Ông chủ Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết: "Nhiều người không tin và bảo tôi chém gió"
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông chủ hãng hàng không Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết trong cuộc tọa đàm về đường bay thẳng tới Côn Đảo.
"Chúng tôi vừa là người tiên phong, vừa là người cổ vũ để Côn Đảo phát triển"
Tại cuộc tọa đàm bay thẳng tới Côn Đảo được tổ chức vào chiều 12/9, ông Trịnh Văn Quyết , Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cho biết, quyết định mở đường bay mới từ Hà Nội, Hải Phòng và Vinh đến Côn Đảo nhằm mục đích muốn kích cầu đi lại của du khách.
"Chúng tôi luôn mong muốn là những người tiên phong để tạo đà cho những doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ cùng chúng tôi xuất phát, đưa du lịch khởi sắc trở lại", ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, trong đợt kích cầu du lịch cách đây khoảng 4 tháng, có 700 khách đến dự, sau đó đã tạo nên làn sóng du lịch trong thời gian qua.
"Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ hai khiến chúng ta phải làm lại từ đầu. Với kinh nghiệm đã có, tôi tin ngành du lịch nói chung và du lịch Côn Đảo nói riêng sẽ thành công trong thời gian tới", ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ.
Ông cho biết thêm, FLC cũng như Bamboo Airways đã và đang đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do đó, hy vọng, việc mở các đường bay mới sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào đây, đặc biệt là Côn Đảo.
Ông Trịnh Văn Quyết.
"Chúng tôi vừa là người tiên phong, vừa là người cổ vũ để Côn Đảo phát triển. Chúng tôi đã sẵn sàng tài trợ xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng cho toàn bộ sân bay của Côn Đảo để hoạt động cả ban đêm", ông Quyết nêu rõ.
Chia sẻ nhiều về tính tiên phong, ông Quyết cho rằng, luôn muốn làm những thứ đầu tiên và khi đặt ra mục tiêu thường đạt được.
"Làm những thứ người khác chưa làm hoặc không dám làm, với tôi, là đam mê", ông tâm sự.
Về du lịch nghỉ dưỡng, ông Quyết tự nhận là một trong những người đầu tiên làm du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam và chọn những nơi chưa ai dám làm như Quy Nhơn, Sầm Sơn.
Với hàng không, ông Trịnh Văn Quyết nói cũng tương tự, khi ít ai dám tin FLC có thể cất cánh với khoảng thời gian ngắn như đã cam kết, nhưng hiện nay là hãng hàng không thường xuyên dẫn đầu về chỉ số đúng giờ ở Việt Nam.
"Nhiều người không tin và bảo tôi chém gió, nhưng chúng tôi đã làm được và ngay năm đầu tiên, Bamboo Airway đã đạt được có chứng chỉ an toàn của thế giới. Cục hàng không đánh giá là hãng an toàn hàng đầu của Việt Nam.
Chúng tôi đã tạo nên làn gió mới về phong cách phục vụ và tinh thần phục vụ bằng trái tim, hành vi, hành động, nụ cười từ trái tim và xây dựng hãng hàng không của sự hiếu khách", ông Quyết chia sẻ.
Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways Đặng Tất Thắng đã chia sẻ lý do mở 3 đường bay thẳng từ Hà Nội, Vinh Hải Phòng tới Côn Đảo.
Theo đó, ông Thắng nói, kể từ khi thành lập Bamboo Airways, mục tiêu hãng hướng tới là kết nối các địa phương có ít đường bay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng kể lại việc, lần đầu bay đến Côn Đảo, ông mất tới 12 tiếng để transit tại TP HCM và nghĩ tại sao lại phải vất vả như vậy.
Ông Đặng Tất Thắng.
Khi nghiên cứu mở đường bay, ông Thắng cho hay, đã khảo sát loại máy bay A319 của Airbus để tìm cách hạ cánh tại Côn Đảo.
"Nhưng sau khi làm việc với Airbus và Cục Hàng không Việt Nam, chúng tôi tính toán thêm và kết luận phải kéo dài đường bay của sân bay Côn Sơn, do vậy, bị tắc lại", ông Thắng kể tiếp.
Lãnh đạo hãng hàng không này cho biết thêm, trong quá trình đi nhận máy bay Boeing 787 đầu tiên tại Mỹ, từ California, ông bay 3 chuyến mới đến TP Charleston, bang South Carolina. Một trong số máy bay ông sử dụng là Embraer 195.
"Chuyến bay chỉ kéo dài khoảng hơn 25 phút, tôi cảm giác như ngồi trên một chiếc chuyên cơ riêng, hoả lực mạnh.
Tôi nhắn ngay đồng nghiệp tìm hiểu về dòng máy bay này cho Côn Đảo. Qua tính toán, với sự chấp thuận của Cục Hàng không, chúng tôi mất 6 tháng để triển khai đường bay này", ông Thắng nêu.
Giải thích về lý do mở đường bay từ Vinh và Hải Phòng bên cạnh Hà Nội, lãnh đạo hãng hàng không này thông tin, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 90% khách du lịch Côn Đảo là người miền Bắc, bởi nơi đây nổi tiếng với du lịch tâm linh. Đó là lý do hãng ưu tiên Hà Nội, Hải Phòng và Vinh là 3 thành phố có dân số lớn.
Thu hút nhiều khách đến Côn Đảo nhưng không nên đón bằng mọi giá
Phát biểu tại đây, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ghi nhận tiềm năng du lịch của Côn Đảo rất lớn khi tăng trưởng lượng khách du lịch đến với đảo tăng 400% thời gian qua dù chỉ ít đường bay, hạ tầng giao thông khó khăn.
Ông Đinh Ngọc Đức.
Với 3 đường bay mới được mở tới Côn Đảo, ông Đức đánh giá, du khách sẽ đến nhiều hơn, song dài hạn sẽ câu chuyện thế nào là điều ông trăn trở.
Ông Đức dẫn thông tin từ CNN năm 2017 đã bình chọn Côn Đảo là một trong 12 đảo yên bình nhất châu Á.
"Chữ yên bình rất đặc biệt. Bởi đây là di tích lịch sử Quốc gia quan trọng. Nếu không giữ gìn vài năm nữa sẽ không ai tìm đến. Côn Đảo không phải là điểm đến lớn nên tính đến sức chứa, đường bay... mà cần cơ quan quản lý Bhà nước cần có quy hoạch cụ thể", ông Đức nêu.
Ngoài ra, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, đây là di sản thiên nhiên ban tặng nếu mất đi thì Côn Đảo không thể lấy lại được.
"Tôi mong muốn phát triển Côn Đảo bền vững, thu hút nhiều khách đến nhưng không nên đón bằng mọi giá, cần một số lượng đảm bảo", ông nhấn mạnh.
Còn lý giải về việc vì sao không kéo dài đường băng của sân bay Côn Đảo, ông Võ Huy Cường, Cục Phó Cục Hàng không Việt Nam nói, trước đó tập đoàn FLC từng kiến nghị tới Cục Hàng không, Bà Rịa - Vũng Tàu để tập đoàn tài trợ mở rộng sân bay.
Tuy nhiên vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cần được bảo tồn cho nhiều thế hệ.
"Vẻ hoang sơ và ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo cần được bảo tồn cho nhiều thế hệ. Các cơ quan môi trường cần phải đánh giá tác động môi trường khi kéo dài đường băng", đại diện Cục Hàng không chia sẻ.