Ông Kim Jong Un so sánh tình hình Triều Tiên với nạn đói kinh hoàng khiến "hàng triệu người chết"
Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình ở Triều Tiên đang xấu đi giữa lúc nước này gặp nhiều khó khăn sau khi đóng cửa biên giới với các quốc gia khác.
Tình hình phức tạp
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi người dân nước này thực hiện một "cuộc hành quân gian khổ" để chống lại những khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Ông cũng so sánh tình hình hiện tại với nạn đói những năm 1990 khiến hàng trăm nghìn tới hàng triệu người thiệt mạng.
Trước đó, ông Kim Jong Un cho biết đất nước Triều Tiên đang phải đối mặt với tình huống "tồi tệ nhất từ trước đến nay" do một số yếu tố, bao gồm đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và lũ lụt lớn vào mùa hè năm ngoái. Nhưng đây là lần đầu tiên ông công khai so sánh tình hình với nạn đói chết người.
Các tổ chức theo dõi tình hình Triều Tiên không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của nạn đói hàng loạt hoặc một thảm họa nhân đạo. Nhưng những bình luận của ông Kim vẫn cho thấy ông nhìn nhận những khó khăn hiện tại một cách nghiêm túc như thế nào - điều mà các nhà quan sát nước ngoài cho là phép thử lớn nhất trong 9 năm cầm quyền của ông.
Ông Kim nói với các thành viên Đảng Lao động Triều Tiên: "Có rất nhiều trở ngại và khó khăn ở phía trước, và vì vậy, cuộc đấu tranh của chúng ta để thực hiện các quyết định của Đại hội Đảng lần thứ VIII có thể sẽ không thuận buồm xuôi gió".
Ông Kim so sánh tình hình Triều Tiên với nạn đói những năm 1990. Ảnh: Reuters
"Tôi đã quyết định yêu cầu các cơ quan Đảng Lao động Triều Tiên ở tất cả các cấp, bao gồm cả Ủy ban Trung ương và các bí thư chi bộ của toàn đảng, thực hiện một cuộc 'hành quân gian khổ' khó khăn hơn để hỗ trợ và làm giảm bớt khó khăn đối với người dân, được chút nào hay chút đó," ông Kim nói.
Thuật ngữ "cuộc hành quân gian khổ" là một cách nói ẩn dụ mà người Triều Tiên sử dụng để mô tả những cuộc đấu tranh chống lại nạn đói những năm 1990, gây ra bởi sự mất hỗ trợ của nước ngoài, nhiều thập kỷ quản lý yếu kém và thiên tai. Số người tử vong chính xác hiện chưa được xác định rõ ràng, nhưng con số dao động từ hàng trăm nghìn đến 2 triệu đến 3 triệu người, và Triều Tiên phụ thuộc vào viện trợ quốc tế trong nhiều năm để ổn định cuộc sống người dân - theo AP.
Trung Quốc hỗ trợ
Bài phát biểu của ông Kim được đưa ra tại lễ bế mạc một cuộc họp của đảng với hàng nghìn đảng viên cấp cơ sở, còn được gọi là bí thư chi bộ.
Trong bài phát biểu ngày khai mạc trước đó, ông Kim cho biết việc cải thiện sinh kế cộng đồng khi đối mặt với "tình huống tồi tệ nhất từ trước đến nay" sẽ phụ thuộc phần lớn vào các chi bộ đảng.
Trong đại hội đảng hồi tháng 1, ông Kim đã ra lệnh cho các quan chức xây dựng một nền kinh tế tự cường, mạnh mẽ hơn, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và sản xuất nhiều hàng tiêu dùng hơn.
CNBC dẫn các nguồn dữ liệu của Trung Quốc cho thấy thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc, đối tác thương mại và nhà viện trợ lớn nhất của nước này, đã giảm khoảng 80% vào năm ngoái sau khi Triều Tiên đóng cửa biên giới như một phần của các biện pháp nghiêm ngặt chống đại dịch.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên không có lựa chọn nào khác vì một đợt bùng phát COVID-19 lớn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này.
Cha Deok-cheol, Phó phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói với các phóng viên rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang thực hiện các bước để giảm bớt kiểm soát ở biên giới với Trung Quốc, bao gồm cả các báo cáo của chính Triều Tiên rằng họ đã thiết lập các cơ sở chống vi rút mới ở biên giới và thông qua luật mới về khử trùng hàng hóa nhập khẩu.