Ông Trương Gia Bình: Việt Nam đang làm cầu nối giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, sẽ hóa rồng
"Bối cảnh kinh tế hiện tại rất đáng để các doanh nghiệp có hành động mới" - Ông Bình nói
Chiều 27/9, trong khuôn khổ “Lễ kỷ niệm 30 năm Phong trào Doanh nghiệp trẻ Hà Nội", HanoiBa đã tổ chức Tọa đàm "Thế hệ các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp mới - The New Leaders".
"Bối cảnh kinh tế hiện tại rất đáng để các doanh nghiệp có hành động mới. Việt Nam đang là một trong những quốc gia làm cầu nối giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Cơ hội mở ra từ đó", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu – “Tôi tin rằng, với vị thế làm việc với hai nền kinh tế đó, Việt Nam sẽ hóa rồng. Niềm tin đó từ lâu rồi, nhưng giờ đã rõ hơn".
Còn có thể hóa rồng, mỗi doanh nghiệp phải không ngừng suy nghĩ cái mới, tạo nên cái mới.
Theo Chủ tịch của FPT, “cái mới” là điều hiển nhiên mà mỗi doanh nghiệp phải làm. Đó có thể là làm tốt hơn việc đang làm, hoặc làm khác cái đang làm. Để chọn được phương thức, cần phải xác định trong 3 năm tới, ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động sẽ thay đổi như thế nào và chúng ta ở đâu trong đó, khách hàng, đối thủ chúng ta hành động gì, công nghệ thay đổi ra sao… Doanh nghiệp phải liên tục đặt ra các câu hỏi “Tại sao?” để từ đó tìm các hành động.
Theo chia sẻ của vị doanh nhân này, ở FPT, một câu hỏi luôn được đặt ra: “Anh sẽ làm gì tốt nhất trong các công việc anh đang làm?”
Ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi: "Các bạn đã nghĩ đến ChatGPT trong kinh doanh chưa? Tôi tin rằng AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ ở trong tất cả các thiết bị, từ chip, đến cách thức kinh doanh”.
Cũng theo ông Bình, văn hóa của công ty phụ thuộc vào văn hóa của nhóm sáng lập. Văn hóa đó nếu được gìn giữ và phát triển, từng bước sẽ thay đổi.
“Mỗi người lãnh đạo thường chỉ làm tốt một việc, hoặc là chiến lược hoặc là quản trị, hiếm có người làm tốt cả 2. Đó là lý do cần người đồng hành, có thể tranh luận để ra chiến lược tốt. Các công ty mà sao chép chiến lược của công ty khác là thảm họa, chiến lược phải là của mình, riêng mình và tìm cách làm cho nó ngày càng tốt hơn” – Chủ tịch FPT khẳng định.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam khóa IV, Chủ tịch HĐQT U&I Group cho rằng, tư duy mới không phải là hành động mang tính phá hủy, xóa bỏ hoàn toàn những cái cũ. Đổi mới – đó nên là việc giải quyết vấn đề bằng các bước thay đổi nhỏ để cố gắng mang lại hiệu quả phía sau, hay nói cách khác là đổi mới gia tăng.
“Thay đổi liên tục là một phần tất yếu của các kế hoạch đổi mới. Và các kế hoạch phải có chỗ để thay đổi phù hợp với hiện trạng mới” – Ông Mai Hữu Tín nói.
Về phía lãnh đạo doanh nghiệp, khả năng “truyền lửa” thể hiện ở cách lựa chọn và nhìn nhận đối tác và ở phương thức xác định mục tiêu của hoạt động sáng tạo. Ngọn lửa của người lãnh đạo không tự nhiên mà có, nó cần được trải qua quá trình học tập từ bên ngoài bao gồm nghiên cứu cách làm, động lực của doanh nghiệp khác. Từ đó xây dựng nguồn năng lượng sáng tạo, tư duy đổi mới cho doanh nghiệp mình.
"Sức rướn" của những người trong cuộc là bệ phóng dẫn dắt, chúng ta cố gắng truyền lửa, tạo động lực quản trị sự thay đổi trong từng con nguời chủ chốt... đó là tầm lãnh đạo tư duy mới" - Chủ tịch HĐQT U&I Group chia sẻ.