“Ông hoàng” một thời Nokia làm gì để có thể tái sinh?
Trong gần hai thập kỷ, Nokia đứng vững vị trí ngôi vương trên thị trường di động và từng được xem là “tượng đài” không thể bị xô ngã. Nhưng chỉ vì mắc chiến lược sai lầm và phản ứng chậm chạp trước những biến đổi của thị trường, “tượng đài” Nokia đã bị ngã ngựa!
Nokia và "một thời vang bóng"
Quay lại thời gian vào đầu những năm 2000, hễ nhắc đến phương tiện đi lại thì hẳn bất cứ người Việt Nam cũng nghĩ ngay đến chiếc xe gắn máy hiệu Honda vừa bền vừa êm, còn nói đến điện thoại thì cứ 10 người thì hết 9 người có trong túi của mình một "cục gạch" siêu bền Nokia. Năm 2000, cổ phiếu Nokia đạt đỉnh 55 USD và đóng góp tới 4% GDP của Phần Lan. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Phần Lan, giai đoạn 1998-2007, Nokia đóng góp 25% tăng trưởng cho đất nước.
Vào thời hoàng kim, Việt Nam là một trong các thị trường "hâm mộ" Nokia nhất tại Đông Nam Á và từng là thị trường quan trọng hàng đầu của hãng ở khu vực này. Những năm đầu của thế kỉ 21, số lượng điện thoại bán ra tại thị trường Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đã lên đến 126 triệu máy. Đây là một con số không hề nhỏ trên thị trường kinh doanh điện thoại di động lúc bấy giờ.
Thế nhưng, khi thị trường công nghệ ngày càng phát triển, nhiều dòng điện thoại thông minh xuất hiện trên thị trường với giá cả phải chăng và cấu hình siêu mạnh, các dòng điện thoại của Nokia lùi dần vào sự quên lãng.
Năm 2007 có lẽ là cột mốc đáng nhớ cho những chuỗi ngày điêu đứng sau đó của Nokia khi Apple tung ta iPhone, một sản phẩm điện thoại di động như một thiết bị giống máy tính cá nhân với màn hình cảm ứng và hàng loạt ứng dụng vô cùng hấp dẫn. Cũng kể từ đây, giá trị vốn hóa của Nokia đã bị giảm tới 75% trong khi giá của Apple tăng vùn vụt.
Nokia sau cuộc tình dang dở
HMD Global đã đưa Nokia trở lại Việt Nam với những dòng smartphone mới nhất
Với tham vọng khôi phục lại Nokia, năm 2017, HMD Global đã chính thức đưa thương hiệu smartphone Nokia trở lại thị trường Việt Nam với chiến lược đầy sự "toan tính".
HMD Global là một công ty Phần Lan rất mới, được thành lập vào tháng 5/2016. Đứng đầu là Giám đốc điều hành Arto Nummela và có trụ sở chính tại Espoo, Phần Lan, gần trụ sở chính của Nokia. Với sự hợp tác lần này, HMD Global sẽ chịu tránh nhiệm sản xuất, phân phối và kinh doanh điện thoại di động (bao gồm smartphone và điện thoại cơ bản) dưới thương hiệu Nokia. Trước khi lấy quyền sử dụng thương hiệu Nokia trong vòng 10 năm, HMD đã mua lại một phần mảng làm điện thoại phổ thông của Microsoft Mobile và FIH (công ty con của Foxconn, công ty sản xuất iPhones). Chính vì vậy HMD Global là một trong các cổ đông của Foxconn có quan hệ mật thiết với công ty này.
Khi mà thế giới công nghệ đang thay đổi chóng mặt từng ngày với các dòng smartphone hiện đại thì Nokia thực hiện chiến lược "hồi sinh" những chiếc điện thoại cũ để khẳng định với người tiêu dùng rằng Nokia vẫn còn tồn tại. Như vậy cùng lúc khẳng định Nokia quay trở lại và giới thiệu những chiếc điện thoại cổ điển khi xưa, HMD đã dùng một chiến lược lôi kéo người dùng được tính toán một cách dài hạn.
Đồng thời, để từng bước đứng vững trên thị trường smartphone ngày càng cạnh tranh khốc liệt, Nokia đã từng bước trang bị những tính năng mới với bản cập nhật nhanh và có tính ổn định cao cho những sản phẩm của mình.
Ví dụ, một trong những dòng điện thoại thông minh nổi bật của Nokia khi quay trở lại thị trường điện thoại thông minh chính là Nokia 6.1 Plus đã khiến người dùng trở nên phấn khích khi lột xác hoàn toàn trong thiết kế đến từ chiếc tai thỏ phá cách, cũng như hiệu năng được cải tiến vượt bậc so với các đối thủ của nó khi dùng phiên bản Android Oreo an toàn và mới nhất, nền di động Qualcomm Snapdragon 636 làm thời gian sử dụng pin kéo dài nhiều hơn, AI mạnh mẽ đem đến trãi nghiệm tuyệt vời, bộ nhớ RAM 4GB và 64GB bộ nhớ trong, thuộc nhóm điện thoại thông mình màn hình lớn 5,8 inch, độ phân giải Full HD, camera sau 2 cảm biến 16MP/ 5MP, camera trước 16MP, với giá cả rất phải chăng.
So với các dòng điện thoại thông minh cùng phân khúc thì đây chắc chắn sẽ là một trong những con bài chủ lực của Nokia. Đặc biệt, tất cả các điện thoại Nokia hiện nay đều chạy trên nền Android One – sự tôn trọng cao nhất dành cho người dùng, thực chất cũng là Android nhưng được điều chỉnh một chút để chạy mượt mà ngay cả trên phần cứng không mạnh, đồng thời cũng là một dòng thiết bị giá yêu, thiết kế tốt, và đặc biệt sẽ nhận cập nhật mới nhất rất nhanh, không phải chờ nhiều tháng như cách mà các nhà sản xuất khác đang đối xử với khách hàng của mình.
Nhờ chiến lược mới, cùng với sự dẫn dắt và cải tiến của HMD Global, trong vòng 1 năm xuất hiện trở lại, Nokia đã ghi lại dấu ấn của mình ở thị trường di động Việt Nam. Theo báo cáo của Gfk, 4 tháng đầu năm 2018, thị phần smartphone của Nokia đứng thứ 5 thị trường Việt Nam (sau Samsung, Apple, Oppo, Mi) chiếm hơn 3% thị phần về giá trị, gần 5% thị phần về số lượng.
Tháng 4/2018, dấu ấn của Nokia ở thị trường di động Việt Nam
Nếu tính về số lượng người dùng mới (tính theo doanh số cả smartphone và điện thoại cơ bản) tại thị trường Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2018, Nokia đứng số 1 với hơn 25% thị phần, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ số lượng điện thoại cơ bản của Nokia được bán ra luôn luôn chiếm trên 53% tổng số điện thoại cơ bản của toàn thị trường. Còn theo thống kê của Counterpoint Research, trong quý II/2018, HMD Global đã bán được 4,5 triệu chiếc smartphone trên thế giới. Điều này có nghĩa là HMD Global xếp hạng thứ 9 trong 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới trong quý II/2018.
Nokia đã dần dần khẳng định mình ở thị trường và tự tin sẽ trở về vị trí Top 3
Rõ ràng trong những bước đi chập chững trở lại, Nokia đã dần dần khẳng định được thị phần của mình trong thị trường điện thoại di động và tự tin rằng sẽ sớm đưa Nokia quay về với vị trí Top 3 nhờ vào những điểm khác biệt. Thế nhưng, để thực hiện được điều này, HMD Global không thể tự đi một mình. Chính vì vậy, việc lựa chọn một đối tác đầy đủ năng lực để tham gia thì HMD Global phải nhắm đến những đối tác đã đủ lớn mạnh, giúp HMD khôi phục lại vị trí của mình.
Cách đây vài ngày trên trang web của Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld) lại xuất hiện thông tin tuyển dụng cho nhiều vị trí, mà cty này chú thích là cho nhãn hàng Nokia, liệu đây có phải là kế hoạch mà HMD đã cùng Digiworld xúc tiến hợp tác bấy lâu nay?
Dường như, Digiworld rất có duyên với thương hiệu Nokia, vì trước đây đã từng phân phối cho Nokia dưới thời sở hữu của Microsoft. Có thể thấy rằng, HMD đang nhắm đến mạng lưới phân phối hơn 6000 điểm bán của Digiworld ở 63 tỉnh thành, để làm bệ phóng tái sinh thương hiệu Nokia vào sâu hơn trong từng ngóc ngách của thị trường, chứ không tập trung chủ lực vào kênh chuỗi lớn có quá nhiều cạnh tranh gay gắt.
Thêm vào đó, với năng lực phát triển mở rộng thị trường mà Digiworld đã từng làm thành công cho các thương hiệu điện thoại vô danh như Wiko, Freetel, Intex, nổi bật gần đây nhất là Xiaomi, thì sẽ không quá khó khăn với Digiworld khi Nokia đã là thương hiệu vang bóng một thời và có một lượng người dùng yêu thích khá ổn định.
Tin tuyển dụng nhân sự cho Nokia trên website của Digiworld
Còn những người yêu thương thương hiệu Nokia và mong chờ những sản phẩm đậm chất Nokia cần phải dành cho chủ sở hữu mới của thương hiệu Nokia thêm thời gian để tích lũy và phát triển. Vì vậy, hãy cùng mong chờ một Nokia trở lại và nhiều điều thú vị hơn.