Pha tất tay 400 triệu USD tại Mỹ của Toyota: Bám riết lấy "xác sống"?
Toyota vừa quyết định khoản đầu tư gần 400 triệu USD cho một thứ được nhìn nhận là "xác sống".
Khi nhìn vào sự dịch chuyển của ngành xe thế giới hiện nay, khó để không nhận ra rằng phần đông hãng xe trên thế giới đang xích lại gần với xe điện. Trong một bài viết trên Forbes từ năm 2018 cây viết Tom Raftery còn khẳng định rằng kỷ nguyên động cơ đốt trong đã chấm dứt, xe điện là tương lai. Cây viết này cũng không ngần ngại gọi khối động cơ mà ngành xe đã mất cả trăm năm để phát triển và cải tiến là xác sống.
Gốc rễ của sự dịch chuyển này có thể nhìn nhận về phía bộ máy chính quyền khi đã có nhiều quốc gia và khu vực đưa ra lộ trình để cấm bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, một số hãng xe trên thế giới dường như vẫn có những bước đi chậm chạp về xe điện. Một trong những hãng xe được ghi nhận vậy có thể kể tới Toyota, nhất là khi mới đây, hãng đã thông báo về khoản đầu tư lên tới gần 400 triệu USD cho động cơ đốt trong.
KHOẢN ĐẦU TƯ CHO ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG
Bên trong nhà máy của Toyota tại bang Alabama, Mỹ.
Cụ thể, thông tin trên Carbuzz cho biết rằng Toyota sẽ đầu tư 383 triệu USD cho 4 nhà máy của hãng tại Mỹ, lần lượt được đặt tại bang Alabama, Kentucky, Missouri và Tennessee. Khoản đầu tư này được cho là sẽ nhắm tới việc sản xuất khối động cơ 4 xilanh được sử dụng trên cả các mẫu xe đóng logo Toyota và Lexus.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc rằng khối động cơ mà Toyota sản xuất là loại lai điện, tức là được hỗ trợ một phần bằng động cơ điện, từ đó giúp khối động cơ tiêu thụ nhiên liệu tốt hơn.
Dẫn lời Phó Chủ tịch bộ phận Sản xuất và Kỹ thuật của Toyota, ông Norm Bafunno: "Khách hàng của Toyota muốn các mẫu xe sử dụng nhiên liệu hiệu quả và được điện hóa. [...] Những khoản đầu tư này sẽ giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thích ứng nhanh hơn với dòng chảy của thị trường. Chúng tôi cam kết đầu tư vào Mỹ, và giờ chúng tôi đã sẵn sàng để đón nhận những thử thách mới."
Toyota RAV4 Hybrid là một trong những mẫu xe Toyota sản xuất tại Mỹ.
Với khoản đầu tư gần 400 triệu USD này, đầu tiên, nhà máy của Toyota tại bang Alabama, Mỹ sẽ được trang bị thêm một dây chuyền để sản xuất một khối động cơ 4 xilanh mới, giúp Toyota sản xuất nhiều hơn các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống và các mẫu xe sử dụng hệ truyền động lai điện. Được biết, nhà máy này được Toyota xây dựng từ năm 2003 và được đầu tư tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD cho tới nay.
Tiếp theo, nhà máy tại Kentucky cũng sẽ được mở rộng. Ngay từ khi xây dựng, nhà máy tại Kentucky là nhà máy lớn nhất của Toyota trên thế giới, chịu trách nhiệm sản xuất tới 7 mẫu xe đóng logo Toyota và Lexus, bao gồm mẫu Lexus ES Hybrid, Toyota Camry và Toyota RAV4 Hybrid. Tới hiện tại, Toyota đã đầu tư khoảng 8,5 tỷ USD cho nền kinh tế của bang Kentucky.
Với nhà máy tại Missouri, nhà máy này sẽ được trang bị để sản xuất nắp quy lát cho khối động cơ 4 xilanh. Tới hiện tại, Toyota đã đầu tư 564 triệu USD cho nhà máy này, hiện có công suất khoảng 3 triệu nắp quy lát mỗi năm.
Cuối cùng, nhà máy tại Tennessee được trang bị để sản xuất thân máy. Nhà máy hiện có thể sản xuất 2 triệu thân máy mỗi năm, tương xứng với mức đầu tư tổng 425 triệu USD của Toyota.
Theo số liệu của Toyota, hãng hiện sản xuất phân nửa số xe được bán tại Mỹ.
Toyota Mirai là một trong những mẫu xe hiếm hoi trên thị trường sử dụng năng lượng Hydro.
Trên thực tế, việc Toyota tỏ ra chậm chạp với xe điện không phải là khó hiểu khi hãng dường như quan tâm tới năng lượng hydro hơn. Cho tới hiện tại, mẫu xe Toyota Mirai là một trong những mẫu xe thương mại hiếm hoi trên thị trường sử dụng năng lượng hydro.
Tuy nhiên, mẫu xe này chỉ được Toyota bán tại một khu vực giới hạn, ví dụ tại Mỹ thì chỉ có bang California được phân phối mẫu xe này. Lý do có thể được đưa ra là bởi chi phí đầu tư cho trạm nhiên liệu hydro rất lớn, đi kèm nhiều tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ngoài bang California, Mỹ, Toyota còn bán mẫu xe này tại những quốc gia khác như Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản...