PGS.TS. Vũ Minh Khương chỉ ra 3 yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam có thể phát triển giống như Singapore, nhưng với quy mô lớn hơn

06/05/2019 17:24 PM | Kinh tế vĩ mô

PGS.TS. Vũ Minh Khương đã cùng với 3 chuyên gia kinh tế châu Á thảo luận về những thành tựu, cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2019.

PGS.TS. Vũ Minh Khương - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Tôi nghĩ rằng những thành quả kinh tế của Việt Nam là rất ấn tượng. Thứ nhất là vì chúng tôi đang tiến rất gần tới nền kinh tế thị trường, thứ hai là vai trò của khu vực tư nhân ngày càng mở rộng và thứ ba là quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đó là một chiến lược rất tốt vì thời điểm hiện tại rất thuận lợi cho một cuộc cải cách toàn diện, đặc biệt là về công nghệ.

Chính phủ đã xác định rất rõ ràng mục tiêu rằng Việt Nam sẽ trở thành một mô hình phát triển hiện đại hóa vào năm 2045 – kỷ niệm 100 năm độc lập. Đó là những bước tiến đáng ghi nhận nhưng con đường phải đi vẫn còn rất dài.

GS. Sung Won Sohn - Chủ tịch công ty tư vấn kinh tế SS Economics: Việt Nam từng bị tàn phá bởi nhiều cuộc chiến tranh, nhưng cũng như ông Vũ Minh Khương đã chỉ ra, Việt Nam giờ đây đã mở cửa với phần còn lại của thế giới, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã thi hành rất nhiều chính sách để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi với nhiều ưu đãi, và chúng đã thực sự cho thấy hiệu quả.

 PGS.TS. Vũ Minh Khương chỉ ra 3 yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam có thể phát triển giống như Singapore, nhưng với quy mô lớn hơn  - Ảnh 1.

Và thành quả tất yếu khi bạn mở cửa hội nhập, bạn sẽ thấy nhiều việc làm hơn, kinh tế tăng trưởng mạnh hơn và sự phồn vinh sẽ càng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hơn. Khả năng cao là kinh tế Việt Nam sẽ còn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Nhiều quốc gia sẽ có thể học tập Việt Nam.

GS. Qinduo Xu: Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đi theo con đường gần giống với Trung Quốc. Nếu bạn xem xét trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, hay rộng hơn là khu vực châu Á thì Việt Nam cũng đang cho thấy một sự phát triển kỳ diệu như Nhật Bản, Hàn Quốc, những con rồng châu Á, và Trung Quốc. Và nếu như bạn so sánh Việt Nam với Trung Quốc, rõ ràng, hai nước có nền văn hóa tương đồng, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Việt Nam cũng sẽ kiên định với mục tiêu ổn định đường lối chính trị nhưng lại mềm mỏng và linh hoạt trong điều hành chính sách kinh tế, để có thể chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường xuất khẩu.

GS. Alexandros Mourmouras - Kinh tế trưởng IMF tại châu Á - Thái Bình Dương: Tôi đã theo sát Việt Nam từ 3 năm nay, và tôi hoàn toàn đồng ý rằng Việt Nam đã thực sự đột phá, họ đã có những bước đi xuất thần ở mọi khía cạnh của nền kinh tế. IMF chúng tôi rất cẩn trọng trong việc ước lượng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh ra sao và đã nhiều lần hỗ trợ họ ở các dự án phát triển. Và chúng tôi đánh giá rằng, họ đang gặt hái được thành quả trong tiến trình tăng trưởng cao nhưng vẫn hướng tới toàn diện và bao trùm. Họ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ bài học của các quốc gia khác, ứng dụng một cách linh hoạt vào nền kinh tế của mình.

Chính phủ ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô, họ có lạm phát tương đối thấp, tín dụng và tỷ giá ổn định, chính sách linh hoạt và cái họ nhận được là dòng vốn đang chảy vào khắp đất nước.

 PGS.TS. Vũ Minh Khương chỉ ra 3 yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam có thể phát triển giống như Singapore, nhưng với quy mô lớn hơn  - Ảnh 2.

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không phải đối mặt với những thách thức. Còn rất nhiều khó khăn ở phía trước và ta vẫn còn nhiều thứ để nói về nó.

