img

Ông Tâm bước đi thoăn thoắt, nói không biết mệt và khẳng định mình luôn cởi mở, không ngại trả lời bất kỳ câu hỏi nào.

Ở Việt Nam, ông Đặng Thành Tâm là người nổi tiếng với danh xưng "trùm" khu công nghiệp. Ông làm giàu từ sớm và lên đỉnh cao với vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007. Song cuộc đời doanh nhân tuổi Giáp Thìn này cũng từng trải qua một giai đoạn vô cùng khốn khó vào 10 năm trước. Thời điểm này, khi đã 'phất cờ' trở lại, ông Tâm chốt bằng một bài học: "Không được ngông nghênh nữa, chỉ đi nhẹ nói khẽ, kính lão đắc thọ, đi đâu cũng gật đầu chào".

Giai đoạn 2009-2010, ông Đặng Thành Tâm nằm trong cơn say phát triển nóng, liên tục vay vốn đầu tư đa ngành. Không chỉ làm bất động sản khu công nghiệp, ông Tâm đầu tư từ ngân hàng (với việc góp vốn vào Ngân hàng TMCP Nam Việt Navibank, nay là ngân hàng TMCP Quốc Dân NCB và Ngân hàng TMCP Phương Tây - Western Bank, nay là PVcomBank) cho đến chứng khoán, giáo dục, y tế, viễn thông…

Năm 2012, tức năm Nhâm Thìn, ở tuổi 48, sự nghiệp của ông Đặng Thành Tâm bắt đầu lao dốc. Năm 2013, ông Tâm bị bủa vây trong các tin đồn tù tội, bắt bớ, chìm trong nợ nần. Ông xuất hiện tại cuộc họp Quốc hội với hình ảnh tiều tuỵ, để râu dài, chia sẻ với báo giới về việc không có ngân hàng nào cho vay suốt 2 năm qua. Từ kinh doanh đa ngành, ông Tâm rút chân khỏi lĩnh vực ngân hàng, bán hết những 'giấc mộng' phồn hoa như toà tháp 100 tầng nằm sát bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) hay Saigon SunBay 1,5 tỷ USD tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Tháng 4/2021, ông Đặng Thành Tâm tuyên bố tại đại hội cổ đông thường niên của công ty: "Sau một thời gian rất dài và rất xa, Kinh Bắc đã trở lại".

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 2.

Hàng loạt đơn vị nghiên cứu phân tích đã và đang nói về KBC với các mỹ từ như 'bứt phá từ nội lực, nước nổi thuyền dâng" hay "cờ đến tay" khi cơ hội về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp BĐS Khu công nghiệp. Ông suy nghĩ gì khi được họ đánh giá như vậy?

Chúng ta đều biết tất cả mọi việc đều phải trải qua một quá trình. Đôi khi yếu tố may mắn cũng rất quan trọng nhưng dù may mắn đến đâu mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ tuột mất cơ hội, hoặc cùng lắm chỉ nắm được 20, 50%.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 3.

Chúng tôi là đơn vị chuyên nghiệp về phát triển khu công nghiệp (KCN). Nếu như phần lớn các KCN ở Việt Nam ra đời theo hướng đa ngành thì ngay từ đầu, chúng tôi đã định hướng trọng tâm thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.

Có một kinh nghiệm xương máu là tất cả các KCN lúc ra đời đều nằm ở khu vực độc lập, nhưng sau một thời gian, dân cư đến ở kín xung quanh. Nghịch lý rằng đến lúc đó, người dân lại kiện KCN vì gây ô nhiễm. Không phải chỉ ở Việt Nam mà nước ngoài cũng vậy.

Chúng tôi đã lựa chọn tập trung vào thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, hoặc không phải công nghệ cao thì cũng là công nghệ sạch. Chính vì thế sau này các khu dân cư phát triển gần KCN nhưng không bị ảnh hưởng gì. Không có ô nhiễm không khí, nước thải rác thải đều được nhà máy xử lý rất tốt rồi. Các điều kiện đó giúp chúng tôi được đánh giá tốt.

Cũng do định hướng phát triển công nghệ (CN) cao nên chúng tôi phải làm việc với điện lực và chính quyền ngay từ đầu, hạ trạm nhiều hơn tại KCN, tính toán phương án dự phòng cho các tình huống về nguồn điện. Ví dụ như mùa hè vừa rồi, khu vực miền bắc thiếu điện. Chúng tôi được chính quyền địa phương ủng hộ, ưu tiên ít cắt điện hơn, bởi vì với các nhà máy CN cao mà cắt điện thì thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng danh tiếng.

Bây giờ người ta mới nói nhiều về công nghệ chip, đặc biệt là sau khi Mỹ và Việt Nam ký hợp tác chiến lược toàn diện mở ra cơ hội kinh tế rất lớn về ngành chip, nhưng tôi cũng đã đi trước. Tôi biết ông Chủ tịch của Tập đoàn TSMC (Tập đoàn chip lớn nhất thế giới) từ nhiều năm rồi, ông ấy luôn tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC mà tôi là cố vấn của APEC. Họ cũng rất muốn đầu tư ở Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi đang làm việc với rất nhiều nhà sản xuất chip để tìm cách thu hút về đầu tư vào nước ta vì Việt Nam có nhiều thuận lợi về yếu tố con người, đặc biệt Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, rất cần cho công nghệ sản xuất chip và pin.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 4.

Có ví dụ nào cho thấy KCN của Kinh Bắc khác với đơn vị khác?

Trong quá trình vận hành, chúng tôi phải luôn linh hoạt. Ví dụ như hồi Covid, các quốc gia đóng cửa nhà máy từ 3-6 tháng. Nếu Việt Nam đóng cửa như thế khi nền kinh tế của chúng ta chưa lớn và khá nhạy cảm thì sẽ tạo ra các tác động tiêu cực. Như Apple chẳng hạn, hàng tuần bà Phó Chủ tịch đều họp trực tiếp với lãnh đạo tỉnh và với chúng tôi, họ rất sợ Việt Nam yêu cầu ngừng sản xuất để chống dịch.

Rất may Chính quyền Việt Nam nghĩ ra giải pháp 3 tại chỗ. Chúng tôi cũng cùng làm việc với các DN, trong KCN có nhà xưởng trống để dựng thành bệnh viện dã chiến, có vấn đề gì xảy ra thì xử lý ngay trong khu, cô lập khu đó lại. Nhờ đó mà đảm bảo sản xuất.

Rồi có những cái mình phải sáng tạo. Các tập đoàn lớn như Samsung, Luxshare, Foxconn định kỳ tối thiểu một khoảng thời gian 3 tháng, 6 tháng phải có lãnh đạo cao cấp đến giám sát nhà máy ở Việt Nam thì mới được tiếp tục hoạt động. Thế nhưng hồi Covid, ai đến Việt Nam đều bị cách ly 14 ngày, có lúc là 21 ngày.

Chúng tôi bèn chủ động gửi công văn đề xuất một giải pháp. Đó là khi máy bay chuyên cơ của các lãnh đạo Tập đoàn bay đến thì các cơ quan y tế chuyên môn sẽ đến đón, chở thẳng đến nhà máy. Nhà máy có 10- 15 người làm việc trực tiếp trong đó, người lãnh đạo đó quan sát trực tiếp qua cửa kính, sau 3, 4 hôm ông ấy được hộ tống ra máy bay bay trở về. Những người đã tiếp xúc ông ấy sẽ được cách ly trong 14 ngày. Về nguyên tắc dịch tễ là giống nhau nhưng ông lãnh đạo đó không phải ở lại.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 5.

Trước những điều đó thì khi xây dựng KCN, công tác chuẩn bị quỹ đất của các ông ra sao?

Nó cũng khổ thế này. Một KCN không quá 12 tháng là xây xong. Nhưng ngày xưa, quy định đấu giá, đấu thầu, đầu tư đơn giản, còn bây giờ phức tạp hơn rất nhiều. Cho nên có những KCN 5 năm, 10 năm vẫn chưa xây xong.

Các nhà đầu tư - sau khi rời Trung Quốc - họ lựa chọn chuyển nhà máy sang Ấn Độ, Thái Lan hoặc Việt Nam. Việt Nam có lợi thế về chi phí cũng như trình độ nhân công cao hơn. Nhưng khi người ta đến, nếu chính sách, thủ tục đất đai quá chậm thì cũng mất cơ hội. Tất cả những động thái này diễn ra nhanh lắm.

Bên cạnh đó, khi các thủ tục khó, sẽ dẫn đến giá thành tăng cao vì tất cả chi phí kể cả chi phí đền bù giải tỏa cũng lên cao.

Tôi phải nói rằng, vì không được cấp phép quy hoạch sớm, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội bởi vì phải nhìn thẳng vào sự thật là kinh tế năm nay khó khăn, kế hoạch mở rộng đầu tư của các DN nước ngoài cũng chậm lại. Nếu quy hoạch sớm hơn, họ đã đầu tư từ những năm trước.

Cũng may gần đây các tỉnh thành được duyệt quy hoạch chung, nhờ đó các DN KCN mới được duyệt quy hoạch cụ thể. Ví dụ như dự án Tràng Duệ 3, chúng tôi nộp Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 năm rồi nhưng không có quy hoạch chung thì không ai duyệt hết. Đến tháng 11 mới duyệt quy hoạch 1/2000. Mà có quy hoạch 1/2000 thì ngân hàng mới cho vay.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 6.

Ông đã kết nối rất nhiều nhà đầu tư lớn về đầu tư tại Việt Nam, các quyết định của họ diễn ra như thế nào?

Hoạt động thu hút đầu tư của chúng tôi diễn ra như thế này. Chúng tôi sẽ hỏi các nhà đầu tư: "Ông thích đến đâu?". Sau đó, tôi đưa họ đến các tỉnh để nói chuyện, đánh giá. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên là lãnh đạo tỉnh đó có đáng tin hay không, có thực tâm mong muốn họ về hay không.

Bởi vì sao? Vì nếu lãnh đạo tỉnh quan tâm thì khi nhà đầu tư gặp khó khăn mới có người giải quyết. Thực tế hoạt động sản xuất bao giờ cũng phát sinh những vấn đề mới mà đôi khi trong luật pháp chưa có quy định cụ thể. Trong các tình huống này, đó sẽ là vấn đề của lãnh đạo địa phương.

Khi đích thân các lãnh đạo đã hứa thì phải làm.

Tôi lấy ví dụ, trong giai đoạn dịch Covid, với những giải pháp mới và linh hoạt trong dịch tễ để giải quyết quy định giám sát định kỳ của Foxconn, nếu lãnh đạo Bắc Ninh, Bắc Giang không nhiệt tình giải quyết, sẽ không thể nào thực hiện được. Nếu người ta không giải quyết thì mình cũng làm gì được, cứ đúng quy định mà làm, hết chuyện.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 7.

Cũng vẫn câu chuyện thu hút Foxconn, sau APEC 2006, họ mới chú ý đến Việt Nam. Khi về các địa phương, ông lãnh đạo Foxconn mới hỏi lãnh đạo tỉnh: "Các ông muốn tôi đầu tư ở đâu?". Trước đó tôi cứ nghĩ rằng người ta phải đi tìm chỗ thuận lợi, có đường sá sẵn. Nhưng hoá ra chỉ nhà đầu tư nhỏ mới như vậy.

Ở các vùng chưa có cơ sở hạ tầng thì đất rất rẻ, mà họ cần rất nhiều đất. Từ những vùng sâu vùng xa ấy, họ sẽ mở đường xá. Và không chỉ xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, họ sẽ xây dựng nên cả một thành phố sầm uất.

Năm 2006 đưa Foxconn về, giờ họ đã đầu tư càng ngày càng lớn.

Foxconn chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 với sự kiện khai trương Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải. Tính đến nay, tập đoàn đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm cho 53.000 lao động, xây dựng 7 khu nhà xưởng hiện đại tại các khu công nghiệp: Quế Võ, Đại Đồng – Hoàn Sơn, VSIP tại Bắc Ninh; khu công nghiệp Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu tại Bắc Giang và khu công nghiệp Đông Mai tại Quảng Ninh.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 9.

Ông có phải tìm cách tạo quan hệ tốt với chính quyền địa phương?

Tỉnh nào nhiệt tình muốn phát triển, họ thường chủ động đến làm việc và mời gọi chúng tôi, thậm chí tạo điều kiện rất tốt cho chúng tôi. Như ngày xưa, Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng đều mời chúng tôi về. Mấy năm trước, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên còn nhiệt tình đến mức chờ chúng tôi từ Hải Phòng về đến 12 giờ đêm. Chúng tôi rất cảm động và tin tưởng các lãnh đạo này.

Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư vào nhiều tỉnh thành nên không có nhiều thời gian đi quan hệ với từng tỉnh thường xuyên được. Thu hút công nghệ cao, phải đi nước ngoài rất nhiều, tôi mà đi nịnh nữa thì thời gian đâu làm việc, thời gian đâu mà thu hút các khoản đầu tư lớn? Đấy mới là điều các lãnh đạo địa phương cần.

Tôi nói thẳng, nơi nào nhiệt tình, quan tâm và mong muốn đoanh nghiệp về thì chúng tôi mời nhà đầu tư lớn về, đem hàng tỷ đô về làm thay đổi cả cục diện của địa phương. Ví dụ như Bắc Ninh Bắc Giang, Hải Phòng là thay đổi cả cục diện mà!

Người ta cứ nghĩ bọn tôi là doanh nghiệp thì phải đi quan hệ, nhưng tôi nói thật bọn tôi làm KCN chỉ lời lãi có 20 đô/m2, không phải 2.000 đô/m2! Đôi khi bên ngoài người ta cứ nghĩ rằng mình phải đi hầu hạ moi người, nhưng không có! Chúng tôi không hầu hạ. Chúng tôi chỉ cộng tác chặt chẽ và giao lưu để hiểu nhau hơn!

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 10.

12 năm trước, tức năm 2012, cũng là một năm Thìn – năm 'tuổi' của Đặng Thành Tâm, có thể gọi là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời ông không?

Trước khi kể về chuyện ấy, tôi cũng xin chia sẻ là tôi có thân với một ông thầy tử vi. Ông ấy từng 'phán' rằng: Anh Tâm mai sau sẽ là người giàu nhất Việt Nam, phải gọi là phú gia liệt quốc. Khi nghe thế, tôi sợ đến mất ngủ. Sợ vì mình là người 'máu me' thế này, có khi đi tù như chơi. Sau đó tôi mới đi học luật.

Nhưng đến năm 2012, ông ấy bảo tôi: "Chim bay giữa trời thì gãy cánh". Đúng là tôi gãy cánh thật.

Chắc mọi người còn nhớ, hồi đó tôi bị hoạn nạn, bị điều tra toàn diện. Mở mạng ra là thấy tin nói tôi bị bắt. Lúc ấy tôi chán nản lắm, râu ria để dài, chả biết bao giờ mình chết. Nhưng nói thật nhé, tôi hoàn toàn không trốn. Cuộc đời có số phận cả, mà nếu tôi đi trốn, cha mẹ cũng giận mà chết sớm, người ta lại càng nghi…

Đang là đại biểu Quốc hội, tôi hoãn đi họp Quốc hội 3 ngày, tự nguyện đến cơ quan bảo vệ pháp luật để trả lời mọi câu hỏi cung. Tôi luôn nghĩ "Cây ngay không sợ chết đứng! Và luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm công dân của mình, không né tránh!"

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 11.

Dù thoát nạn tù tội, các công ty của ông cũng chìm trong nợ nần, bán tài sản, thu hẹp các ngành kinh doanh suốt 2 năm 2012 - 2013. Lúc đó, ông nghĩ gì?

Từ trước đến nay, tôi luôn tự dặn mình: Ra đường gặp cướp thì tự động móc túi dâng hết, đừng cãi, đừng có giật lại bởi vì càng giằng co, nó rút súng ra bắn chết luôn.

Thời điểm đó, suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải sống đã. Dù nợ nần thế nào, nếu mình còn sống, mình cũng sẽ trả được. Nếu mình không đi tù, không bị mất uy tín, mình vẫn còn công ty và tiếp tục làm việc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng những chuyện đó là phải đấu tranh đến cùng.

Đến năm 2013, ông thầy tử vi bảo tôi: Ô, chim lại liền cánh rồi, chuẩn bị cất cánh.

Tất nhiên là phải cả 'âm phù dương trợ' thì mới vượt qua hoạn nạn như thế. Năm ấy cũng là năm tôi đưa LG về Hải Phòng.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 12.

Hải Phòng có nhiều KCN, vì sao LG lại chọn Tràng Duệ?

Hồi đó tôi đang làm cố vấn APEC, họp tại Vladivostok. Gặp gỡ tại đây, phía Tập đoàn LG nói rằng nếu thực sự mong muốn họ về đầu tư thì đích thân ông Chủ tịch UBND thành phố, tức ông Dương Anh Điền phải đến trao đổi, thảo luận với họ. Tâm lý của các nhà đầu tư lớn - giống như tôi đã nói lúc nãy - họ muốn lãnh đạo địa phương phải hứa.

Thế là ông Điền cùng với tôi bay về Hàn Quốc gặp ông Chủ tịch tập đoàn LG, bày tỏ thiện chí và đưa ra lời hứa của lãnh đạo. Trong năm đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sang Hàn Quốc gặp gỡ LG và đưa ra lời cam kết. Hồi đó, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn là Đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng, như vậy phía LG rất yên tâm.

Hải Phòng là quê ngoại tôi, tôi cũng hướng về nơi ấy. Thành phố có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhưng giai đoạn ấy thu hút đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng vẫn xấu lắm. Kinh Bắc mặc dù vào sau nhưng đã đem về 50% vốn đầu tư nước ngoài cho thành phố. Ở nhiều tỉnh khác, vốn đầu tư mà chúng tôi thu hút về chiếm tới 80%, có khi số vốn tôi lấy về 1 năm bằng cả tỉnh làm trong 30 năm.

Nhưng điều khiến tôi tự hào hơn là các KCN của chúng tôi có tỷ suất đầu tư rất cao. Ở một số tỉnh, để gọi 7 tỷ USD thì người ta mất ít nhất 4.000 ha đất. Còn KCN dưới Hải Phòng của chúng tôi có 400ha thôi, thu hút mười mấy tỷ USD. Đó là khu công nghệ cao điển hình.

Năm 2013, LG Electronics đã đầu tư một tổ hợp sản xuất điện tử tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) và đến nay, Tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh. Tổng vốn đầu của các dự án thuộc Tổ hợp LG đạt 7,24 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT, chiếm 37,13% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố.

Trong đó có 3 dự án đầu tư thuộc top 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam: LG Display, LG Electronics, LG Innotek.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 14.

Trước khi trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007, ông được miêu tả là người "cái gì cũng biết", từ kinh tế, ngoại ngữ, pháp luật cho đến lập trình. Tuổi trẻ của ông đã diễn ra như thế nào?

Tôi học xong đại học Hàng Hải thì quyết định không đi tàu, vì tôi mệnh Hoả, làm sông nước sẽ không thuận lợi. Thế là tôi đi học thêm Quản trị kinh doanh, rồi lại học thêm bằng Luật. Nhưng khi đi xin việc, ông chủ không muốn nhận vì tôi xấu trai quá. Ngày ấy tôi nặng có 44kg, xấu lắm, ông ấy nói nếu vào công ty sẽ làm xấu đội hình.

Không có ai nhận đi làm, tôi đi viết thuê dự án. Khi học năm thứ nhất, tôi lấy cuốn hướng dẫn viết dự án của Bộ Kế hoạch đầu tư - dành cho năm thứ 3 - để tự học, chỗ nào không hiểu thì mang lên hỏi thầy.

Bình thường các giáo sư viết dự án lấy 10.000 đô thì tôi lấy 1.000 đô thôi nên đắt khách lắm. Tôi thức ngày thức đêm để làm, sau đó tiết kiệm tiền mua được một cái máy tính để học tin học. 

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 15.

Tôi cũng tự học tin học luôn, bời vì khi đến trung tâm đào tạo, người ta bảo học ít nhất 3 tháng mới được cấp một chứng chỉ nhỏ nhỏ, 9 tháng mới được chứng chỉ C. Thế thì chết, phải nghĩ cách học cấp tốc.

Tôi tự đọc sách, rồi tìm đến một thầy giáo trẻ và rất giỏi để… thách đấu viết code. Tôi vẫn chưa học hết ngôn ngữ lập trình nên viết code rất dài. Tuy dài nhưng… vẫn đúng. Các thầy chuyên nghiệp, viết ngắn lắm. Nhưng biết làm sao được, tốc độ máy tính chạy như nhau nên tôi lại là người chiến thắng. Thầy ấy bảo tôi ăn gian, nhưng cuối cùng vẫn thích cái tính máu me của tôi nên chơi thân và truyền nghề. Sau 3 tháng, tôi học được hết kiến thức.

Excel tôi cũng tự học. Thế nên viết dự án rất nhanh. Ví dụ khi làm một dự án về khách sạn, nếu cần điều chỉnh một yếu tố chi phí, người bình thường ngồi tính toán mất 1 tuần, tôi viết chương trình trên excel, vài phút ra luôn kết quả. Thế là tôi viết được 200 dự án trong hơn 1 năm, cầm về 200.000 đô la. Cày ngày cày đêm như thế mới có tiền đi đầu tư.

