Ông Nguyễn Trung Du: Tồn tại 16 năm trên thị trường chứng khoán, nhờ “thiền” mà nói không với sự cám dỗ của "cổ phiếu chết và vùng biển chết"
"Đầu tư hay đầu cơ với khách hàng cá nhân bản chất là "tầm gửi" nên phải chọn các cây lớn có khả năng vươn lên cao và trường tồn chúng ta mới có cơ hội "thơm lây". Thị trường chứng khoán rất nhiều cám dỗ" nên bạn phải có các nguyên tắc không tham gia, không quan tâm, không cố thử…trên các "cổ phiếu chết và vùng biển chết" không phù hợp với mình".
Đó chính là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) - người đã gắn bó hơn 15 năm với nghề chứng khoán tại Việt Nam.
Chọn nghề chứng khoán vì được ăn mặc đẹp và tiềm năng bứt phá hơn làm công ăn lương
Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề chứng khoán. Anh đã gắn bó được bao nhiêu năm với thị trường chứng khoán? Điều gì khiến anh bị thu hút bởi thị trường chứng khoán và gắn bó lâu như vậy?
Anh Nguyễn Trung Du: Tôi có đam mê và mong muốn làm nghề PR, Marketing từ khi còn học đại học nên trong quá trình học tôi dành nhiều thời gian cho bộ môn này. Tới năm cuối thứ 3 đại học tôi may mắn kiếm được làm việc làm thêm cho Yamaha Motor Việt Nam ở vai trò tham gia các chương trình PR, Marketing theo hướng đào tạo lái xe an toàn và trao học bổng cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, khi ra trường tôi thấy lĩnh vực chứng khoán nhiều tiềm năng hơn, được ăn mặc đẹp hơn và có cơ hội bứt phá về tài chính cá nhân hơn là đi làm công ăn lương.
May mắn thay khi tôi nộp hồ sơ thì tôi thấy VNDirect mới thành lập nên cần tuyển người và tôi được nhận vào bộ phận Giải pháp nghiệp vụ (phòng này lập ra để nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng trong ngành Chứng khoán cho VNDirect và kết hợp với các bên để xây phần mềm). Tôi vào VNDirect từ tháng 1/2007 và những người sếp ban đầu của tôi là chị Hoàng Thúy Nga, chị Phạm Minh Hương (Chủ tịch), Phạm Ngọc Thanh (Tổng giám đốc), Huỳnh Minh Vũ (Giám đốc Công nghệ thông tin) cũng như các anh/chị đồng nghiệp khác….Các anh/chị đã dạy cho tôi nhiều kiến thức, kỹ năng và truyền cho tôi cảm hứng về nghề Môi giới chứng khoán ở các quốc gia phát triển cũng như tương lai tươi sáng của nghề chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vấp ngã sớm là tốt nếu nhìn cuộc đời đầu tư một cách dài hạn
Nhìn lại chặng đường nhiều năm tham gia thị trường, anh thấy mình được và mất gì? Các thương vụ anh đầu tư lời lớn nhất và lỗ lớn nhất của anh trong hành trình đầu tư của mình? Sau mỗi thương vụ đó, anh rút được ra bài học gì về đầu tư ạ?
Anh Nguyễn Trung Du: Tôi thấy điều mình được thứ nhất là kiến thức, kỹ năng, lối sống và niềm tin đúng đắn. Chứng khoán là nơi nhiều cạm bẫy và rất dễ lôi cuốn người ta đi sai hướng nên cần có kiến thức và bản lĩnh đúng đắn. Hơn nữa, tôi may mắn gặp gỡ được nhiều người anh, người chị, người em đồng nghiệp tốt nên cái được thứ hai là các mối quan hệ tốt. Tôi học được nhiều từ họ và từ chính các khách hàng tôi phục vụ khi làm nghề Môi giới tư vấn tại VNDirect. Điều thứ ba tôi thấy được là tôi cưới được vợ cũng từ VNDirect và hiện chúng tôi có hai cháu cũng như có một cuộc sống vừa đủ và hạnh phúc. Điều thứ tư tôi nhận được là nhờ nhân duyên làm việc VNDirect tôi được chị Hương cho học về Phật Pháp và Thiền từ 2012. Lúc đầu, tôi cũng học cho có để hài lòng chủ tịch nhưng sau này tôi mới thấy được các giá trị tích cực của nó và tới bây giờ tôi càng thấy mình may mắn.
