Phạm phải 2 điều cấm kị này, startup đừng mơ gọi được đồng vốn nào từ nhà đầu tư

05/11/2016 14:22 PM | Kinh doanh

Tỏ ra mình là một người thiếu hiểu biết, hay tỏ ra chuẩn bị không kỹ càng có thể ngay lập tức làm các startup nhận được cái lắc đầu từ các nhà đầu tư

Đến một thời kỳ, startup sẽ cần vốn đầu tư để sống. Khi gọi vốn, 2 nguyên tắc cấm kỵ mà startup nên tránh, được Shelli Trung - một nhà đầu tư thiên thần, người từng nằm trong top 10 các nữ doanh nhân của Úc năm 2011 - đề cập đến khi trả lời phỏng vấn tờ Tech in Asia là "tỏ ra không hiểu biết về lĩnh vực startup" "cho thấy chuẩn bị không kỹ càng".

Theo nhà đầu tư trên, các nhà sáng lập startup nên tuyệt đối tránh những điều sau, để tránh được 2 nguyên tắc cấm kỵ, từ đó sẽ gây ấn tượng tốt trong mắt các nhà đầu tư khi đi gọi vốn.

1. Nói cho nhà đầu tư biết rằng bạn đang tuyệt vọng như thế nào

Chính xác là như vậy, không có gì làm cho nhà đầu tư nghĩ rằng startup của bạn đang rơi vào cảnh báo động hơn là được nghe rằng startup này đang “tuyệt vọng” kiếm tìm nhà đầu tư.

Shelli Trung chia sẻ rằng bà nhận được “hàng tấn” các email từ các nhà sáng lập startup mỗi ngày. Khi nhìn thấy một email nào đó viết rằng “Làm ơn, tôi đang tuyệt vọng”, bà cho biết, đó là một email không đáng để đọc.

Hãy nhớ rằng, có thể đúng là bạn đang tuyệt vọng với việc làm sao để những nhà đầu tư chú ý đến mình - thế những đừng bao giờ nói điều đó ra thành lời trước mặt họ.

Thay vào đó, hãy tỏ ra “hustle” (thuật ngữ sử dụng trong giới startup - có nghĩa là nhiệt tình tiếp cận người khác để giới thiệu về startup hay sản phẩm của mình), mời cà phê và nói cho họ biết rằng sản phẩm của bạn tốt đến mức nào để khiến họ chấp nhận đầu tư.

2. Chằng buồn đề cập đến sản phẩm của bạn

Có nhiều nhà sáng lập thường dùng những mỹ từ để miêu tả mô hình kinh doanh của mình: “mang tính cách mạng”, “tạo đột phá trong một lĩnh vực”, hay “tạo ra hẳn một thị trường mới”.

Đó hẳn là một cách rất tốt để nhận được cái lắc đầu. Sự thật, với những mỹ từ ấy, bạn thậm chí còn có thể không nhận được một lời mời đi cà phê. Thay vào nói đao to búa lớn, hãy tập trung nói về những vấn đề mà startup của bạn sẽ giải quyết.

3. Đề nghị nhà đầu tư ký bản thỏa thuận không tiết lộ thông tin (non-disclosure agreement)

Hãy nói đến lúc chuẩn bị trình bày ý tưởng (pitching), bạn sợ rằng các nhà đầu tư sẽ ăn cắp ý tưởng này, vì thế bạn đề nghị họ ký một bản thỏa thuận không tiết lộ thông tin. Điều này hoàn toàn không nên!

Sự thật là các nhà đầu tư sẽ không buồn ăn cắp những ý tưởng đó bởi vì chúng có đầy rẫy ở ngoài kia. Ở thời đại công nghệ và toàn cầu hóa này, ý tưởng dồi dào và có ở khắp mọi nơi. Nếu bạn cho rằng ý tưởng của mình là độc nhất trong 1 triệu ý tưởng thì rất có thể điều đó là sai.

Nhớ rằng, điều quan trọng nhất các nhà đầu tư để ý là startup sẽ được vận hành như thế nào và ai là người vận hành. Vì thế, với bản thỏa thuận không tiết lộ thông tin – quên nó đi. Hãy cứ pitch thôi.

4. Không giải thích vấn đề mà startup đang giải quyết

Các nhà sáng lập startup hiện nay thường là những chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó: khoa học, y tế hoặc giáo dục. Họ am hiểu những lĩnh vực đó như lòng bàn tay.

Nhưng hãy nhớ rằng, các nhà đầu tư thì không như vậy. Họ đến từ những công việc, nghề nghiệp khác, vì thế việc giả định rằng họ hiểu về những vấn đề startup đang giải quyết có thể là nhầm lẫn.

Thay vào đó, hãy vẽ ra một bức tranh tổng thể về lĩnh vực startup đang hoạt động và những vấn đề mà startup sẽ giải quyết, để giúp cho nhà đầu tư có những cái nhìn ban đầu.

5. Chỉ nói suông mà không hề có số liệu

Các nhà đầu tư yêu các con số, bởi lẽ họ là những nhà đầu tư – những người muốn biết số tiền của mình sẽ được nhân lên bao nhiều lần sau khi đã ra đi. Vì thế, nếu bạn không đề cập đến những số liệu khi nói chuyện với nhà đầu tư, bạn hẳn sẽ bị họ “lơ đi”.

Trong mắt họ, điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa nghĩ đến việc dùng số liệu để đo lường hiệu quả của startup, hoặc thậm chí chưa sẵn sàng sử dụng nó. Điều này cũng được xác nhân bởi nhà đầu tư Shelli Trung nói đến ở trên.

Những con số này có cần phải chính xác ? Không cần, hầu hết những con số hiện tại đều không thật sự chính xác nhưng các nhà đầu tư cũng không quá quan trọng vấn đề này. Điều họ biết muốn là cách bạn suy nghĩ đằng sau những con số ấy.

6. Không nghiên cứu trước về khẩu vị các nhà đầu tư

Mỗi nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư riêng. Có người thích đầu tư vào mảng “công nghệ trong tài chính” (fintech), có người thích đầu tư vào giáo dục, có người lại thích ứng dụng di động.

Vì thế, hãy nghiên cứu họ trước khi tiếp cận. Hãy tìm hiểu trước những hiểu biết của họ về khởi nghiệp và những lĩnh vực họ gần đây đã đổ tiền vào.

Giờ đây, những thứ này có thể dễ dàng tìm thấy trên LinkedIn, Google hay Twitter. Tìm hiểu trước về chúng sẽ giúp bạn dễ tạo quan hệ, dễ dàng nói chuyện với các nhà đầu tư và dễ đạt được mục tiêu gọi vốn hơn.

Lấy ví dụ, bạn định tiếp cận Brian để mời ông ấy đầu tư vào startup fintech mà bạn đang có. Sau khi nghiên cứu, bạn nhận ra rằng Brian chỉ thường đầu tư vào các startup phim ảnh và nghệ thuật. Vì thế, Brian rõ ràng không phải là nhà đầu tư tốt nhất cho startup của bạn.

7. Trình bài ý tưởng bằng một bản slide tệ hại

Bạn trình bày ý tưởng của mình với một bản slide đẹp đẽ, nhưng không hề có số liệu, không có thông tin về các thành viên trong team, không thể hiện vấn đề của thị trường và cách startup giải quyết chúng. Những điều đó chắc chắn sẽ hại bạn trong chuyện kêu gọi đầu tư.

8. Đề nghị họ làm người thầy hướng dẫn cho bạn

Đề nghị nhà đầu tư vừa mới gặp trở thành người thầy hướng dẫn cũng giống như việc hỏi một cô gái vừa mới gặp trở thành người bạn đời vậy.

Một chu trình hợp lý sẽ là, đầu tiên, tạo được sự kết nối và niềm tin nơi các nhà đầu tư, sau đó mới là những bước xa hơn. Có lẽ một buổi cà phê sẽ là một ý tưởng hợp lý hơn trước khi đề cập đến chuyện trở thành người thầy hướng dẫn. Nhớ rằng, đừng tỏ ra quá dữ dội một cách quá nhanh.

9. Tiếp cận các nhà đầu tư một cách không bài bản

Bạn gửi một email đến cho nhà đầu tư bạn tình cờ phát hiện trên LinkedIn để kêu gọi họ đổ tiền. Nhớ rằng với cách tiêp cận đó, kết quả dù không phải luôn luôn là sự từ chối, nhưng bạn hoặc phải có một ý tưởng độc đáo kiểu 1 trong 1 triệu, hoặc đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng thì mới mong nhận được đầu tư.

Một cách tiếp cận đúng đắn hơn là tìm một người nào đó để giới thiệu bạn với nhà đầu tư. Bạn có thể sử dụng những kết nối trên LinkedIn, hoặc tham dự buổi gặp gỡ giữa các startup, hoặc mời họ đi cà phê nếu nhận được sự đồng ý. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo một tỷ lệ gọi vốn thành công cao hơn.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM