"Ông vua phóng sự đất Bắc" và đám cưới linh đình 84 năm trước: Lấy tiểu thư Hà thành nhà khá giả, rước dâu bằng 10 ô tô và cái kết buồn thảm chỉ 2 năm sau!
Dù không môn đăng hộ đối nhưng nhà văn Vũ Trọng Phụng đã cưới được cô tiểu thư nhà khá giả lại còn rất xinh đẹp.
Hôn lễ linh đình tại đất Hà thành
Nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh ra trong một gia đình khó khăn. Ông làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Từ 18 tuổi, ông đã nổi tiếng khắp nơi và là cây bút của nhiều tờ báo lớn như Hà thành ngọ báo, Nhật Tân, Hà Nội báo hay Tạp chí Tao Đàn.
26 tuổi, nhà văn Vũ Trọng Phụng lấy vợ. Khác xa với gia cảnh của mình, ông lên xe hoa với một tiểu thư trong gia đình khá giả. Vợ ông là bà Vũ Mỵ Nương.
Anh trai bà có một cửa hàng thuốc Bắc trên phố cổ. Gia đình bà sống ở làng Giáp Nhất (nay là phường Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội).
Gia đình khá giả có của ăn của để lại có nhan sắc nên bà Mỵ Nương được nhiều người hỏi cưới. Tuy nhiên, vì tài văn chương của Vũ Trọng Phụng mà gạt đi tất cả, bà Mỵ Nương chọn ông để làm chồng mình. Khi đó, dù biết chắc chắn làm vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng cuộc sống sẽ vất vả.
Rõ ràng, so với tất cả những người khác thì nhà văn Vũ Trọng Phụng không môn đăng hộ đối với nhà Mỵ Nương. Tuy nhiên, ông có sự ủng hộ từ mẹ vợ vì bà cũng rất thích tiểu thuyết cùng những bài báo của ông.
Năm 1936, vì muốn có tiền cưới vợ, ông đã sáng tác cật lực đêm ngày và cho ra đời ba bộ tiểu thuyết nổi tiếng là "Số đỏ", "Giông tố" và "Làm đĩ". Tiền nhuận bút của ba bộ tiểu thuyết được dùng để tổ chức đám cưới linh đình.
Được biết, đám cưới tổ chức vào ngày Chủ nhật (23/1/1938). Trước nửa tháng, nhà trai đã mang trầu cau và lễ vật sang làm lễ ăn hỏi.
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Trước hôm cưới, bà con họ hàng và làng xóm đã kéo đến giúp dựng rạp, kê bàn ghế và làm cỗ.
Khách khứa ăn uống ở 5 gian nhà chính và 3 gian nhà ngang. Ngoài ra, còn phải làm rạp ở sân mới đủ chỗ ngồi.
Gần trưa, một đoàn 10 chiếc ô tô đen đi theo hàng về làng Giáp Nhất. Họ nhà trai mặc âu phục, quốc phục chỉnh tề. Chú rể đội khăn, mặc áo đoạn, đi giày hạ.
Đặc biệt hơn, đây là đám cưới đầu tiên theo "nếp sống mới". Trước đó, khi tổ chức đám cưới, trẻ con đều kéo đến chăng dây, nhà trai muốn đi qua phải nộp phong bao có 5-6 đồng xu. Nhưng lần này, nghe nói có các nhà báo về tham dự nên mọi người bảo nhau bỏ đi tục không hay đó.
Trong hôn lễ, cô dâu chít vành khăn dây màu lam, đeo hoa tai đầm, kiềng vàng, mặc áo dài hồng, đi giày nhung đen thêu hạt cườm. Đến giờ Hoàng Đạo, nhà trai xin phép đón dâu.
Ảnh minh họa đám cưới linh đình đầu thế kỷ 20.
Đoàn người có một cụ già dẫn đầu râu tóc bạc phơ, mặc áo sa màu lam, tay cầm lư hương khói nghi ngút. Đằng sau là Vũ Trọng Phụng và hai phù rể. Cô dâu đi đằng sau, hai tay nâng quạt che mặt. Bên cạnh cũng có hai phù dâu tháp tùng.
Đi bộ tới cổng làng, họ lên ô tô và hơn nửa giờ sau, đoàn xe dừng bánh ở bên số chẵn phố Hàng Bạc trong tiếng pháo nổ râm ran. Người dân kéo xem đông nghịt, đứng kín hai bên vỉa hè.
Vào thời đó, đây là một đám cưới long trọng bậc nhất. Những năm ấy, ít đám cưới nào tại Hà Nội lại tổ chức được như thế.
Bi kịch đến chưa đầy 2 năm sau đám cưới
Sau khi kết hôn, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn yên bình. Tuy nhiên, mọi chuyện dần trở nên khó khăn hơn khi con gái của họ Vũ Mỵ Hằng chào đời.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng phải nuôi bà, nuôi mẹ già, nuôi vợ và con gái nên ăn uống kham khổ. Ông ngày đêm lao lực, hao mòn sức khỏe.
Thương con gái và con rể, mẹ vợ ông đã cho vợ chồng về sống trong chái nhà nhỏ của gia đình bên vợ ở làng Giáp Nhất. Tuy nhiên, do lao lực sức khỏe và quá vất vả, ông đổ bệnh rồi qua đời vào tháng 10/1939 khi chỉ mới 27 tuổi.
Như vậy là chỉ mới cưới vợ được chưa đầy 2 năm, nhà văn tài hoa đã qua đời. Sau này, cô con gái của nhà văn từng chia sẻ dù nói là cưới 2 năm nhưng sự thật ông chỉ ở bên cạnh vợ được khoảng 2 tháng vì nhà văn hay đi thực tế sáng tác.
Sau khi chồng mất, bà Vũ Mỵ Nương ở vậy nuôi mẹ chồng và con gái. Dù được nhiều người để ý, muốn xây dựng gia đình với bà nhưng bà không để ý vẫn tiếp tục chạy chợ nuôi sống gia đình.
Tình cảm của bà Mỵ Nương và mẹ chồng rất hòa hợp. Mẹ chồng bà rất thương con dâu.
Sau này, người con rể của nhà văn Vũ Trọng Phụng kể lại rằng vì thương con dâu vất vả, bà luôn cố gắng đỡ đần dù tuổi già.
Vợ chồng con gái duy nhất của Vũ Trọng Phụng.
Khi bà Mỵ Hằng đi chợ, bà nội lại cùng quẩy gánh hàng hóa ra cùng. Có những tối mùa hè nóng nực, bà không ngủ, ngồi đầu giường phẩy quạt đuổi muỗi cho con dâu. Cho đến bây giờ, khi biết được câu chuyện về cuộc hôn nhân chỉ kéo dài chưa đầy 2 năm của "ông Vua phóng sự đất Bắc", người ta vẫn cảm thấy xót xa thật nhiều.
Tổng hợp