Ông chủ Uniqlo vừa tìm ra công thức đánh bại Zara: Rút ngắn thời gian từ thiết kế đến phân phối còn 13 ngày
Ông chủ thương hiệu Uniqlo nói: "Zara bán thời trang chứ không phải phục vụ nhu cầu thường ngày của khách hàng. Chúng tôi sẽ bán các sản phẩm vốn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mọi người..."
Công ty chủ quản của hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo là Fast Retailing đã tìm ra cách có thể đánh bại đối thủ nặng ký phương Tây là Zara đó là nhờ vào 2 chữ TỐC ĐỘ. Sắp tới, công ty này sẽ đẩy nhanh tốc độ cung cấp cho các cửa hàng mẫu mã sớm nhất, nhanh nhất và cả những sản phẩm may đo sẵn cho khách hàng.
Kế hoạch này nhằm rút ngắn thời gian từ khâu thiết kế đến phân phối chỉ còn khoảng 13 ngày, tức là gần tương đương với Zara - ông Tadashi Yanai - tỷ phú, chủ thương hiệu Uniqlo nói trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg tại Tokyo vừa qua. Một tổ hợp mới cũng sẽ giúp Uniqlo mở rộng cách tiếp cận trực tiếp với khách hàng, thúc đẩy doanh số hàng thiết kế và cải thiện hiệu quả việc giao hàng trong ngày ở khu vực Tokyo.
“Chúng tôi cần nhanh hơn nữa. Cần phải vận chuyển những sản phẩm mà khách hàng muốn một cách nhanh chóng”.
Hãng bán lẻ lớn nhất Nhật Bản nhắm tới việc nâng tổng doanh thu lên gần 70%, chạm mức 3 nghìn tỷ yen (26 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2021. Dẫu vậy, con số này vẫn không thể đủ để vượt qua Inditex - đơn vị mới công bố doanh thu đạt 25 tỷ USD ngay trong năm 2016. Tuy nhiên ông Yanai tin rằng hướng tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu quần áo hàng ngày của khách hàng sẽ giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của họ.
“Zara bán thời trang chứ không phải phục vụ nhu cầu thường ngày của khách hàng. Chúng tôi sẽ bán các sản phẩm vốn gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mọi người và để làm được điều đó, chúng tôi cần phải lắng nghe từ phía khách hàng”.
Tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Á sẽ đóng góp khoảng 2/3 doanh thu cho Fast Retailing trong 4 năm tới, tăng từ mức 1/2 hiện tại. Ngoài ra theo kế hoạch, Uniqlo sẽ mở 100 cửa hàng mới tại Trung Quốc và 100 cửa hàng khác tại các quốc gia Đông Nam Á mỗi năm.
Tổ hợp văn phòng mới công ty tại quận Ariake, Tokyo sẽ là ngôi nhà của hơn 1.000 nhân viên bao gồm cả thiết kế, đội marketing và đồng thời cũng có cả nhà kho và các thiết bị giao hàng. “Việc tập trung nhiều nguồn lực vào một vị trí sẽ giúp đẩy nhanh quy trình hoạt động”, Yanai giải thích.
“Khả năng cung cấp cho bất kỳ ai, bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào với những loại quần áo cơ bản, thiết yếu, chất lượng cao sẽ khiến chúng tôi khác biệt. Chúng tôi sẽ mang đến những hàng hoá mà khách hàng muốn một các nhanh chóng. Đó là lý do tên công ty là Fast Retailing”.
Sau khi công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt hơn 20% trong 3 năm liên tiếp, doanh số bắt đầu suy giảm trong năm tài chính vừa qua. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của công ty bắt đầu chậm lại xuống mức 6% sau khi Uniqlo tăng giá do chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên với đà giảm như vậy, công ty đã quay ngược 180 độ và cam kết sẽ mang sản phẩm tới cho khách hàng ở mức giá thấp nhất có thể. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ phải hạ mục tiêu doanh thu xuống 3 nghìn tỷ yen từ mức 5 nghìn tỷ yen trước đó.
Cổ phiếu của Fast Retailing đã giảm 14% trong năm nay - là mức giảm tồi tệ thứ 2 trong danh sách các chỉ số Nikkei 225, chỉ sau Toshiba.
Công ty này cũng muốn tự động hoá các quy trình nhiều nhất có thể, bao gồm cả việc theo dõi sản phẩm từ khâu đóng gói tới vận chuyển và sử dụng trí thông minh nhân tại để dự đoán doanh số bán hàng. Trong những năm tới, chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng một tổ hợp văn phòng tương tự như ở khu Ariake ở các thị trường nước ngoài.
“Tốc độ rõ ràng rất quan trọng. Yanai từng nghĩ chậm một chút cũng không sao bởi họ bán quần áo mặc hàng ngày. Chu kỳ có thể lâu hơn Zara nhưng nhất định phải cải thiện hiệu quả”, Chelsey Tam - một chuyên gia phân tích tại công ty Morningstar Investment nói.
Trong vòng 3 năm, Fast Retailing muốn cung cấp cả hàng may đo cho khách hàng.
Khởi đầu từ thương hiệu bán lẻ quần áo nam nhỏ ở Yamaguchi quận phía tây Nhật Bản, sau khi Yanai được kế thừa lại mảng kinh doanh này từ cha của mình vào năm 1984, ông đã biến Fast Retailing thành nhà bán lẻ lớn nhất đất nước.
Tại Mỹ - thị trường Fast Retailing đang gặp khó khăn khiến họ buộc phải đóng cửa hàng tại những trung tâm mua sắm nhỏ để mở ở những địa điểm cao cấp hơn nhằm nâng tầm sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng cửa hàng buộc phải giảm.
Uniqlo không hiểu rõ khẩu vi của người Mỹ, cả số đo lẫn phong cách, kiểu dáng, Tam nói.