Ông Nguyễn Công Phú: “Tôi là người độc lập - tự do và tôi không bao giờ chấp nhận trở thành ‘con rối’ của bất kỳ ai”
Ông Phú cho biết: Cả cuộc đời ông, không phải là câu chuyện danh vọng mà mình có đóng góp gì đó cho cuộc đời.
‘Cuộc chiến vương quyền’ ở Hòa Bình đã manh nha cách đây vài tháng
Với những tình tiết được đưa ra trong thời gian gần đây cả ở phía ông Lê Viết Hải lẫn ông Nguyễn Công Phú, chúng ta có thể thấy: thông báo Hòa Bình phát đi vào ngày 31/12/2022 về việc Hoãn thi hành các quyết định thay đổi nhân sự ngày 14/12 (gồm 2 quyết định miễn nhiệm ông Lê Viết Hải và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú); chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Theo lời kể của ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng trong cuộc gặp mặt báo chí hôm 5/1, mọi chuyện bắt đầu cách đây vài tháng, khi Hội đồng quản trị phát hiện hàng loạt sai phạm về tài chính – dòng tiền của doanh nghiệp.
“ Trước khi trở thành thành viên độc lập ở HĐQT Hòa Bình năm 2021, tôi từng làm cố vấn chiến lược cho anh Hải trong một thời gian dài. Mọi sự nghi ngại về hoạt động của Tập đoàn chỉ diễn ra trong thời gian gần đây, khi Tập đoàn bơm tiền cho các công ty con dễ dàng.
Các khoản vay 565 tỷ, 162 tỷ và hiện nay lên tới 1.000 tỷ đồng từ các công ty con chưa thấy quay trở về; riêng khoản vay 162 tỷ đồng cho công ty con (do con trai lớn anh Hải điều hành) vào tháng 10/2022 cũng chẳng biết nó đi đâu về đâu. Ngoài ra, Kế toán trưởng, thủ quỹ cũng đều là những người thân quen, người nhà, điều này rõ ràng là không minh bạch.
Vì vậy, chúng tôi yêu cầu HĐQT lập ra Tổ công tác độc lập (ITF) để kiểm tra, kiểm toán lại các hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính công ty mẹ và công ty con. Khi Tổ công tác xuống dưới công ty con do con trai lớn của anh Hải làm Tổng giám đốc, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác, thậm chí họ còn làm khó dễ ”, ông Dương Văn Hùng kể.
Còn ông Nguyễn Công Phú cho biết: Vào tháng 10/2022, các tài khoản của Hòa Bình chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng. Một công ty một năm làm khoảng 15.000 tỷ đồng, mà chỉ còn 23 tỷ khả dụng là một chuyện kinh khủng. Lúc đó HĐQT phải cùng với ban Tổng giám đốc buộc phải đi kiểm định xem vì sao Hòa Bình chỉ còn 23 tỷ khả dụng. Sau đó, công ty đã bắt đầu nợ lương nhân viên và nhà thầu phụ đến biểu tình ở công ty để đòi nợ.
Tiếp lời, ông Hùng cho hay: Nhận thấy vấn đề vô cùng nghiêm trọng, HĐQT dự tính miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Viết Hải, nhưng ông Hải không chịu. Sau nhiều cuộc họp, HĐQT thống nhất thành lập ra Hội đồng Sáng lập để vinh danh người sáng lập và tận dụng những kinh nghiệm của ông Hải. Vậy nên, mới có việc ông Hải chấp nhận từ nhiệm Chủ tịch và đồng ý để ông Phú lên làm Chủ tịch như Nghị quyết 50 và Nghị quyết 51.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những bằng chứng để chứng minh các con số kể trên là sự thật, thì ông Phú và ông Hùng cho biết ‘hiện tại chưa thể chia sẻ”, vì còn phải đợi kết quả của cuộc họp HĐQT vào 10/1 sắp tới. Nếu kết quả không như mong muốn của phía ông Phú, có thể họ sẽ khởi kiện lên tòa và tung những bằng chứng về việc điều hành yếu kém – khuất tất của ông Lê Viết Hải.
“Ông Hải gọi tôi và đề nghị tôi từ nhiệm”
“ Đây là một câu chuyện tế nhị, nhưng tôi vẫn sẽ tiết lộ. Trước khi mở các cuộc họp vào những ngày cuối năm 2022, Hải có gọi tôi và đề nghị tôi từ nhiệm. Tôi nghe mà không ngờ…
Tôi mới trả lời: Sao em nói anh như vậy!? Tôi rất tôn trọng Hải, bởi Hải là Chủ tịch của 1 công ty 5.000 người, nhưng tôi cũng từng là 1 trong trong 5 người quan trọng nhất trong 1 tập đoàn đa quốc gia. Tôi cũng chẳng thua gì Hải hết!
Ngày xưa, tôi từng là Chủ tịch châu Á – Thái Bình Dương của 1 Tập đoàn. Việc Hòa Bình xảy ra lùm xùm như thế này không đến từ tôi. Tôi là Chủ tịch được bầu với sự đồng thuận 8/8 thành viên HĐQT và có một quá khứ lẫy lừng.
Chưa hết, nếu dùng biện chứng, câu nói của Hải là sai, vì lúc đó tôi chưa làm Chủ tịch Hòa Bình thì ‘từ nhiệm’ cái gì?! Phải tới 1/1/2023, tôi mới được lên làm Chủ tịch.
Theo quan điểm của tôi, người lãnh đạo phải có sự bình tĩnh – chân thành, có khiêm cung, khiêm tốn ”, ông Nguyễn Công Phú bày tỏ.
Trả lời cho câu hỏi: ' Phải chăng đứng đằng sau ông và các cộng sự là một cổ đông lớn nào đó? ”, ông Phú phủ nhận: “Tôi là người độc lập - tự do và tôi không bao giờ chấp nhận trở thành ‘con rối’ của bất kỳ ai”.
Ông Phú cho biết thêm: Cả cuộc đời ông, không phải là câu chuyện danh vọng mà mình có đóng góp gì đó cho cuộc đời. Có người nói: ‘Anh đã 70 tuổi rồi, còn tham cái gì?’; cả cuộc đời ông, luôn tránh nói chữ ‘tham vọng’ vì có chữ ‘tham’ trong đó. Ông thích dùng từ ‘hoài bão’ hơn.
Còn với câu chuyện Hòa Bình, cũng cần độc lập – tự do, nếu không rất dễ bị thâu tóm bởi một nhóm đại gia trong nước hoặc nước ngoài (có thể là nước ngoài). Một đồng nghiệp của Hòa Bình đã bị thâu tóm, mà Hòa Bình cũng bị thâu tóm nữa, thì đất nước sẽ mất đi thêm một thương hiệu hàng đầu quốc gia. Vậy nên, ông quyết định phải giữ gìn thương hiệu mạnh của quốc gia với các người em tài giỏi của mình.
“ Nếu tôi làm Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, cũng sẽ không mua cổ phiếu Hòa Bình. Nếu ai có tiền mua cổ phiếu, thì cứ mua, cứ chơi cổ phiếu. Còn tôi sẽ sống với cái cần và đủ của mình, để thanh thản mà sống! Hơn nữa, tại Việt Nam và thế giới, không thiếu Chủ tịch không nắm bất cứ cổ phiếu nào trong DN mà mình lãnh đạo và DN đó vẫn phát triển rất tốt.
Người độc lập, giỏi chiến lược và chiến thuật, dày dạn kinh nghiệm thì sẽ làm Chủ tịch tốt, dù không có cổ phiếu nào! ”, ông Nguyễn Công Phú nhận định.
Còn về thỏa thuận giữa ông Nguyễn Công Phú và ông Lê Viết Hải, theo ông Phú, đó chỉ là một bản viết tay của ông, đại ý: cả hai sẽ bàn bạc để đi đến đồng thuận chung khi có quyết định thật sự quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Phú thì ở sự vụ hàng ngày của công ty, chuyện ‘thật sự quan trọng’ không nhiều và không thể chuyện gì ông cũng mang ra bàn bạc với ông Hải.
Ngoài ra, định hướng là luôn hướng đến đồng thuận cao nhất có thể nhưng trong cuộc đời, không hề có sự đồng thuận 100%! Nếu làm việc với nhau thực sự thì đừng đem cái tinh thần đồng thuận trở thành áp đặt, không thể dùng việc đồng thuận như một biểu quyết, rằng mình không đồng ý thì bên kia cũng không được làm gì.