Phải làm gì khi đi phỏng vấn nhưng nhà tuyển dụng không hề nhắc đến lương thưởng?

21/07/2020 10:21 AM | Kinh doanh

Bạn không muốn mất thời gian tiếp tục dồn công sức vào các vòng phỏng vấn để rồi có khi thất vọng với mức lương khởi điểm, một mặt khác lại khá ngại ngần khi phải tự chủ động đề cập đến vấn đề này.

Bạn đến tham dự phỏng vấn, mọi thứ diễn ra theo quy trình, thậm chí bạn đã vượt qua vòng 2 hoặc 3 rồi nhưng tuyệt nhiên phỏng vấn viên không hề nhắc chút thông tin gì về vấn đề lương thưởng. Bạn bắt đầu thấy bối rối và cũng có đôi chút không thoải mái khi cảm giác dường như việc chi trả cho vị trí đang ứng tuyển cố tình bị ngó lơ. Bạn không muốn mất thời gian tiếp tục dồn công sức vào các vòng phỏng vấn để rồi có khi thất vọng với mức lương khởi điểm, một mặt khác lại khá ngại ngần khi phải tự chủ động đề cập đến vấn đề này.

Mặc dù còn cần phải tuỳ thuộc vào tình huống cụ thể như loại hình công ty hay cấp bậc của ứng viên nhưng sau đây là một vài giải pháp tương đối thông dụng nhất để xử lý trong hoàn cảnh khó xử này.

1. Đặt vấn đề đúng thời điểm

 Mục đích của tất cả các buổi phỏng vấn là nhằm tạo điều kiện để nhà tuyển dụng và ứng viên có thêm thông tin và xem độ phù hợp của đôi bên như thế nào cũng như trao cho ứng viên cơ hội chứng minh họ chính là lựa chọn tốt nhất cho vị trí đang tuyển dụng. Nếu việc đàm phán lương diễn ra không đúng lúc, nó có nguy cơ biến cuộc trò chuyện theo hướng ứng viên chỉ đang muốn tìm kiếm một công việc vì tiền chứ không phải vì bản thân thấy đúng hướng phát triển về lâu dài.

 Do đó, các chuyên gia thường khuyên ứng viên hãy chờ cho đến khi có được lời mời làm việc chính thức hoặc ít nhất nhận được dấu hiệu về việc mình sẽ được lựa chọn rồi hẵng bắt đầu đàm phán về lương thưởng. Thông thường, thời điểm thích hợp để bạn cân nhắc đưa ra bàn thảo vấn đề này là khi bạn nghe phỏng vấn viên nhắc đến những câu hỏi như "Khi nào thì bạn sẵn sàng để bắt đầu công việc?" hoặc "Bạn có thể cung cấp một số thông tin về người tham khảo cho chúng tôi không?"

Về cách đặt vấn đề, bạn hãy cứ thẳng thắn chia sẻ nhưng nhớ nêu rõ giá trị đóng góp của mình trước như "Tôi thật sự rất hứng thú về cơ hội làm việc tại công ty và tôi tin chắc mình sẽ có khả năng đáp ứng những yêu cầu được đưa ra. Liệu tôi có thể tham khảo về mức chi trả cho vị trí này với những nhiệm vụ đã được trao đổi trong buổi phỏng vấn?"

2. Gợi ý để nhà tuyển dụng chủ động trả lời

Nếu phải ngại ngần khi bắt đầu câu hỏi về mức lương, hãy khéo léo chuyển trái bóng trên sân về phía nhà tuyển dụng. Trên thực tế, một số phỏng vấn viên không đề cập đến vấn đề này bởi họ đã có một mức định sẵn cho vị trí cần tuyển và muốn biết xem ứng viên hiểu và tự tin về giá trị của mình cũng như thị trường đến đâu. Do đó, khi không muốn phải quá chủ động đưa ra câu hỏi xem mức lương mình có thể nhận được để bắt đầu công việc là bao nhiêu, bạn có thể tiết lộ thu nhập hiện tại của mình (hoặc thu nhập mong muốn của mình) khi trao đổi qua điện thoại hoặc khi điền vào các mẫu ứng tuyển do công ty đưa ra. 

Hoặc bạn cũng có thể đặt vấn đề kiểu "Ngoài những vấn đề đã trao đổi liên quan đến nhiệm vụ của vị trí này, tôi cũng muốn hiểu rõ hơn về cách thức và những chi phí công ty sẽ hỗ trợ thanh toán khi tôi di chuyển để gặp khách hàng hoặc đi công tác nhằm phục vụ công việc được tốt hơn". Bằng cách hướng câu hỏi về phúc lợi, nhu cầu tìm hiểu về mức lương của bạn cũng sẽ được bật đèn xanh để gửi đến phỏng vấn viên.

3. Định sẵn trong đầu khung lương cho vị trí tuyển dụng

Để không bị bối rối hoặc kém tự tin khi phải trao đổi về mức lương khởi điểm của phỏng vấn viên, bạn hãy chuẩn bị sẵn một số dữ liệu trước khi đến phỏng vấn như khung lương cho vị trí ứng tuyển, các kịch bản đàm phán lương có thể diễn ra. Tránh trường hợp bạn mong muốn quá cao hoặc đưa ra mức đề nghị quá thấp, phương án nào cũng đều không có lợi cho việc thương thảo của bạn về sau.

4. Hiểu rõ giá trị bản thân

Phải làm gì khi đi phỏng vấn nhưng nhà tuyển dụng không hề nhắc đến lương thưởng? - Ảnh 1.

Dù cho việc khởi xướng trao đổi về lương thưởng đến từ phía nào, phỏng vấn viên hay bạn, điều quan trọng là bạn trước hết phải hiểu rõ giá trị của chính mình so với thị trường hiện tại. Đừng xem việc đàm phán lương chỉ đơn giản là cuộc "mặc cả" giữa đôi bên, đây còn là một bước quan trọng để thể hiện những kỹ năng, thế mạnh của bản thân bạn so với các ứng viên tiềm năng khác và có thể là "cú chốt hạ" để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng mình chính là ứng viên xứng đáng vì biết mình biết ta nhất.

Để tìm hiểu xem bản thân có đang nhận mức lương cạnh tranh so với thị trường, bạn có thể thử qua một vài kỹ thuật nhận biết đơn giản nhất hoặc trực tiếp truy cập vào cổng thông tin lương thưởng uy tín tại VietnamSalary.vn để nhận được kết quả tham khảo đáng tin cậy ngay lập tức.

PV

Cùng chuyên mục
XEM