Ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục nhắc vợ tu tập, sám hối, vậy quan điểm của Đạo Phật nói gì về đạo vợ chồng?
Trong phiên tòa xét xử sáng nay, không ít lần nhà sáng lập tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ nhắc đến việc tu tập, sám hối hay nguyên tắc, đạo vợ chồng theo quan điểm Đạo Phật.
Ông nói: "Không ai muốn loại cô ý ra khỏi Trung Nguyên này cả. Nhưng có điều ở đây là những người chồng. Chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới, phải có trật tự".
Vậy Đạo Phật dạy về đạo vợ chồng ra sao?
Kinh ngũ vô phân phúc trong Đạo Phật từng viết: "Vợ chồng như chim bay. Ban đêm cùng nhau sum họp đậu trên cành cao trong chốc lát trời sáng mỗi con bay về một hướng để tìm mồi, có duyên thì hợp, hết duyên thì chia xa. Vợ chồng cũng như vậy, ở hay đi chẳng phải bởi sức mình mà do 4 hạnh giữ lại được…"
Duyên vợ chồng giống như chim sum họp trên cành cao như kinh Phật dạy. Phước báu trong cuộc đời là có người bạn đời hết mực sống từ bi và trí tuệ. Từ bi là yêu thương không có điều kiện. Trí tuệ là hiểu biết có sự thông cảm. Yêu thương không có bao dung tha thứ thì là ngục tù giết chết chúng ta.
Kinh Trường a hàm chỉ rõ để mối quan hệ vợ chồng bền vững, mỗi bên đều cần thực hiện những bổn phận riêng. Cụ thể người chồng kính vợ có 5 điều (không chỉ là thương mà còn trong đó có kính trọng).
1. Người chồng phải dùng lễ để đối với vợ
Không mất tôn trọng. Từ xa xưa Đức Phật đã tôn trọng phụ nữ. Sở dĩ chư ni phải cung kính chư tăng vì những vị chư ni đầu tiên xuất thân từ hoàng gia- những người có quyền lực lớn. Nên Đức Phật phải ép họ bỏ đi quyền lực, bỏ đi những gì họ đang có mới có thể tu tập. Muốn diệt chấp ngã chấp trong lòng người đàn bà có quyền lực.
Chồng không xem vợ là nô lệ, tùy thuộc để sai bảo. Lễ là cách tôn trọng với nhau trong lời nói, cư xử hành động dù có quyền lực, địa vị, tài năng cũng không được lấn lướt vợ.
2. Chẳng thiếu sự oai nghiêm
Người chồng phải sống nghiêm túc, không lăng nhăng, lén lút. Sự oai nghiêm toát ra từ cách đối nhân xử tế cũng như lối sống của người chồng.
3. Cơm áo tùy thời
Đức Phật dạy người chồng có bổn phân lo cơm lo áo cho vợ con đầy đủ nhất. Tùy theo mùa đông hay mùa hè vợ còn cần áo tùy mùa. Lời khuyên này xuất phát từ bối cảnh Ấn Độ mỗi mùa đều khắc nghiệt, bắt buộc phải có đồ áo quần đúng mùa.
4. Trang sức đúng lúc
Xuất phát từ phụ nữ Ấn Độ rất điệu, thích trang sức nên người chồng phải mua trang sức cho vợ. Phụ nữ nào cũng thích chồng quan tâm dù là đồ giả đi chăng nữa. Vì vậy Đức Phật khuyên chồng chăm lo điều này cho vợ đúng theo hoàn cảnh và đúng khả năng của mình.
5. Giao phó việc nhà
Từ xưa cho đến giờ phụ nữ Ấn chỉ ở nhà có 2 việc: Nấu cơm chăm sóc việc nhà và sinh con. Nam giới mới là người ra đường giao dịch. Phật dạy người đàn ông phải tin tưởng giao phó việc nhà cho vợ.
Về phía người vợ đối với chồng cũng phải thực hiện 5 điều sau:
1. Thức dậy trước chồng
Là người có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc việc nhà, phụ nữ Ấn Độ từ xưa được khuyên thức dậy trước chồng. Việc thức dậy trước cũng ẩn dụ cho việc chuẩn bị đầy đủ của người vợ để chồng ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình.
2. Ngồi sau
Thủa xưa trong gia đình, phụ nữ Ấn Độ thường ngồi phía sau chồng trong các dịp họp mặt hay chốn đông người. Đây là lời dạy cho hình ảnh ẩn dụ phụ nữ nên là hậu phương vững chắc ở phía sau cho chồng.
3. Nói lời hòa nhã
Phụ nữ vốn là phái yếu, đại diện cho hình ảnh mềm mỏng. Tục ngữ Việt Nam cũng có lời khuyên tương tự: Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi bớt lửa mấy đời nào khê.
4. Kính thuận
Người vợ phải kính thuận, luôn thuận theo tâm hướng thiện của chồng, vun vén gia đình, kính chồng chứ không phải yêu thương theo sở hữu.
5. Đoán được ý chồng mà làm vừa ý
Đây là một kỹ năng sống cần học trong thời gian dài để có thể hiểu ý nhau. Trong cuộc sống vợ chồng, khi cả 2 bên đều sống đúng tinh thần đạo đức, tôn trọng lẫn nhau, vui vẻ thì dễ có thể đi đến cuối cuộc đời.