Trong lúc học luật, tôi bỏ tiền sang bên Úc học thêm công luật nữa, học để cho biết bởi vì khi làm với nhà đầu tư nước ngoài, luật quốc tế với luật Việt Nam có nhiều cái khác nhau, nhiều từ ngữ chuyên ngành lắm. Đội phiên dịch chỉ giỏi tiếng Anh chứ có giỏi luật đâu, mình khó làm việc. Tôi đi học 6 tháng bên ấy rồi về Việt Nam làm tư vấn đầu tư nước ngoài, mình phân tích đúng, khách hàng thích lắm.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 16.

Nghe nói hồi đó ông nổi tiếng là người đi làm miễn phí?

Đúng thế, tôi là người 'đẻ' ra dịch vụ tư vấn miễn phí cho nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì lấy chi phí tư vấn mỗi dự án 20.000 đô thì tôi làm miễn phí cho họ.

Năm 1992, ông chủ tịch một công ty lớn thuộc tập đoàn Samsung sang Việt Nam, thuê tôi tư vấn với mức giá 500 đô/giờ. Trước khi về nước, ông ấy trả tôi một xấp dày. Tôi không lấy, ông ấy ngạc nhiên lắm. Tôi bảo: "Thực ra tôi chưa làm được việc gì cho ông cả, tôi phải làm ra sản phẩm rồi mai mốt Samsung quay lại, ông giao dự án cho tôi thì lúc ấy tôi mới lấy tiền".

Chưa hết nhé, tôi còn làm tư vấn miễn phí thiết kế nhà máy ở khu công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư thấy nhiều lợi ích quá, từ tư vấn đến thiết kế dự án đều cho không, thế nên tôi mới thu hút đầu tư rất tốt.

Miễn phí thì lấy tiền đâu để sống? Thực ra, khi làm vậy thì mình sẽ làm nhanh, chỉ trong 1 tháng là có giấy phép. Nếu họ tự thân, phải mất 6 tháng từ xin giấy phép đầu tư cho đến khi nhận đất, họ trả tiền tôi chậm thì tôi phải trả lãi ngân hàng nhiều hơn.

Tất nhiên không phải ngay từ đầu các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng ý thuê đất tại KCN của tôi. Nhưng khi họ vừa có ý định, chúng tôi đã làm đề án miễn phí gửi họ xem luôn, quá hợp lý. Cũng chưa chắc họ sẽ đồng ý làm ngay. Nhưng xác suất 80% là người ta quay lại.

Từ đa ngành, trải qua hoạn nạn, ông đã bán đi hầu hết các khoản đầu tư, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình là BĐS KCN. Bây giờ đã đến thời thịnh vượng, ông có kế hoạch đa ngành trở lại hay không, đặc biệt là lĩnh vực tài chính?

Thôi thôi, tài chính thì tôi lạy. Tôi mạng Hỏa, tài chính là Kim, hỏa đốt kim chỉ có chết thôi. Tôi đi trồng cây thì được, hoặc làm về môi trường. Sắp tới tôi sẽ làm về môi trường, ví dụ như điện mặt trời mái nhà vì kho bãi tôi nhiều mà.

Hỏa sinh Thổ, tôi làm đất là quá chuẩn, nhắm mắt cũng ra tiền. Ngo ngoe sang Kim một cái, chết luôn.

Ông Đặng Thành Tâm kể lại hoạn nạn ‘năm tuổi’ Thìn: “Mất của nhưng mình được sống và có thêm bài học, không được ngông nghênh nữa” - Ảnh 17.

Ông có hướng tới vị trí số 1 thị trường chứng khoán?

Thôi thôi thôi, ngày trước mình máu me quá. Lúc trẻ, mình muốn đi đâu mọi người cũng phải biết đến tên. Nhưng cái đó tào lao ấy mà.

Thứ nhất, mình là Chủ tịch công ty, vừa bán ra thì cổ phiếu sập ngay. Thứ 2, nó tạo tâm lý ức chế, đi đâu cũng bị dòm ngó.

Với lại, tôi cũng phải nói thật là bây giờ quy mô phát triển của người ta quá lớn rồi. Tôi đã bị chậm lại trong giai đoạn hoạn nạn ấy, công ty còn suýt phá sản. Phục hồi được như bây giờ, nợ nần trả được thế là may mắn lắm rồi, mừng lắm rồi.

Tôi cũng nghĩ, của đi thay người, mất của thì mình được sống và có thêm bài học. Không được ngông nghênh nữa, từ ấy tôi chỉ đi nhẹ nói khẽ, kính lão đắc thọ đi đâu cũng gật đầu chào.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Ngô My
Hùng
Hương Xuân


Nhịp sống thị trường