Ông Nguyễn Đức Chung nói bị ung thư đại tràng di căn phổi: Liệu tòa có xem xét giảm án?

13/12/2021 11:28 AM | Xã hội

Việc cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày bị ung thư đại tràng di căn lên phổi đặt ra một vấn đề, với tình tiết này, liệu HĐXX có thể xem xét giảm nhẹ mức án không?

Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa, lúc 14h hôm nay, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tiến hành tuyên án đối với cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 2 đồng phạm.

Trước đó, trong phần luận tội, sau khi gia đình ông Chung nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh thi hành án, đại diện VKS đã ghi nhận và đề xuất giảm mức án đề nghị đối với cựu Chủ tịch Hà Nội từ mức 10 - 12 năm xuống mức 8 - 10 năm.

Còn ở lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bản thân bị bệnh, cụ thể hồi năm 2016, từng sang Pháp chụp, mổ ung thư đại tràng di căn lên phổi.

Việc ông Nguyễn Đức Chung trình bày bị ung thư đại tràng di căn lên phổi đặt ra một vấn đề, với tình tiết này thì HĐXX có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt không?

Trao đổi với PV, một nguyên Thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao cho rằng, hiện nay, căn cứ trên các nguyên tắc, quy định chung của pháp luật hình sự tại Bộ Luật Hình sự thì bệnh tật không phải là căn cứ để HĐXX có thể giảm án đối với bị cáo, nhất là với các vụ án nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo vị này, trên thực tế, với trường hợp các bị cáo bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo thì khi đánh giá HĐXX vẫn có thể coi đây là một tình tiết khác để xem xét, giảm nhẹ phần nào đó hình phạt.

"Việc ông Nguyễn Đức Chung trình bày từng phải đi mổ do ung thư đại tràng di căn lên phổi không phải tình tiết giảm nhẹ theo quy định song HĐXX vẫn có thể xem xét đây là tình tiết khác nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ quan trọng đối với bị cáo.

 Ông Nguyễn Đức Chung nói bị ung thư đại tràng di căn phổi: Liệu tòa có xem xét giảm án? - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa.

Nếu có được xem xét ở tình tiết này thì mức giảm cũng không nhiều, không đáng kể", vị này nói và cho rằng, các tình tiết giảm nhẹ quan trọng là việc thành khẩn, khắc phục hậu quả, nhân thân, thành tích, khen thưởng trong công tác...

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng chỉ rõ, theo các quy định của Bộ Luật Hình sự về các tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 cũng như các quy định khác hướng dẫn thì không có ốm đau, bệnh tật là tình tiết giảm nhẹ.

Nam luật sư nêu rõ, quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ Luật Hình sự liên quan đến khung, khoản bị cáo bị truy tố. Đồng thời, nếu bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ có thể xem xét, tuyên mức án áp dụng dưới khung cho bị cáo nhưng phải là khung liền kề, nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, việc quyết định hình phạt còn căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội, nhân thân người phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, trong vụ án có đồng phạm thì phải cá biệt hóa vai trò đồng phạm, những người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực sẽ phải chịu mức án cao hơn các đồng phạm khác.

"Ở đây, có nhiều yếu tố quyết định hình phạt chứ không chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Có thể có trường hợp rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng tính chất mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, xã hội thì vẫn cần án nghiêm minh.

Thêm vào đó, chính sách xét xử đối với tội phạm có chức vụ hiện nay là nghiêm minh và hướng đến mục tiêu thu hồi tài sản.

Bởi vậy, việc ông Nguyễn Đức Chung nói bị bệnh tật, từng phẫu thuật ung thư đại tràng di căn lên phổi không phải tình tiết giảm nhẹ mà chỉ bổ sung thêm vào tình tiết giảm nhẹ liên quan đến nhân thân để HĐXX xem xét áp dụng hình phạt.

Tuy nhiên, mức hình phạt vẫn phải tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả gây ra", luật sư Cường nêu.

Về các tình tiết giảm nhẹ theo quy định đối với bị cáo, luật sư Cường nói, có thể áp dụng nếu bị cáo thành khẩn khai báo, thừa nhận các hành vi; tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả; có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, làm việc; gia đình có công với cách mạng...

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM