Trước khi xuất hiện bệnh nhân số 17 nhiễm virus Covid 19, nhiều dự báo chỉ nói về việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm nhẹ. Tuy nhiên, kể từ lúc số ca nhiễm mới liên tục tăng, chưa có các dự báo cụ thể về tác động của dịch Covid-19. Theo của ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong tình hình mới?
PGS. Trần Đình Thiên: Dịch Covid-19 đang và sẽ tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cần thấy rằng, nó không tác động đơn lẻ mà cộng hưởng với hàng loạt yếu tố tiêu cực khác, mạnh không kém. Đó là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; của tình trạng "hạn mặn" chưa từng thấy ở miền Tây Nam bộ; của xu hướng giải ngân đầu tư công ngày càng chậm; của xu thế tăng trưởng chậm lại của nhiều "đầu tàu tăng trưởng" - TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ.
Không thể vì xu thế đi lên tích cực mấy năm qua, làm cho Việt Nam trở thành "điểm sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới tối tăm", mà đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của cộng hưởng tác động tiêu cực đó đến nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Hơn thế, cần lưu ý rằng khi dịch bệnh gây ra tình trạng đứt chuỗi cung ứng – mà trong nhiều chuỗi, Việt Nam thường "nằm" ở khâu yếu và chịu rủi ro cao nhất -, gây ra cả "sốc cung" lẫn "sốc cầu" trên thị trường toàn cầu – điều rất hiếm khi xảy ra, thì đối với nền kinh tế có độ mở cửa rộng, mức lệ thuộc thị trường thế giới cao, thực lực chưa mạnh của Việt Nam, nguy cơ là rất lớn và khó lường.
Cho dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng tốt và tạo lập được thế ổn định khá vững mấy năm qua, giờ đây nó sẽ phải chịu tác động tiêu cực to lớn trước các "cú đòn" cộng hưởng mạnh mẽ đó. Ngân sách sẽ phải chi nhiều hơn trong khi thu yếu đi; sẽ có nhiều doanh nghiệp không chống chịu được sức tàn phá của cơn bão dịch cúm; thất nghiệp sẽ tăng khi các chuỗi cung ứng bị "đứt". Xu thế bất ổn gia tăng và nguy cơ tăng trưởng giảm tốc là điều phải tính đến.
Vấn đề hiện nay không phải là bác bỏ xu thế đó. Nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ và cả nền kinh tế phải làm là cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch, bảo vệ doanh nghiệp, giữ ổn định nền kinh tế để giữ lòng tin của xã hội và của thế giới.
Tất nhiên, người ta vẫn nói "trong nguy có cơ", rằng cần tận dụng "cơ trong nguy". Song phải hiểu nhiệm vụ cơ bản bây giờ là "trụ vững" chứ không phải là ra sức tìm kiếm "cơ trong nguy" theo nghĩa "kiếm chác". Cái "cơ" tầm chiến lược sẽ chỉ biến thành lợi ích thật sự khi nền kinh tế và đa số doanh nghiệp trụ vững trước cơn cuồng phong này.
Chính phủ đến giờ vẫn chưa đặt vấn đề hạ mục tiêu tăng trưởng. Điều đó không hàm nghĩa Chính phủ đang lạc quan "quá lố". Chính phủ không đánh giá thấp nguy cơ, coi thường tình thế khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt. Cơ bản là do đến nay, dịch Covid vẫn chưa đạt "đỉnh", tác động tiêu cực của tổ hợp các yếu tố vẫn chưa bộc lộ hết. Chúng ta vẫn đang nỗ lực tối đa để chống đỡ, thậm chí, để "xoay chuyển tình thế". Trong tình thế đó, việc Chính phủ cho rằng chưa cần thiết phải đặt vấn đề hạ mục tiêu tăng trưởng là có cơ sở.
Vậy ông đánh giá gì về những giải pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ? Theo ông, những biện pháp đó sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?
PGS. Trần Đình Thiên: Mong muốn của Việt Nam lúc này là kiểm soát dịch tốt để lấy lại lòng tin của người dân và của các đối tác nước ngoài. Khi tình hình ổn định trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ sở để hồi phục nhanh.
Nhằm đạt được mục tiêu "kép" như vậy, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp vừa chống dịch để bảo vệ người dân, vừa bảo vệ tăng trưởng, bảo vệ doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận mang tính hệ thống và đang phát huy tác dụng tích cực.
Về phương diện kinh tế, Chính phủ chưa đưa ra "gói giải cứu" mà chỉ đưa "gói hỗ trợ", trên cơ sở xác định rõ và trúng vai trò của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và trách nhiệm cụ thể của các bộ ngành và cơ quan chức năng trong công cuộc này.
Cho đến nay, định hướng giải pháp của Chính phủ là rõ: tập trung giải ngân đầu tư công, coi đây là ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ nền kinh tế - chứ không phải là các giải pháp hỗ trợ tín dụng – ngân hàng. Cách tiếp cận này đúng với nguyên lý kinh tế học "chi tiêu ngân sách nghịch chu kỳ", và càng đúng trong điều kiện các chuỗi cung ứng bị "đứt".
Mặc dù vậy, từ góc độ "chính sách tiền tệ", cùng với các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động xây dựng một gói hỗ trợ doanh nghiệp, với tổng số vốn được hỗ trợ lên tới 280 ngàn tỷ đồng. Một sự phối hợp tich cực chủ động giữa tài khóa và ngân hàng theo kiểu "song kiếm hợp bích". Hy vọng nó sẽ mang lại kết quả tích cực.
Chính phủ cũng áp dụng cách tiếp cận "chống dịch để bảo vệ nền kinh tế", theo đó, chống dịch không đơn thuần là giải pháp bảo vệ xã hội. Lập luận cơ bản của chủ trương này là: chống dịch tốt sẽ tạo cơ sở để phục hồi kinh tế nhanh.
Chống dịch tốt, ngành du lịch và hàng không sẽ phục hồi sớm. Sức hấp dẫn đầu tư cũng tăng lên. Logic là như vậy, cũng đúng cho các ngành kinh tế khác.
Ông vừa nói đến việc đứt chuỗi cung ứng, vậy việc này sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?
PGS. Trần Đình Thiên: Việc đứt chuỗi cung ứng rất nguy hiểm. Nhiều doanh nghiệp giày da đứng trước nguy cơ ngưng trệ hoàn toàn vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Dệt may có thể cầm cự tốt hơn một chút do dự trữ đầu vào tốt hơn. Nhưng nhiều doanh nghiệp, như đánh giá của Bộ Công Thương, cũng chỉ cầm cự đến hết tháng ba, tháng tư. Sau đó, nếu tình hình vẫn không khả quan thì nhiều doanh nghiệp sẽ "sập" vì đứt chuỗi.
Các ngành hàng khác cũng như vậy, đặc biệt là nông nghiệp.
Ngoài việc đứt chuỗi cung ứng, nước ta còn bị đứt chuỗi lao động. Việc làm của hàng triệu công nhân lắp ráp gia công đang bị đe dọa. Hậu quả trực tiếp là suy giảm thu nhập của lực lượng lao động. Khi đó, thị trường trong nước, cơ sở quan trọng nhất cho sự phục hồi kinh tế trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu khó khăn, cũng không bảo vệ được.
Đấy là chưa kể đến tình trạng thất nghiệp sẽ đòi hỏi một sự cứu trợ xã hội to lớn, sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách trong điều kiện ngân sách vốn đang khó khăn, lại phải tập trung chi tiêu cho chống dịch.
Một khảo sát mới đây do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân công bố cho thấy, gần 74% số doanh nghiệp khảo sát có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng. Ông nghĩ gì về số liệu này?
PGS. Trần Đình Thiên: Tình hình sẽ rất khó khăn và dịch bệnh một lần nữa cho thấy sự nghiệt ngã của thị trường. Trong lúc này, những doanh nghiệp yếu sẽ phải ra đi. Và cả những doanh nghiệp "chẳng may" trở thành nạn nhân của rủi ro "đứt chuỗi".
Vấn đề của kinh tế Việt Nam, như tôi nói lâu nay là mặc dù tăng trưởng tốt, nhưng nền tảng còn yếu. Cho nên, đây cũng là dịp thanh lọc.
Nhưng con số 74% doanh nghiệp sẽ "ra đi", tôi không chắc đây là số liệu đáng tin.
Theo ông, doanh nghiệp nhỏ hay lớn sẽ dễ "sống sót" qua đợt dịch Covid-19?
PGS. Trần Đình Thiên: Thực ra, câu trả lời là không đơn giản một chiều.
Giống như một rừng cây, bão gió có thể khiến cỏ cây nhỏ rạp xuống nhưng không giết chết được chúng. Sau bão, cỏ cây lại hồi sinh. Trong khi đó, gió lớn có thể dễ dàng quật ngã những cây đại thụ.
Tất nhiên, có những doanh nghiệp lớn, với tiềm lực mạnh sẽ vượt qua được bão Covid-19; còn nhiều doanh nghiệp nhỏ yếu sẽ phá sản và đóng cửa. Nhưng chắc chắn, nhiều doanh nghiệp lớn, khi chuỗi cung ứng bị đứt, sẽ không thể vực dậy được vì nợ nần nhiều. Để vận hành các dự án lớn, họ cần dòng tiền đủ lớn liên tục được duy trì. Nếu dòng tiền bị đứt, doanh nghiệp lớn sẽ đổ sập. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ lại dễ xoay trở hơn để sinh tồn.
Nói như vậy không có nghĩa là ca ngợi những doanh nghiệp nhỏ li ti, cổ động cho cuộc chơi tầm thấp. Đừng hãnh diện với tầm thấp của mình. Doanh nghiệp nhỏ luôn cần phải vươn lên thành lớn. Nhưng đi liền với đó là phải tạo ra khả năng chống chịu tương ứng.
Việc đó không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà còn cần hành động của Chính phủ, bằng cách không tạo ra những rủi ro chính sách. Sức chống chịu của nền kinh tế trong giai đoạn này tùy thuộc rất lớn vào mức độ rủi ro của môi trường vĩ mô. Chính phủ phải nỗ lực giảm thiểu rủi ro chính sách để giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn.
Nhân nói về giải pháp từ Chính phủ, ông nghĩ sao khi rất nhiều nước hiện tại đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp?
PGS. Trần Đình Thiên: Thực tế hiện nay chưa đưa ra bằng chứng gì để chứng minh các nước này đang làm đúng hơn nước ta để so sánh.
Những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng mang tính hỗ trợ thị trường. Một mặt, Chính phủ lo hỗ trợ tài khóa (gói 30.000 tỷ). Đồng thời, Chính phủ đang chọn đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là giải pháp trọng tâm hỗ trợ nền kinh tế.
Về phía thị trường, như đã nói, Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, có quy mô lên tới 280.000 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp giảm gánh nặng lãi suất và áp lực trả nợ.
Đây là những giải pháp hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Còn nếu đưa ra những gói cứu trợ theo kiểu xin - cho lúc này thì về tiềm năng chứa đựng nhiều nguy hiểm. Nền kinh tế chưa sinh tử đến mức phải áp dụng biện pháp cứu trợ kiểu "xin - cho".
Tuy nhiên, quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp đừng nên chỉ trông chờ vào cứu trợ nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm của mình. Nhưng mỗi doanh nghiệp phải tự lo là chính.
Mới đây, Chính phủ đã mời các doanh nghiệp lớn đến để bàn cách tháo gỡ khó khăn. Ai cũng nói nền kinh tế đang gặp khó nhưng cụ thể là khó như thế nào? Trong cái khó đó, Nhà nước, doanh nghiệp gặp khó ra sao, cách tháo gỡ thế nào? Đây là bài toán mà cả Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng chung sức.
Nhưng trong giai đoạn này, rất nhiều doanh nghiệp đang mong đợi được miễn thuế, giãn thuế, giảm phí thuê đất, lệ phí… Ông đánh giá gì về những nguyện vọng này của doanh nghiệp?
PGS. Trần Đình Thiên: Những mong đợi đó là chính đáng. Việc nhiều doanh nghiệp phải "xin" Chính phủ, chứng tỏ tình hình chung đang nghiêm trọng tới mức việc giải quyết vượt quá khả năng của họ.
Tôi nghĩ, trong điều kiện khó khăn của ngân sách, Chính phủ đang nỗ lực giúp doanh nghiệp. Nhưng chắc chắn Chính phủ không thể đáp ứng hết yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông, những giải pháp này có phải điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bão Covid-19 hay chỉ là những giải pháp tình thế mang tính hỗ trợ?
PGS. Trần Đình Thiên: Tất nhiên là chỉ mang tính hỗ trợ. Ngay cả các gói cứu trợ trực tiếp cũng chỉ mang tính hỗ trợ.
Chính phủ cũng không thể kéo dài sự hỗ trợ vì Chính phủ cũng cần tiền để chi tiêu công. Chúng ta nên hiểu rằng, Nhà nước ưu tiên doanh nghiệp nhưng không thể chỉ dành ưu tiên cho doanh nghiệp. Ngân sách còn phải lo chống dịch, lo cho cả an sinh xã hội.
Bản thân doanh nghiệp, chừng nào còn có thể thì cũng nên cùng Chính phủ lo chống dịch vì chống "giặc" Covid-19 cũng là để bảo vệ tăng trưởng, bảo vệ doanh nghiệp.
Nói về sự liên kết giữa các doanh nghiệp, ông đánh giá gì về cách nhiều công ty đang hỗ trợ lẫn nhau, hỗ trợ thu nhập cho người lao động, khuyến mãi, giảm giá sâu để chia sẻ với khách hàng… dù chính họ cũng đang gặp nhiều khó khăn?
PGS. Trần Đình Thiên: Đa số các doanh nghiệp Việt Nam luôn có sự chia sẻ xã hội tuyệt vời. Họ không tàn nhẫn đến mức, vừa khó một chút là đuổi lao động ra đường. Nếu có doanh nghiệp nào phải làm như vậy thì ắt hẳn là do tình thế đã rất khó khăn.
Tất nhiên, thực tế thị trường cạnh tranh là rất nghiệt ngã. Trong lúc khó khăn, việc nhiều người lao động thất nghiệp, nhiều người phải chịu nhận lương thấp hoặc không có thu nhập là điều khó tránh khỏi... Những chuyện đó nằm ngoài tầm với của chính sách kinh tế vĩ mô, và cũng khó có giải pháp xoay chuyển tình thế ngay lập tức.
Song ở nước ta, trong những lúc khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp cố gắng cùng người lao động vượt khó. Chuyện Ông Lê Thanh Thản - Mường Thanh tuyên bố, chừng nào còn "chịu được" thì Mường Thanh vẫn còn lo cho người lao động theo tinh thần đồng cam cộng khổ. Đó là cách hành xử rất nhân văn. Tuy không phải ai, doanh nghiệp nào cũng làm được như vậy nhưng về nguyên tắc, ai cũng có thể làm điều đó.
Lúc này, chúng ta cần đến không chỉ là năng lực thị trường của doanh nhân, doanh nghiệp mà còn cần hơn ở họ tấm lòng.
Để giúp người lao động trong lúc khó khăn, doanh nghiệp sẽ tốn phí nhiều hơn, cạnh tranh khó hơn, sẽ chậm lớn, và đất nước có thể sẽ tiến chậm hơn. Nhưng đổi lại, ta giữ được cái còn quý giá hơn. Xã hội cần những giá trị bền vững ấy – lòng yêu thương con người – chứ không cần sự giàu có cá nhân lạnh lùng, vô cảm.
Nhưng cũng phải nói thế này: trong lúc khó khăn, không nên quy kết việc một doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân công đơn giản là vô đạo đức. Việc giảm bớt nhân sự có thể là để bảo tồn doanh nghiệp, nhằm "cứu" nhiều người khác. Đó cũng là đạo đức.
Theo ông, xét ở góc độ kinh tế, điều gì là đáng sợ nhất trong đại dịch Covid-19 lần này?
PGS. Trần Đình Thiên: Sự tàn khốc của dịch bệnh vì nó kéo dài và trải rộng, làm xói mòn cùng lúc nhiều thứ. Covid-19 đang cao trào ở châu Âu, Bắc Mỹ. Tình trạng "đứt chuỗi", gây cả "sốc cung" và "sốc cầu" đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Chưa bao giờ nền kinh tế thế giới lâm vào tình trạng thế này. Nhiều chuyên gia đã nói đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, thậm chí khủng hoảng.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa rất lớn, tương thuộc, phụ thuộc rất mạnh vào các thị trường hiện đang lâm bệnh. Khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam sẽ lan rộng và thậm chí hiện tại vẫn chưa lên tới đỉnh điểm bởi các hiệu ứng về chính sách của các nước còn chưa có. Đây là điều cần được cảnh báo và cần được chuẩn bị ứng phó một cách nghiêm túc nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 gây ra nỗi sợ hãi và điều này chính là yếu tố chính, trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
PGS. Trần Đình Thiên: Dịch bệnh chỉ có tính giai đoạn. Ở Việt Nam đang làm tốt việc chống dịch. Nhưng không thể cứ chỉ "mải mê" chống dịch. Cũng cần tính toán để chuyển nhanh xã hội và nền kinh tế sang trạng thái bình thường, chứ cứ "căng cứng" mãi, cứ lo sợ và tập trung hết vào dịch bệnh kéo dài thì không ổn.
Trong giai đoạn này, vẫn cần phải lo đến nhiều vấn đề còn nghiêm trọng không kém dịch bệnh, thậm chí về dài hạn, còn đáng lo ngại hơn, ví dụ như vấn đề hạn mặn ở ĐBSCL. Ngoài ra, còn phải tính đến chuyện vài tháng nữa, khi thế giới trở lại bình thường sau dịch bệnh thì cái bình thường đó là gì, ta sẽ phải làm gì để nền kinh tế phục hồi thật hiệu quả, thậm chí, còn có cơ trỗi dậy?
Mọi người mới đang nhìn nhận ở khía cạnh hồi phục kinh tế sau dịch bệnh nhưng chưa tính nhiều đến chuyện xung đột kinh tế Mỹ - Trung sẽ tiếp diễn ra sao, các dòng tài chính, các chuỗi sản xuất sẽ dịch chuyển thế nào?
Không lo cho tương lai, lúc này mới là điều đáng lo nhất.
Ông vừa nói, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nhưng giai đoạn này, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đều đang bị ảnh hưởng rất lớn vì dịch covid-19, vậy Việt Nam sẽ tìm thấy cơ hội ở đâu?
PGS. Trần Đình Thiên: Hàn Quốc, Trung Quốc "lâm bệnh", nền kinh tế Việt Nam bị "đứt chuỗi" đầu ra. Giờ đây, đến lượt Tây Âu, Bắc Mỹ bùng phát dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn cho đầu ra. EU lại là thị trường lớn mà Việt Nam mới ký được FTA thế hệ mới, mang lại những kỳ vọng lớn về lợi thế.
Rõ ràng là mức độ khó khăn đang tăng lên đối với nền kinh tế nước ta.
Chân lý "trong nguy có cơ" chúng ta nói mãi rồi. Triết lý đó không sai. Nhưng lúc kinh tế đang yếu, đang khó khăn thế này mà cứ mải mê đi tìm "cơ trong nguy", lo kiếm chác cơ hội mà không chú ý đúng mức đến sự sinh tồn thì không thể coi là khôn ngoan, thông thái được!
Lúc này, ta cần thật bình tĩnh, lo bảo vệ doanh nghiệp, quan sát kỹ tình thế, nương theo sự phục hồi của nền kinh tế thế giới để chuẩn bị cho mình. "Cơ trong nguy" phải chú ý tìm trong dài hạn chứ không phải là cơ hội ăn ngay, theo kiểu tranh thủ kiếm chác.
Cách đây chừng 1 tháng, lúc dịch Covid-19 bùng lên, nhiều người đã nói đến cơ hội thay đổi chế độ Visa, miễn thị thực cho các nước phát triển để du khách từ đó có thể vào Việt Nam dễ dàng. Đó là cách làm hiệu quả, một ý tưởng chiến lược tốt để cơ cấu lại thị trường du lịch. Ý tưởng đó là đúng khi châu Âu chưa "lâm bệnh". Nhưng bây giờ, khi dịch bệnh đã bùng phát dữ dội ở đó mà vẫn thúc đẩy áp dụng chính sách thị trường như vậy để tìm kiếm cơ hội thì quả là không ổn chút nào!
Tại sao tôi nhấn mạnh vấn đề này? Bởi vì nhiều người Việt có tư tưởng muốn ăn nhanh. Một số người cho rằng tới đây, nông sản có thể lãi to nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc bởi sau thời gian dịch bệnh, nhu cầu lương thực thực phẩm sẽ tăng mạnh. Vì thế, cần nỗ lực tối đa để tận dụng cơ hội này.
Đúng là phải tính đến cơ hội đó và đừng bỏ qua nó. Nhưng nếu chỉ thấy cơ hội như vậy và nỗ lực hết sức cho nó thì chưa hẳn đã tốt. Có cơ hội để thoát khỏi lệ thuộc, thì đừng quá say mê với lợi ích ngắn hạn để rồi lại đâm sầm vào lệ thuộc.
Vậy ông nghĩ sao về nhận định đây là cơ hội để kinh tế VN thoát khỏi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
PGS. Trần Đình Thiên: Cơ hội là rõ nhưng đó là vấn đề dài hạn. Vả lại, nên nhớ rằng, thoát khỏi lệ thuộc không phải là cắt đứt quan hệ làm ăn. Thị trường Trung Quốc vẫn có giá trị hàng đầu, không được phép bỏ qua. Cái cần tránh, cần thoát là tình trạng phụ thuộc chứ không phải là lợi ích thị trường.
Hơn thế, cần nhớ rằng về thực chất, đây là cơ hội để tái cơ cấu kinh tế thành công. Tiến lên thị trường bậc cao, đa dạng nguồn khách trong lĩnh vực du lịch như đã nói thực chất là như vậy.
Nhưng hiện giờ, khi cả thế giới đều đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đừng quên rằng, tái cơ cấu ngành nhanh là rất khó.
Nhưng cơ hội sẽ không mất đi. Dịch Covid 19 thực sự là cơ hội hiếm có để ta nhìn lại ta, nhìn rõ ra thực trạng nền kinh tế, để quyết tâm thay đổi căn bản cả cơ cấu và cơ chế vận hành của nó. Để chính ta phải thoát ta, vươn lên tầm thế mới!
Tri thức trẻ