Trên thực tế nếu ta nhìn vào những con số dự báo kinh tế 2019, ta sẽ thấy sẽ có một sự giảm tốc trên toàn thế giới, phản ánh sự bất lợi từ các yếu tố bên ngoài có khả năng tác động vào Việt Nam. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vào khoảng 6,5% trong năm 2019, nhưng lạm phát sẽ không phải vấn đề quá nghiêm trọng.

GS. Sung Won Sohn: Mối lo ngại lớn nhất của tôi đối với kinh tế Việt Nam hiện nay chính là lao động giá rẻ, sớm thôi, sẽ không còn là lợi thế của họ nữa. Sau khi chiến tranh kết thúc, lao động Việt Nam chủ yếu vẫn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và giờ đây thì có tăng trưởng trong công nghiệp.

Tôi không nói rằng Việt Nam sẽ thiếu lao động nói chung, nhưng lao động của họ vẫn là lao động chất lượng thấp và những người này đôi khi sẽ không bắt kịp với tốc độ phát triển quá nhanh của quốc gia này. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao?

Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ phải nâng cao năng suất lao động – một nhân tố then chốt, từ nông nghiệp đến sản xuất và giờ là công nghệ cao, và đó là một trong những lý do Chính phủ đang nhấn mạnh việc phát triển công nghệ. Ví dụ như Samsung, họ có hoạt động sản xuất điện thoại di động khá lớn ở Việt Nam.

PGS.TS. Vũ Minh Khương: Một quốc gia sẽ có hai cách để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cách thứ nhất là có nhiều nguồn lực hơn, công nghệ tốt hơn và cách thứ hai là có chiến lược hiệu quả để phát huy những tài nguyên đang có. Đối với Việt Nam, chúng tôi cần có thời gian để trau dồi thêm nguồn lực và nâng cao công nghệ. Nhưng cùng lúc, chúng tôi có thể tìm ra con đường, tận dụng xu hướng toàn cầu hóa, tận dụng chuyển giao công nghệ để rút ngắn thời gian đó.

May mắn là Việt Nam hiện nay có 3 yếu tố thuận lợi: thứ nhất là khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đang dâng cao ở Việt Nam, có nghĩa là có rất nhiều cơ hội để nâng cao công nghệ, thứ hai là nền chính trị ổn định nhưng lại thích ứng rất nhanh với biến động thế giới, thứ ba là vị trí chiến lược quan trọng – đó là những tiềm năng có thể khiến Việt Nam phát triển giống như Singapore, nhưng với quy mô lớn hơn.

Cho dù có rất nhiều lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các bất ổn kinh tế khác, nhưng tôi tin rằng tương lai vẫn rất rộng mở với thị trường châu Á.

GS. Qinduo Xu: Việt Nam là quốc gia có dân số tương đối trẻ, hơn rất nhiều so với các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. 70% dân số là dưới 35 tuổi. Đây là một thị trường lớn, sẽ sớm đạt 100 triệu dân. Giờ đây, Trung Quốc đang trên đà vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ví dụ như tháng 1/2018, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu số một của thị trường Việt Nam, đặc biệt với những sản phẩm nông sản và công nghệ. Ngược lại thì bản thân Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất thế giới và hiển nhiên Việt Nam sẽ được lợi.

GS. Alexandros Mourmouras:  Vài năm trở lại đây, IMF đóng vai trò cố vấn kinh tế vĩ mô cho Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ công nghệ và đào tạo cho họ trong lĩnh vực tài khóa, làm sao để hiện đại hóa ngân sách nhà nước, làm sao để cải thiện tài chính công, làm sao để chi tiêu chính phủ hiệu quả,…

Chúng tôi có văn phòng ở Hà Nội và cũng có mối quan hệ tốt với các tổ chức khác như WB, ADB,… Việt Nam đã giảm nghèo đáng kể, chất lượng dịch vụ y tế giáo dục đều có phần cải thiện. Chỉ số vốn con người của Việt Nam đã tăng ổn định trong thời gian qua. Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ của IMF sẽ giúp Việt Nam ổn định tình hình tài chính và kinh tế xã hội.

Theo Thái Trang

Cùng chuyên mục
XEM