Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của đế chế huyền thoại truyền hình Hong Kong TVB ?

25/12/2019 16:06 PM | Xã hội

Với những ai đã từng đam mê các bộ phim "chưởng" băng từ thập niên 1990, cái tên TVB có lẽ không còn xa lạ. Tuy nhiên việc ngủ quên trên chiến thắng đang giết dần ông lớn này.

Đài truyền hình nổi tiếng TVB (Television Broadcasts) của Hong Kong mới đây đã phải tuyên bố cắt giảm 10% nhân viên, tương đương 350 người trước những áp lực từ nền kinh tế. Cụ thể việc sa thải bớt nhân viên sẽ được bắt đầu thực hiện từ cuối năm nay theo như bức thư điện tử mà CEO Mark Lee của TVB gửi đến cho toàn thể công nhân viên trong đài.

Nguyên nhân chính của động thái sa thải nhân viên này là do nền kinh tế Hong Kong gặp khó khăn trong bối cảnh mất ổn định về địa chính trị, qua đó gián tiếp khiến hàng loạt các nhãn hàng giảm chi phí quảng cáo trên các nhà đài như TVB.

Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của đế chế huyền thoại truyền hình Hong Kong TVB ? - Ảnh 1.

Trụ sở TVB tại Hong Kong

Trong bức thư điện tử (email) gửi đến toàn bộ nhân viên, CEO Lee cho biết TVB cần nâng cao khả năng tài chính cũng như cải thiện hiệu quả kinh doanh và họ buộc phải cắt giảm chi phí nhân công nhằm duy trì hoạt động.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, sự bất ổn của kinh tế vĩ mô chỉ là giọt nước làm tràn li cho suốt những năm tháng khủng hoảng gần đây của TVB khi nhà đài này không tìm ra được hướng đi mới cũng như bắt kịp xu thế.

Thời đỉnh cao đã qua

Điều trớ trêu là TVB từng có tới 52 năm kinh nghiệm làm phim, họ vốn là một trong những đài truyền hình lớn lâu năm ở Hong Kong với hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng đào tạo được như Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ… Tại Việt Nam, chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến thập niên 1990 với hàng loạt băng đĩa của TVB về phim chưởng hay các bộ phim cung đấu, tình cảm, trinh thám…

Có thể nói vào thời kỳ đỉnh cao, phim của TVB vượt trội hơn rất nhiều nền điện ảnh khác cả về nội dung lẫn chất lượng. Ngoài ra, việc TVB áp dụng mô hình sản xuất hoàn thiện từ khâu biên kịch, đạo diễn , phân phối, quản lý diễn viên đến xây dựng phim trường đã giúp nhà đài này độc quyền trong mảng điện ảnh những năm 1980-1990.

Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của đế chế huyền thoại truyền hình Hong Kong TVB ? - Ảnh 2.

Tây Du Ký bản TVB, một trong những tác phẩm được khá nhiều người đón nhận

Việc độc quyền khiến TVB hầu như trở thành bá chủ làng giải trí giai đoạn Internet chưa bùng nổ, kiếm được hàng trăm triệu Dollar Hong Kong nhờ quảng cáo những năm 1990, qua đó giúp họ có nguồn tiền tiếp tục đầu tư những bộ phim chất lượng.

Thậm chí TVB còn tổ chức những lớp đào tạo diễn viên, những cuộc thi hoa hậu Hong Kong nhằm lăng xê và quảng bá cho các nghệ sĩ của họ, tạo nên một mạng lưới kinh doanh trong làng giải trí.

Dẫu vậy, sự phát triển của công nghệ, Internet cùng sự tham gia của nhiều hãng giải trí đã làm TVB mất dần thị hiếu người xem. Trào lưu phim Hàn Quốc, sự trỗi dậy của điện ảnh Trung Quốc đại lục cũng như các kênh truyền hình trả phí như Netflix, rồi sự tham gia của Youtube khiến người xem không còn mặn mà với kênh truyền hình nữa.

Nói đơn giản, công thức thành công của TVB giờ đây không còn trở thành con gà đẻ trứng vàng nữa mà lại thành gánh nặng. Với tư cách là một nhà đài lớn, TVB cần chi rất nhiều tiền để xin phép trình chiếu các chương trình mới phù hợp với độc giả trẻ. Họ cũng bị soi xét kiểm duyệt gắt gao hơn các kênh khác do mang tiếng là một trong 3 đài truyền hình lớn nhất Hong Kong.

Tệ hại hơn, sự phát triển của các lựa chọn giải trí mới khiến người xem không còn phụ thuộc vào chiếc tivi nữa. Họ có thể xem qua smartphone, lựa chọn kênh mình yêu thích và những bộ phim hợp thị hiếu. Hệ quả là TVB bị giảm sút lợi nhuận quảng cáo và họ không đủ tiền đầu tư cho các bộ phim chất lượng nữa. Giờ đây phần lớn các bộ phim của TVB có đề tài cũ rích, phim trường tồi tàn, đạo cụ và phục trang xấu. Diễn viên cũng bị trả lương bèo bọt và phải làm công việc khác kiếm tiền mưu sinh.

