Ông Lê Viết Hải: Mức lãi 1 tỷ USD không phải viển vông, nếu HBC đạt được 2 tỷ USD tôi đề nghị cổ đông chia thưởng 500 triệu USD để CBCNV lấy làm động lực
"Tôi đề nghị cổ đông đồng ý mức thưởng 10% cho cán bộ nhân viên nếu HBC đạt được mục tiêu 1 tỷ USD sau 5 năm. Thậm chí, nếu HBC vượt và đạt 2 tỷ USD lợi nhuận, tôi đề nghị chia 500 triệu USD cho nhân viên", ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.
Bất chấp những khó khăn trong năm 2021, Xây dựng Hoà Bình (HBC) liên tiếp ghi nhận những tín hiệu mới. Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ chỉ tiêu kinh doanh với lãi ròng 103 tỷ đồng, - đánh dấu mốc quay lại dẫn đầu toàn ngành sau 10 năm bị Coteccons áp đảo, HBC cũng giải quyết dứt điểm công nợ với Tập đoàn FLC sau nhiều năm vướng mắc.
Tiếp đà thắng lớn, năm 2022 HBC đặt kế hoạch khá tham vọng với 17.500 tỷ doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 54% và 261% so với năm 2021. Đây cũng là năm nền tảng cho chiến lược 10 năm tới của HBC: hướng tới mốc doanh thu 20 tỷ USD và lợi nhuận tỷ USD đến năm 2032. Trong đó, động lực chủ đạo Công ty xác định chính là "đem quân đánh xứ người".
Thực tế, từng tự hào là doanh nghiệp Việt tiên phong tham gia thị trường xây dựng quốc tế, tuy nhiên sau nhiều năm HBC vẫn chưa có kết quả rõ ràng cho cổ đông. Phân trần về điều này, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT – cho biết đúng là thời gian qua HBC chủ yếu trải nghiệm, học hỏi tại thị trường nước bạn. Và hôm nay, theo ông Công ty đã có được bài toán cho riêng mình để có thể khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.
Mặt khác, 2 năm qua do đại dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung, các dự án bất động sản từ nghỉ dưỡng, dân dụng… nói chung tạm ngưng, HBC phải ngưng rót vốn cho các dự án để bảo tồn vốn và kéo theo việc mở rộng sang thị trường nước ngoài chưa thành.
Báo cáo cổ đông, ông Hải cho biết đến nay dự án tại Canada không riêng HBC mà nhiều bên khác cùng tham gia, và ảnh hưởng của đại dịch nên các đối tác rút, từ đó làm chậm tiến độ và bị rút giấy phép. HBC và các bên còn lại đang xin cấp lại giấy phép dự án này.
Dù vậy, ra nước ngoài vẫn là mũi nhọn hoạt động của HBC. Công ty cũng đã có Chiến dịch tháng Hội nghị nhằm thống nhất và lấy ý kiến của toàn thể nhân viên. "Như vậy, toàn Tập đoàn đồng lòng cũng đi ra nước ngoài. Bởi từ năm 2022, nhìn từ quá khứ thì HBC đặt mục tiêu tăng 5 lần trong 10 năm tiếp theo: Tức đạt 437.000 tỷ doanh thu và 21.875 tỷ đồng đến năm 2032. Những con số này được tính dựa trên con số năm 2022 nhân lên cấp số nhân tăng trưởng. Để đạt được các mốc trên HBC không thể không ra nước ngoài", Chủ tịch nhấn mạnh.
Không chỉ nội lực, đây còn là thời điểm tốt để Công ty mở rộng thị trường. Khi hậu Covid-19, nhiều nhà thầu các nước khác cũng đang rất khó khăn và kêu gọi hợp tác.
"Sau đại dịch, Trung Quốc rất lúng túng khi giải quyết các dự án xây dựng hiện hữu. Và họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của chúng ta, đó là thực tế. Hàn Quốc… một vài nước khác cũng vậy. Tôi cũng đã đàm phán với họ, và phương thức thầu phụ tôi cho không hiệu quả. Và phương án của HBC hướng tới là hợp tác đầu tư, không mua đất mà hợp tác đầu tư làm thầu. Có thể liên kết với công ty thầu sở tại, không cần quá lớn để tham gia dự án nước ngoài. Khi đó, các công ty nhỏ này cũng cần phải liên kết để nâng cao năng lực…", ông nói.
Còn với tham vọng 20 tỷ USD doanh thu thời gian tới, ông Hải cho biết thực tế so với con số giá trị toàn thị trường. Theo ước tính, giá trị thị trường xây dựng thế giới năm qua đạt 12.500 tỷ USD. Dự báo đến 2030 con số sẽ tăng lên 19.000 tỷ USD. Vậy, con số của HBC thực ra chưa tới 0,1% toàn thị trường. Nên con số này là khả thi và không hề viễn vông.
"Tôi đề nghị cổ đông đồng ý mức thưởng 10% cho cán bộ nhân viên nếu HBC đạt được mục tiêu 1 tỷ USD sau 5 năm. Thậm chí, nếu HBC vượt và đạt 2 tỷ USD lợi nhuận, tôi đề nghị chia 500 triệu USD cho nhân viên", ông Hải nhấn mạnh.
Điều này sẽ được ghi lại cho thời gian tới, và dự sẽ được ban lương thưởng xét duyệt nếu Công ty vượt kế hoạch. Cơ sở cho tuyên bố mạnh mẽ của mình, ông Hải cho biết Việt Nam nói chung và các nhà thầu trong nước nói riêng đang có 3 lợi thế cạnh tranh đáng chú ý so với thế giới, bao gồm:
Thứ nhất: Sự cạnh tranh rất cao về chuỗi cung ứng xây dựng và dịch vụ liên quan tới xây dựng tại Việt Nam. Từ một nước nhập xi măng, clinker thì hiện đã trở thành nước thuộc top xuất xi măng của thế giới. Hiện, với nguồn nguyên liệu giúp Việt Nam có thể sản xuất xi măng, clinker chất lượng tốt với chi phí thấp hơn rất nhiều với nước khác. Chưa kể logistics cũng cạnh tranh do có hệ thống cảng biển trải dài đường bờ biển. Với mảng về thiết kế, Việt Nam hiện còn là nước xuất lớn nhất vào Mỹ, vượt mặt Trung Quốc, Ý, Ba Lan.
Thứ hai: Năng lực của nhà thầu của HBC nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cuối cùng, trong khi các nước đang tìm nguồn nhân lực cho mảng xây dựng thì Việt Nam đang có nguồn nhân lực rất cao.
Dù vậy, để thành công chúng ta cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực nhà thầu, để có thể thắng cả trong và ngoài nước. " Đặc biệt, chúng ta cũng cần phải mạnh mẽ trước nguy cơ các nhà thầu ngoại đang trở lại Việt Nam. Dù rằng, nhiều năm qua các thương hiệu ngoại đã vắng bóng nhiều trên thương trường Việt Nam", Chủ tịch HBC chia sẻ.
Trong đó, những mặt hạn chế của nhà thầu Việt (bao gồm HBC) theo ông Hải là:
+ Tài chính yếu;
+ Kinh nghiệm tại nước ngoài còn ít;
+ Hệ sinh thái tại nước ngoài chưa nhiều: Hiện HBC đang tìm nhà thầu phụ để liên kết. Pháp lý nước ngoài chưa có nhiều kinh nghiệm để đẩy nhanh;
+ Nhân lực còn kém về ngoại ngữ;
+ Nhân lực thiếu chứng chỉ chuyên môn nước ngoài;
+ Ý thức của nhân lực còn kém: Đây là vấn đề chủ quan và có thể khắc phục;
+ Thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước: Việc này ông Hải cho biết đã có nhiều kiến nghị lên Chính phủ;
+ Còn thiếu bằng phát minh sáng chế, tài sản trí tuệ.
Theo chiến lược 2022-2032, HBC đặt mục tiêu phát triển thị trường nước ngoài, duy trì tốc độ phát triển cấp số nhân đến năm 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD và lợi nhuận gần 1 tỷ USD. Được biết, 2023 cũng là năm kỷ niệm 45 năm thành lập của HBC.