Thương vụ thiệt hại nhất mà tôi gánh chịu là 2012-2013 khi trước đấy tôi thành công trong sự nghiệp nhanh chóng và kiếm tiền quá dễ dàng cũng như tránh được cả cuộc khủng hoảng 2008 và năm 2010. Khi ấy tôi nghĩ thị trường đã tạo đáy dài hạn và tôi cầm toàn bộ tiền để chọn 1 doanh nghiệp với mong muốn sở hữu tỷ lệ lớn và nắm giữ lâu dài. Điều đáng tiếc là tôi đặt niềm tin vào sai doanh nghiệp khi trong các chọn lựa mà tôi bỏ qua như PTB, VCS… thì tôi lại chọn một doanh nghiệp lúc ấy rất tốt trong ngành công nghệ thông tin có thế mạnh giao thông thông minh nhưng lại xảy ra nhiều vấn đề bên trong.
Sau cú vấp ngã này khiến tôi mất tới hơn nửa tài sản và gần hai năm để thoát ra nhưng tôi cũng thấy may mắn vì mình nhận ra sớm và học được nhiều bài học để hoàn thiện phong cách đầu tư của mình. Do đó, với tôi thì việc ai đó vấp ngã sớm đều là tốt để sớm học ra các bài học giá trị nếu nhìn cuộc đời đầu tư một cách dài hạn.
Đầu tư hay đầu cơ với khách hàng cá nhân bản chất là "tầm gửi" nên phải chọn các cây lớn
Nguyên tắc "xuống tiền" mua cổ phiếu của anh là gì? Có một lần anh chia sẻ là: "Trong thị trường chứng khoán, không phải cổ phiếu nào chúng ta cũng tham gia cũng như chúng ta ra ngoài món gì cũng ăn, cũng hút. Dễ ung thư lắm". Anh có thể chia sẻ thêm về nguyên tắc này được không bởi những cổ phiếu đầu cơ đánh cao - giảm sâu sóng sánh rất dữ đội nhiều trader coi đó là vẻ đẹp, sự hấp dẫn của chứng khoán?
Anh Nguyễn Trung Du: Tôi là người am hiểu cả trường phái Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật (PTKT) nhưng hồi mới tham gia chứng khoán tôi giao dịch thuần túy theo PTKT. Điều này cũng tạo cho tôi nhiều cơ hội kiếm tiền nhanh trong ngắn hạn với các lần nhận định chính xác và “xuống tiền” mạnh dạn.
Tuy nhiên, sau giai đoạn 2010-2012 tôi chứng kiến nhiều khách hàng, bạn bè, đồng nghiệp ngành chứng khoán vỡ nợ do lao vào cuộc chơi đầu cơ điên rồ ở các cổ phiếu không có cơ bản hỗ trợ tôi mới ngộ ra vấn đề. Sau giai đoạn đó, tôi thay đổi phong cách giao dịch của mình sang hướng đầu cơ giá trị tức là chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đủ lớn, lãnh đạo doanh nghiệp có tâm và tầm; kiểm toán minh bạch, nhiều tổ chức lớn uy tín là cổ đông và có triển vọng cơ bản tăng trưởng. Tôi kết hợp giữa phân tích cơ bản và PTKT trong đó phân tích cơ bản giúp tôi tìm ra các doanh nghiệp có câu chuyện kinh doanh nổi bật và PTKT giúp tôi chọn cách để ứng xử với các cổ phiếu đó tùy theo bối cảnh thị trường. Do tôi là một nhà đầu cơ nên sau khi chọn ra các cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí cơ bản tôi sẽ ngồi đợi cho tới khi đồ thị PTKT của các cổ phiếu cho tín hiệu mua theo nguyên tắc tôi đặt ra.
Thông thường, chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi các cổ phiếu đầu cơ không có giá trị nội tại nhưng có những chiếc bánh vẽ lớn. Mức độ tăng giá nhanh của các cổ phiếu này khiến chúng ta thấy hấp dẫn. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử thị trường sau mỗi 10-20 năm bạn sẽ thấy các cổ phiếu có cơ bản thực sự sẽ dần đều đi lên qua từng chu kỳ. Các cổ phiếu đầu cơ nóng chỉ tăng giá trong một thời gian ngắn nào đó rồi lại quay về đáy biển nằm im ở đó nhiều năm.
Bạn hãy tự đặt ra câu hỏi rằng “Liệu mình đầu tư trên một cổ phiếu đi lên dài hạn sẽ có khả năng chiến thắng nhiều hơn hay một cổ phiếu chỉ lên trong ngắn hạn nhưng có rủi ro đổ vỡ nhiều năm sẽ dễ chiến thắng hơn”.
Đầu tư hay đầu cơ với khách hàng cá nhân bản chất là “tầm gửi” nên phải chọn các cây lớn có khả năng vươn lên cao và trường tồn chúng ta mới có cơ hội “thơm lây”.
Nếu chúng ta nhìn mọi thứ một cách dài hơi hơn chúng ta sẽ tránh được các cám dỗ, thú vui, thói quen xấu trong ngắn hạn. Tôi nghĩ rằng khi kết hợp thì phân tích cơ bản giúp chúng ta chọn ra cổ phiếu để đầu tư còn PTKT giúp chúng ta có các phương án đầu tư và giao dịch với cổ phiếu đó.
Có khi nào anh cảm thấy bất lực, rõ ràng cổ phiếu mình phân tích cơ bản rất tốt nhưng dòng tiền không vào, cổ phiếu không tăng trong khi các cổ phiếu đầu cơ tăng rất mạnh, lúc đó anh hành động như thế nào?
Anh Nguyễn Trung Du: Tôi gặp điều này quá nhiều và cũng cắt lỗ quá nhiều lần trong quá khứ bởi quá yêu cổ phiếu cơ bản. Hầu hết, chúng ta đều nhầm lẫn giữa Đầu tư và Đầu cơ. Trong khi đó, phần lớn khách hàng cá nhân ở Việt Nam là những người đầu cơ chỉ khác nhau phương pháp và quãng thời gian. Khi bạn đã hiểu mình là Đầu tư hay Đầu cơ bạn sẽ biết mình mua hay bán sẽ theo nguyên tắc nào. Nếu bạn chọn đầu tư thì bạn phải đi theo phân tích cơ bản và có niềm tin cũng như ý chí kiên định và sự kiên nhẫn với doanh nghiệp. Nếu bạn chọn đầu cơ bạn phải hiểu nguyên lý của dòng tiền, nguyên lý cung cầu và tâm lý các thành phần tham gia thị trường.
Dù bạn Đầu tư hay Đầu cơ bạn đều phải có nguyên tắc “cắt lỗ” cho mình bởi không ai đúng 100% cả ngay như các Quỹ đầu tư lớn với nhiều chuyên gia giỏi vẫn quyết định sai là bình thường.
Khi thực hiện nguyên tắc “cắt lỗ” bạn vừa cắt bỏ được rủi ro, giảm thiệt hại và còn có cơ hội ở nhiều cổ phiếu tốt và mạnh khác. Nếu bạn chọn đúng phương pháp ngay từ đầu và đưa ra các nguyên tắc để tuân thủ bạn sẽ không gặp phải các tình huống khó xử ở trên. Nếu bạn chọn một cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tin tưởng và đang đà tăng trưởng cùng với đó đồ thị PTKT cũng phải đảm bảo cổ phiếu đang trong xu hướng tăng trưởng thì rất khó để bạn gặp tình huống khó xử ở trên.
Mỗi cổ phiếu có "tính cách" khác nhau
Gần đây thị trường xuất hiện "bão tin đồn" ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý nhà đầu tư, nhiều phiên cổ phiếu bị bán tháo mạnh mẽ vì tin đồn. Khị cổ phiếu mình nắm giữ xuất hiện tin đồn, anh sẽ ứng xử ra sao ạ?
Anh Nguyễn Trung Du: Khi tôi đầu tư vào một cổ phiếu thì dù là ngắn hạn theo PTKT hay trung và dài hạn theo cơ bản tôi cũng tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp. Tôi dành thời gian để theo dõi cách giao dịch của cổ phiếu đó một thời gian để hiểu rõ tính cách của nó. Tôi cũng xem lại đồ thị PTKT để hiểu rõ phong cách quá khứ của cổ phiếu này. Rất nhiều người học PTKT đều học quá hời hợt lý thuyết dẫn tới áp dụng sai khi áp dụng cùng một cách phân tích và giao dịch với nhiều cổ phiếu có “tính cách” khác nhau. Hơn nữa, PTKT chỉ đúng trên các cổ phiếu có thanh khoản đủ lớn và có tính thị trường cao khi có nhiều cá nhân và tổ chức tham gia. Các cổ phiếu đầu cơ nhỏ hoặc thanh khoản thấp hầu hết việc tăng hay giảm giá do một vài người quyết định nên việc PTKT không còn tính chính xác nữa.
