Ông chủ đứng sau Tập đoàn bắt tay với hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là ai?
CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM chủ thương hiệu Xanh SM, hãng taxi điện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và CTCP Thương mại Mê Kông Xanh (công ty con thuộc hệ sinh thái Mai Linh Group) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc thành lập chuỗi xưởng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Theo đó, GSM và Mê Kông Xanh sẽ tiến hành chuyển đổi 39 xưởng dịch vụ sẵn có của Mê Kông Xanh sang thương hiệu mới “MeKong Xanh SM” và hoạt động theo mô hình mới. Dự kiến đến hết năm 2025, hai bên sẽ hợp tác mở mới thêm 60 xưởng trên toàn quốc, nâng tổng quy mô lên 99 xưởng, qua đó đưa “MeKong Xanh SM” trở thành hệ thống sửa chữa ô tô quy mô lớn hàng đầu Việt Nam.
Ông chủ đứng sau Tập đoàn Mai Linh
Được biết, ông Hồ Huy là người sáng lập và hiện tại đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh.
Ông Hồ Huy sinh năm 1955. Từ năm 1976 đến 1980 ông là lưu học sinh tại Liên bang Nga. Sau năm 1980, ông Huy tham gia công tác tại Bộ xây dựng một năm. Từ năm 1981 - 1985, ông Huy thành người quản lý lao động tại Tiệp Khắc ở nhà máy đại tu ô tô máy kéo. Năm 1985 - 1993, ông Huy trở về nước và làm việc cho Công ty Saigontourist.
Ngày 12/7/1993, ông sáng lập Công ty TNHH Du lịch - Thương mại - Vận tải hành khách Mai Linh, ngành nghề kinh doanh ban đầu chỉ là cung cấp dịch vụ cho thuê, du lịch và bán vé máy bay. Đến năm 1995, Mai Linh chính thức kinh doanh hoạt động taxi.
Từng có chia sẻ với truyền thông về thời điểm mới thành lập Mai Linh, ông Hồ Huy cho biết: Những ngày đầu công ty gặp khá nhiều khó khăn vì thời điểm này thị trường kinh tế còn chưa ổn định. Bên cạnh đó, thu nhập của dân thấp nên việc đi taxi là một vấn đề xa xỉ, hơn nữa thời gian này du lịch chưa phát triển. Cũng trong thời gian này, Mai Linh đã huy động các anh em trong công ty lấy vốn nhàn rỗi của mỗi anh em mua cổ phần của Mai Linh, ai có ít góp ít thực hiện theo chủ trương xã hội hóa công ty, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hiện nay, ngoài chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, ông Hồ Huy đang đứng tên tại nhiều công ty con khác trong hệ thống tập đoàn.
Tập đoàn Mai Linh kinh doanh ra sao?
Sau hơn 30 năm, Mai Linh đã phát triển thành tập đoàn vận tải với mạng lưới đơn vị, chi nhánh phủ khắp 63 tỉnh, thành phố và 4 huyện đảo, gần 30.000 cán bộ nhân viên và hơn 17.000 đầu phương tiện.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận doanh thu thuần 1.589 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức trên 400 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm trước.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Mai Linh đạt 4.271 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.942 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng gấp ba lần lên hơn 37 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đạt 4.076 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng thêm 50 tỷ đồng lên mức 997 tỷ đồng, nợ vay dài hạn tăng gần 45 tỷ đồng lên gần 404 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 hồi tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Mai Linh công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 1.650 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lên đến 60 tỷ đồng.