Ông Nghiêm Xuân Thành: Vietcombank tham vọng tổng tài sản đạt 100 tỷ USD, lợi nhuận 1,5 tỷ USD

11/04/2019 16:09 PM | Kinh doanh

Ngân hàng cũng sẽ là một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg, ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài; thu nhập từ hoạt động phi tín dụng của các ngân hàng sẽ chiếm 16-17% trong tổng thu nhập.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, đây là những kim chỉ nam quan trọng để các TCTD xây dựng định hướng chiến lược phát triển cho riêng mình.

Và với riêng Vietcombank, trên cơ sở các nội dung tại Quyết định 986 của Thủ tướng và Quyết định số 34 ngày 7/1/2019 của Thống đốc NHNN, Vietcombank đã bám sát và xây dựng chiến lược phát triển VCB đến năm 2025, định hướng 2030.

Theo đó, ngân hàng tiếp tục bám sát tầm nhìn và định hướng đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại VCB đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Lãnh đạo Vietcombank cũng chia sẻ, dự kiến đến năm 2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt 100 tỷ USD, dự kiến lợi nhuận 1,5 tỷ USD, sẽ nằm trong Top khu vực và thế giới.

Chiến lược của Vietcombank đến năm 2025, định hướng năm 2030 xác định trọng tâm kinh doanh vào 3 trụ cột là dịch vụ, bán lẻ, đầu tư kinh doanh vốn. Ngân hàng sẽ tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trên tổng thu nhập (trọng tâm là dịch vụ), chủ động tăng mạnh nguồn thu dịch vụ từ các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với chuyển đổi ngân hàng số.

Cụ thể, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng sẽ đạt khoảng 40% vào năm 2025, trong đó thu dịch vụ ngân hàng là chủ yếu với 30%. So với chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho các TCTD tại Quyết định 986 (từ 16-17%), mục tiêu mà Vietcombank hướng đến cao hơn nhiều.

Ngân hàng cũng sẽ thực hiện quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, sớm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao từ năm 2021, tức sớm hơn 3-4 năm so với yêu cầu vào năm 2025. Hiện nay, Vietcombank cũng là một trong 2 ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận áp dụng chuẩn mực Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn tại Việt Nam.

"Vietcombank sẽ chủ động phân loại nợ, trích lập dự phòng theo thông lệ quốc tế và hiện tại chúng tôi cũng đang thực hiện theo yêu cầu nâng cao. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank đến nay đạt tới 165%, tức 100 đồng nợ xấu thì có tới 165 đồng trích lập dự phòng", ông Thành cho biết.

Chủ tịch Vietcombank cũng chia sẻ, Vietcombank cũng sẽ là một trong những ngân hàng sớm niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế, và dự kiến tại Singapore.

Chiến lược đến năm 2025, định hướng năm 2030 của Vietcombank cho thấy những tham vọng không nhỏ của nhà băng này. Nhưng như ông Nghiêm Xuân Thành nói, ngân hàng sẽ nỗ lực phấn đấu đạt được những điều này, song một mình ngân hàng là không đủ và cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành cũng như Chính phủ. Điều này cũng phù hợp theo Quyết định 986 của Chính phủ, xác định các NHTMNN sẽ đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, Vietcombank đã kiến nghị và đề xuất với Chính phủ và NHNN một số nội dung, và theo ông Thành thì trước mắt là vấn đề tăng vốn bởi đây là điều kiện  tiên quyết để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài sản, dư nợ tín dụng,...

"Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính và các cơ quan liên quan đã vào cuộc nghiên cứu vấn đề này nhưng giải pháp cụ thể để thực hiện vẫn chưa thống nhất. Đến thời điểm này, quyết định tăng vốn cho 4 NHTM NN vẫn chưa được quyết ", ông Thành chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, đề xuất tỷ lệ tăng vốn mà Bộ tài chính đưa ra cũng chưa giải quyết được vấn đề căn cơ của các ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu tăng vốn của các NHTM hiện nay là vô cùng cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế phải đảm bảo được các tỷ lệ an toàn.

Được biết, trong kế hoạch phát triển đến năm 2020, Vietcombank đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ lên mức 57.201 tỷ đồng, tức tăng trưởng bình quân 10,5% hàng năm, tổng tài sản dự kiến vượt 1,3 triệu tỷ đồng.

Theo Ngọc Bích

Cùng chuyên mục
XEM