Sau quá trình trên, tôi sẽ chọn lựa phương án giao dịch với cổ phiếu đó, đưa ra nguyên tắc giải ngân, tỷ trọng giải ngân trong danh mục cũng như các phương án cắt lỗ ½ hay cắt lỗ cả khi xảy ra sự cố. Do đó, tôi nghĩ khi bạn đã chủ động được mọi phương án và tình huống trong đầu bạn sẽ rất dễ dàng ra quyết định bất chấp mọi biến động “vô thường” có thể do tin tức, tâm lý, yếu tố kỹ thuật, tin đồn v.v…
Trong nhiều năm đầu tư tôi đã trải nghiệm quá nhiều các tin đồn bắt bớ, tin đồn chiến tranh, tin đồn chính trị hay các tin đồn về điều hành lãi suất của NHNN nhưng các nguyên tắc đúng đắn sẽ giúp chúng ta sống sót. Hãy luôn nhớ rằng với chốt lời bạn có thể linh động còn cắt lỗ thì không bao giờ được phép thay đổi. Trong các tình huống khó để ra quyết định khi bạn mất phương hướng, khó xử, nghi hoặc… hãy thực hiện nguyên tắc 50/50 tức là Bán ½ hoặc Mua 1/2. Chính vì thế tôi nghĩ sau khi chọn được phương pháp phù hợp cho bản thân thì các nhà đầu tư nên dành thời gian học kiến thức, thực hành phân tích, đầu tư hoặc đầu cơ và tự rút ra nguyên tắc của bản thân là quan trọng nhất.
Đừng cố thử trên các "cổ phiếu chết và vùng biển chết"
Anh nghĩ sao khi độ tuổi đầu tư đang dần trẻ hoá, ngày càng nhiều các bạn sinh viên ngay từ ghế nhà trường đã tham gia đầu tư chứng khoán? Làm thế nào để các F0 này sống sót trên thị trường, thưa anh?
Anh Nguyễn Trung Du: Tôi thấy vui vì điều này khi càng ngày người dân Việt Nam càng coi trọng kiến thức và kỹ năng tài chính cá nhân, đầu tư tài chính. Đây là điều hiển nhiên bởi nếu chúng ta nhìn sang các quốc gia phát triển lâu năm như Âu, Mỹ hay các quốc gia mới phát triển trước chúng ta 10-20 năm như Singapore; Đài Loan; Hàn Quốc tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán đều đạt mức mức 30-70% dân số trong độ tuổi lao động…Bạn có thể đọc 2 cuốn sách "Thịnh vượng tài chính tuổi 30" để hiểu rõ xu hướng này và đặc biệt là bối cảnh của Hàn Quốc được đề cập.
Tôi cho rằng, để tồn tại và thành công trên thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung không hề khó. Điều quan trọng hơn hết là bạn phải hiểu được bản thân mình. Bạn hãy tự đặt ra cho mình vài câu hỏi và tự trả lời ra giấy như: Bạn định đầu tư nắm giữ bao lâu khi mua cổ phiếu? Mức độ chấp nhận rủi ro bạn chấp nhận là bao nhiêu % thiệt hại vốn? Tính cách của bạn là kiên nhẫn hay nóng vội? Bạn có thời gian theo dõi thị trường thường xuyên hay không? Sau khi trả lời các câu hỏi trên bạn sẽ hiểu rõ mình thuộc tuýp người Đầu tư được hay chỉ Đầu cơ và việc còn lại chỉ là học, thực hành và hoàn thiện phương pháp của mình.
Tôi nhắc lại rằng: "Thị trường chứng khoán rất nhiều cám dỗ" nên bạn phải có các nguyên tắc để không tham gia, không quan tâm, không cố thử…trên các "cổ phiếu chết và vùng biển chết" không phù hợp với nguyên tắc và sức chịu đựng rủi ro của mình.
Lời cuối, cho tôi gửi lời chúc hạnh phúc tới tất cả các nhà đầu tư đã, đang và sẽ tham gia thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam. Hãy nhớ rằng đầu tư hay đầu cơ đều là các hành trình dài cả cuộc đời nên bạn phải giữ sức khỏe, tâm trí mình luôn mạnh khỏe, tỉnh táo và lạc quan bạn sẽ đủ sức đi tới được thành công !
Xin cám ơn anh!