào cơ thể từ nước đóng chai, các loại thực phẩm được bọc trong bao bì nhựa và thậm chí cả hải sản chúng ta ăn.

Nghiên cứu nhỏ này thu thập mẫu phân của 8 người đến từ Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Nga, Anh, Phần Lan và Áo. Mẫu phân của họ được xét nghiệm và các nhà khoa học phát hiện ra trong đó có tới 9 loại hạt vi nhựa khác nhau.

Trước đó, một nghiên cứu thực hiện tại Châu Âu cho biết, khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, bạn có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa. Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Hiện vẫn chưa rõ các hạt vi nhựa này có thể ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe con người.

5. Bệnh tật ảnh hưởng đến phân

Phân của bạn cũng có sinh mệnh đấy, cùng tìm hiểu xem nó đích thị là gì? - Ảnh 3.

Phân của mọi người khác nhau và ngay cả phân của một người tại các thời điểm khác nhau cũng khác nhau. Trên thực tế, tính chất phân có thể là một dấu hiệu chỉ ra cơ thể bạn đang ở trong giai đoạn bệnh tật.

Dễ dàng nhận thấy nhất là phân nát hoặc lỏng có thể dự đoán bạn đang bị nhiễm khuẩn đường ruột, hoặc ngộ độc thực phẩm. Các dấu hiệu tinh tế hơn, ví dụ như một số bệnh bao gồm viêm ruột có thể dẫn đến những thay đổi trong thành phần vi khuẩn đường ruột của chúng ta, dẫn đến sự xuất hiện của các protein gây viêm trong phân.

Ngoài ra, sự hiện diện của máu trong phân có thể báo hiệu ung thư ruột, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng. Để chắc chắn, người bệnh cần xét nghiệm sàng lọc máu trong phân để quyết định xem họ có cần nội soi đại tràng hay thực hiện thêm các xét nghiệm sinh thiết để tìm ra dấu vết của ung thư hay không.

Theo ZKnight

Từ khóa:  vi khuẩn
Cùng chuyên mục
XEM