Ông trùm đứng sau ChatGPT bất ngờ bị đuổi việc mà không có "đèn đỏ", ngành công nghiệp AI choáng váng
“Tôi và bạn bè đang ăn trưa thì điện thoại tất cả đều đổ chuông". "Đang trong thang máy thì biết tin này, tôi đã bị vấp ngã" là một số trong nhiều phản ứng của những người trong ngành AI.
CEO OpenAI bất ngờ bị đuổi việc
OpenAI, công ty đứng sau chatbot ChatGPT nổi tiếng mới đây đã sa thải người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman.
Vụ sa thải diễn ra chỉ vài ngày sau khi công ty tổ chức hội nghị dành cho các nhà phát triển đầu tiên và tiết lộ một số sản phẩm chính.
Hội đồng quản trị của OpenAI cho biết họ sa thải Sam Altman là vì họ "không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo công ty" của ông và họ tin rằng "cần phải có ban lãnh đạo mới để tiếp tục tầm nhìn" .
Có vẻ như lý do chính đến từ việc ông Altman đã không công khai hóa các hoạt động lãnh đạo của mình vì Hội đồng quản trị OpenAI nhấn mạnh:
"Ông ấy tỏ ra không nhất quán và thẳng thắn trong giao tiếp với Hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của hội đồng".
Trong một bài viết được đăng tải trên mạng xã hội Twitter ít giờ trước, ông Altman đã đưa ra bình luận đầu tiên về quyết định này của OpenAI:
"Tôi yêu thời gian ở OpenAI. Nó mang tính thay đổi đối với cá nhân tôi và hy vọng thế giới sẽ thay đổi một chút. Trên hết, tôi thích làm việc với những người tài năng như vậy.
Còn nhiều điều tôi có thể nói về những gì sắp xảy tới".
Sau sự ra đi của ông Altman, Giám đốc công nghệ của OpenAI Mira Murati sẽ trở thành CEO tạm quyền.
Nhà báo công nghệ Kara Swisher thì đưa ra dự đoán rằng sẽ có "rất nhiều sự ra đi quan trọng của những nhân vật cao cấp" thuộc OpenAI.
Được biết ông Greg Brockman - người cũng là một trong những thành viên sáng lập OpenAI cùng với Altman - cũng sẽ rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng vẫn sẽ tiếp tục giữ chức Tổng giám đốc trong tương lai gần.
Không có "đèn đỏ"
Việc ông Altman ra đi khỏi OpenAI gây sốc vì chính ông đã dẫn dắt OpenAI từ một tổ chức phi lợi nhuận trở thành người dẫn đầu cuộc đua AI ở Thung lũng Silicon, thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ Microsoft trong quá trình này.
Dưới sự lãnh đạo của ông, OpenAI đã đa dạng hóa các công cụ AI của mình và phân nhánh sang thương mại.
Đây rõ ràng là một tin tức đáng kinh ngạc đối với cả các nhân viên của OpenAI lẫn người ngoài.
Hãng tin Bloomberg đưa tin: "Theo một nguồn tin, Altman vẫn gửi email thường xuyên cho nhân viên vào cuối buổi sáng ngày Thứ Sáu (17/11)".
Ngay cả chính Altman cũng chưa bao giờ ám chỉ về những dấu hiệu rắc rối và gần đây ông cũng đã gặp gỡ các lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Anh Rishi Sunak để thảo luận về hướng đi có trách nhiệm với một công nghệ đột phá như AI.
Được biết chỉ mới tháng trước, OpenAI cũng được cho là đang đàm phán để bán cổ phiếu có thể định giá với số tiền đáng kinh ngạc 86 tỷ USD.
Mặc dù Altman vẫn chưa đưa ra chi tiết về nguyên nhân bị cho thôi việc ở OpenAI và những gì đang chờ đợi ông nhưng đây chưa không phải là câu chuyện lộn xộn duy nhất trong lịch sử OpenAI.
Công ty này ban đầu được thành lập với sự hậu thuẫn của Tỷ phú Elon Musk ông chủ của Tesla, người đã rời công ty ngay sau đó.
Có tin đồn cho rằng đề xuất mua lại công ty của ông Musk đã bị từ chối, trong khi vị tỷ phú lập luận rằng ông không thích việc công ty rời xa con đường phi lợi nhuận của mình.
Ngoài OpenAI, Altman còn là nhà đầu tư vào một số công ty nổi tiếng khác bao gồm Humane - được đồng sáng lập bởi các cựu lãnh đạo của Apple để cho ra đời thiết bị đeo được tích hợp AI đầu tiên vào đầu tháng này.
Ông cũng là nhà đầu tư vào một số tên tuổi đáng gờm khác như Neuralink (đang phát triển cấy ghép chip vào não người ), Reddit, Patreon, Asana, CodeAcademy và InstaCart.