Phá sản vì Covid-19, hộ kinh doanh cá thể khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Các tiêu chí về miễn giảm thuế, phí quá chặt chẽ khiến các hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, rất khó giải quyết chính sách vì không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.
Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đang khiến hàng triệu hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không có doanh thu trong thời gian dài. Trong khi đó, việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ lại gặp rất nhiều khó khăn.
Sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội, chị Dương Phương Thảo - chủ hộ kinh doanh quần áo tại phường Hàng Gai cho biết, chưa bao giờ 36 phố phường của Thủ đô Hà Nội lại vắng vẻ như bây giờ. Có đến 70% cửa hàng kinh doanh trên các phố phải ngừng hoạt động. Hình ảnh rất quen thuộc trước các cửa hàng là biển cho thuê, sang nhượng và biển “bán nhà”.
“Dịch Covid-19 khiến tất cả các hàng quán đều vắng vẻ. Nhà tôi mấy tháng gần đây không có khách nên rất khó khăn. Tất cả vốn liếng của cả gia đình đã tập trung vào cửa hàng nhưng khách gần như không có, trong khi gia đình vẫn phải cố gắng để giữ được cái nghiệp kinh doanh”, chị Thảo chia sẻ.
Anh Phạm Quang Huy - chủ cửa hàng kinh doanh đồ gốm tại số 53 phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang thuê mặt bằng mỗi tháng 50 triệu đồng. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc kinh doanh buôn bán cứ dần đi xuống.
Đợt cao điểm dịch bệnh lần này càng làm cho kinh tế của gia đình anh kiệt quệ. Cho nhân viên nghỉ việc, cắt giảm mọi chi tiêu không cần thiết, cố gắng trao đổi và tiếp xúc khách hàng bằng nhiều hình thức - Đó là những giải pháp anh Huy đã và đang thực hiện để có được nguồn thu nhập ít ỏi nhằm duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, anh cũng không biết còn có thể cầm cự được bao lâu.
“Hơn 1 năm qua kinh tế đi xuống khiến việc buôn bán giảm hẳn. Tôi đi thuê cửa hàng nhưng hàng hóa không bán được trong khi tiền nhà, tiền thuế vẫn phải đóng. Tôi chưa thấy ưu đãi gì hay chính sách gì đến được với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như tôi”, anh Huy nói.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, số hộ kinh doanh tạm ngừng và nghỉ kinh doanh trên địa bàn đã lên đến hơn 8.800 hộ. UBND quận luôn bám sát tình hình kinh doanh của các hộ. Các tổ công tác, các đầu mối để liên hệ với các hộ kinh doanh theo từng nhóm ngành hàng, từng lĩnh vực cũng đã được thành lập. Quận cũng giao nhiệm vụ cho từng ban ngành và các phường, kịp thời nắm bắt những khó khăn và động viên các hộ.
Cũng theo ông Quân, với chức năng nhiệm vụ của mình, UBND quận đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ kinh doanh cá thể, nhưng việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn rất khó triển khai.
“Chính sách của Nhà nước cần quan tâm đến cả các hộ kinh doanh cá thể, vì hiện nay mới dừng ở các doanh nghiệp. Các tiêu chí đặt ra để nhận hỗ trợ của các hộ kinh doanh không thể đáp ứng được và nếu đáp ứng được thì họ lại không còn là hộ khó khăn. Hiện nay các tiêu chí về miễn giảm thuế, phí quá chặt chẽ khiến các hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, rất khó giải quyết chính sách vì không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra quá cao để được hỗ trợ”, ông Quân đề cập.
Hàng quán đóng cửa, doanh thu giảm sút, thậm chí không có doanh thu, trong khi phải “gánh” nhiều chi phí. Đó là thực trạng mà các hộ kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang phải rất vất vả để tìm hướng giải quyết. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có chính sách kịp thời để hỗ trợ những hộ kinh doanh này khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh qua đi.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phải đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh cần có một khung khổ pháp lý vững chắc để bảo vệ họ.
“Tất nhiên khung khổ pháp lý này không tạo ra những rào cản mới, không tạo ra những gánh nặng về thủ tục cũng như về chi phí đối với các hộ kinh doanh cá thể. Phải bảo vệ họ và góp phần minh bạch hóa khu vực này. Chỉ có thể bằng cách minh bạch hóa và nâng cấp các hộ kinh doanh mới tạo nên một động lực mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Lộc nêu quan điểm.
Trên thực tế, khu vực kinh doanh cá thể chiếm khoảng 30% GDP của cả nước. Đây cũng là khu vực tạo ra số lượng việc làm rất lớn cho xã hội. Các hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân cũng góp phần trong việc huy động vốn trong nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế.
Mặc dù vậy, với bản chất là quy mô vốn nhỏ, kinh tế hộ gia đình nên dễ bị tổn thương khi có biến động thị trường. Hàng triệu hộ kinh doanh trên cả nước sẽ còn khó khăn hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Hỗ trợ thiết thực nhất đối với họ lúc này là các chính sách về thuế, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ngân hàng và giảm bớt các thủ tục hành chính./.