Báo cáo tháng 8/2019 cho thấy doanh thu hãng đã giảm từ 2.231 triệu HKD đầu năm xuống chỉ còn 1.965 triệu HKD tính đến tháng 6/2019.

Trước đó vào năm 2018, TVB lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ ròng 199 triệu HKD (tương đương 25,5 triệu USD) trong suốt những năm tháng sinh lời trước đó. Xin được nhắc lại là vào năm 2017, TVB vẫn có lãi đến 243,6 triệu HKD.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lợi nhuận mảng quảng cáo truyền hình của TVB chỉ đạt 58 triệu Dollar Hong Kong (HKD), thấp hơn rất nhiều so với mức hơn 100 triệu HKD cùng kỳ năm 2018. Ngược lại mảng bán bản quyền truyền hình lại đạt lợi nhuận hơn 200 triệu HKD, qua đó cho thấy giờ đây nhà đài này chỉ sống nhờ bán những tác phẩm đỉnh cao khi xưa của mình cho các kênh khác "xào nấu" lại chứ chẳng cho ra mắt được một chương trình thực sự hấp dẫn nào.

Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của đế chế huyền thoại truyền hình Hong Kong TVB ? - Ảnh 3.

Những bộ phim chưởng thập niên 1990 đã trở thành thương hiệu của TVB

Sự nhàm chán của các chương trình khiến hàng loạt các doanh nghiệp rời bỏ TVB dù nhà đài có các chính sách giảm giá ưu đãi. Hàng nghìn công nhân viên làm việc lâu năm với TVB cũng bỏ đi khi hãng không còn đủ tiền trả lương hoặc trả quá thấp không đủ sống. Tệ hại hơn, rất nhiều tài năng gạo cội như Xa Thi Mạn cùng rời bỏ TVB sang Trung Quốc đại lục tìm kiếm hướng đi cho sự nghiệp.

Một "Nokia" của Hong Kong

Trên thương trường, các tập đoàn lớn cần phải cảnh giác không ngủ quên trên chiến thắng. Hàng loạt bài học lớn đã từng chỉ ra phương pháp kinh doanh thành công trước đây có thể không còn phù hợp với ngày nay, nhất là khi công nghệ, thị hiếu và nhiều yếu tố khác biến động từng ngày.

Nếu trước đây, Nokia của Thụy Điển "lơ mơ" để cho Apple đánh sập mà vẫn không rõ tại sao mình thất bại thì TVB có lẽ may mắn hơn khi đã nhận ra những sai lầm của mình. Dẫu vậy, liệu những thay đổi của nhà đài này có quá muộn hay không thì còn là câu hỏi.

Đầu tiên, việc bao thầu toàn bộ quá trình quay phim khiến TVB cần tốn một chi phí rất lớn để xây dựng các chương trình hay những tác phẩm điện ảnh. Phương pháp này có thể phù hợp trong quá khứ khi người xem chẳng có nhiều lựa chọn, giúp TVB độc quyền truyền hình, nhưng giờ đây với sự cạnh tranh khốc liệt cùng vô vàn mảng giải trí mới, chúng đang dần lỗi thời.

Nhà đài này phải tốn quá nhiều tiền sản xuất, hậu quả là không đủ kinh phí làm chỉn chu từ trang phục đến đạo cụ, cũng chẳng trả đủ lương cho nhân viên để rồi tạo nên những tác phẩm tệ hại không hợp thị hiếu người xem.

Trái ngược lại, những nhà làm phim từ các thị trường khác có thể thuê ngoài, hợp tác hay chỉ đảm nhiệm một khâu nhất định trong quá trình sản xuất. Phương án này tốn ít chi phí hơn, tận dụng được nhiều nguồn lực hơn, chú trọng được thêm vào chất lượng, bắt kịp thị hiếu người xem và đặc biệt là có thể mở rộng các kênh phân phối chứ không bị bó buộc chỉ chiếu trên truyền hình.

Bên cạnh đó, việc TVB bó buộc các nghệ sĩ, chỉ được đóng phim của họ cũng khiến nguồn lực bị bó hẹp. Tư tưởng "độc quyền" giờ đã phản tác dụng bởi TVB có quá ít tác phẩm, khiến những tài năng trẻ bị thui chột và không có tương lai. Điều này khác với các thị trường điện ảnh khác khi diễn viên được tuyển chọn đa dạng từ nhiều nguồn, hàng loạt bộ phim hay chương trình được sản xuất khiến mọi người tự do phát triển tài năng.

Không có đất diễn, lương bèo bọt và bị đối xử chẳng ra sao khiến ngày càng nhiều người giỏi rời bỏ TVB, khiến nhà đài khó tạo nên những tác phẩm hay và doanh thu càng đi xuống. Vòng luẩn quẩn này mới chính là thứ giết chết một trong những nhà đài mang tính biểu tượng của Hong Kong.

Mặc dù TVB đã triển khai một số kênh giải trí mới cùng các chương trình lạ mắt cho trẻ em hay cho người dùng điện thoại nhưng hiệu quả vẫn không cao. Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của một hãng "Nokia" mới trong làng truyền hình, khi ông lớn ngủ say quá lâu trên hào quang chiến thắng mà quên mất thị trường đang thay đổi từng ngày.

Phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của đế chế huyền thoại truyền hình Hong Kong TVB ? - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM