PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: “Google, Facebook, Youtube thu hàng tỷ USD tại Việt Nam nhưng lượng thuế nộp chưa tương xứng”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các “ông lớn” như Google, Amazon có doanh thu lớn nhưng nộp thuế chưa tương xứng. Bên cạnh đó, việc mỗi ngày có hàng triệu USD hàng hóa qua biên giới nhưng không phải nộp thuế là tình trạng bất cập.
Trong buổi tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 23/9, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ góc nhìn về quan điểm: “Việt Nam vẫn ‘thất thu’ thuế từ những ông lớn như Google, Facebook, YouTube… khi số thu thuế nhà thầu thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD mỗi năm”.
Trước quan điểm này, ông Thịnh cho rằng,cần nhìn vào thực tế, khi bắt đầu tăng cường quản lý và học hỏi kỹ hơn, ngay trong năm 2022 lượng thu thuế thương mại điện tử tăng lên một cách vượt bậc.
Đặc biệt, những ông lớn như Google, Amazon... lượng nộp thuế của họ từ chỗ rất nhỏ đến lúc có hàng nghìn tỷ đồng như hiện nay đã là bước tiến vượt bậc.
“Tuy nhiên, doanh thu từ những ông lớn này ở trên thị trường Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng”, ông Thịnh nói và thêm rằng cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý để từ đó chúng ta có bằng chứng để có thể thu đúng, thu đủ từ các ông lớn này.
Bên cạnh đó, PGS.TS này cũng dẫn số liệu của Bộ Thông tin truyền thông, từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn.
“Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn, như vậy là chưa phù hợp”, chuyên gia này khẳng định.
Từ thực trạng trên, ông dẫn một số ví dụ về việc thay đổi chính sách thuế của một số quốc gia trên thế giới.
Theo ông, Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay tại Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế. Thái Lan cũng đang áp dụng chính sách thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%.
“Không kể hàng hóa lớn hay nhỏ, nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới, con số thất thoát rất lớn” , ông Thịnh nhấn mạnh.
Vì thế, chuyên gia cho rằng hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay và phải phù hợp với từng điều kiện, theo đúng thông lệ. Năm 2010 bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng hiện tại với kinh tế số, chỉ cần một giây đã có đầy đủ thông tin nên theo ông Thịnh không phải miễn như trước.
Thứ hai, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và kho dữ liệu. Kho này không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng và đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội.
Tiếp đến là việc ứng dụng công nghệ để quản lý hoạt động thương mại điện tử cho phù hợp và chặt chẽ.
Việc tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng và đủ cũng là điều phải thực thi. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có pháp nhân ở Việt Nam nhưng người tiêu dùng vẫn có quyền đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ.
"Kết hợp giữa các Bộ, ban, ngành, giữa tuyên truyền, quảng cáo và ý thức của người dân đối với hoạt động quản lý và thu thuế từ thương mại điện tử là cơ sở để chúng ta có thể quản lý thương mại điện tử một cách phù hợp và sâu sát hơn", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh thông tin thêm.