Omicron "tàng hình" đang lây lan ở Hà Nội có khả năng vượt qua "hàng rào" miễn dịch, LẤN LƯỚT bản gốc để trở thành biến thể áp đảo toàn cầu
Biến thể "Omicron tàng hình" đang lây lan nhanh tại 69 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hầu hết các ca mắc mới đều có liên quan đến BA.2.
Theo báo cáo mới đây của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện. Đặc biệt biến thể phụ BA.2 (Omicron "tàng hình") chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.
Qua sàng lọc ngẫu nhiên, TP.HCM phát hiện 64% mẫu dương tính với Omicron là biến chủng BA.2.
"Omicron tàng hình" lây lan nhanh gấp 1,5 lần chủng gốc
Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu.
Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3. Đặc biệt, theo số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene.
Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2, phiên bản "tàng hình" của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR, đang gia tăng nhanh chóng.
Biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron tại Hà Nội
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cũng đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh và đang dần thay thế chủng Delta.
Đặc biệt, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
BA.2 có khả năng vượt qua hàng rào miễn dịch
Các nhà nghiên cứu cho chuột nhiễm biến thể phụ BA.2 và BA.1 đã cho kết quả như sau: Những con bị nhiễm BA.2 ốm nặng hơn và có chức năng phổi kém hơn. Phổi của chuột nhiễm BA.2 cũng bị tổn thương nhiều hơn phổi của chuột bị nhiễm BA.1.
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện đăng tải trên nền tảng bioRxiv cho thấy, "Omicron tàng hình" BA.2 có nguy cơ vượt qua hàng rào miễn dịch sinh ra bởi việc tiêm chủng vaccine COVID-19. BA.2 cũng có dấu hiệu kháng một số phương pháp điều trị, bao gồm sotrovimab - kháng thể đơn dòng hiện đang được sử dụng chống lại Omicron.
Một nghiên cứu khác của Đại học bang Michigan- Mỹ, xem xét hàng loạt phát hiện về BA.2 và kết luận: Nó sẽ dần chiếm ưu thế nhờ việc "lây nhiễm cho các quần thể không có kháng thể bảo vệ". Đặc biệt, BA.2 được phát hiện có khả năng kháng vaccine cao hơn 30% so với BA.1 và kháng vaccine gấp 17 lần so với Delta.
BA.2 có thể làm cho các tế bào dính lại với nhau thành hợp bào
Bên cạnh đó, biến thể BA.2 còn có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1. Nó cũng trội hơn trong việc làm cho các tế bào dính lại với nhau. Điều này cho phép virus tạo ra các khối tế bào lớn hơn, được gọi là hợp bào so với BA.1.
Giả thiết đặt ra rằng, nếu những khối này sau đó trở thành "nhà máy" để tạo ra nhiều bản sao của virus hơn. Chẳng hạn Delta từng có khả năng tạo ra hợp bào khá hiệu quả và các chuyên gia cho rằng đó là một lý do khiến nó tàn phá phổi nghiêm trọng như vậy.
"Omicron tàng hình" có khả năng lấn lướt bản gốc
Theo nhà virus học Trevor Bedford, Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Mỹ, BA.2 là biến chủng được tìm thấy trong 82% ca nhiễm ở Đan Mạch, 9% tại Anh và 8-10% tại Mỹ.
Hiện tại, ít nhất 69 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện ca nhiễm BA.2. Theo báo cáo mới nhất của WHO, các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Đan Mạch, Nepal, Brunei Darussalam, Guam, Montenegro và Philippines đã báo cáo BA.2 là chủng chiếm ưu thế trong các ca bệnh mới. Nam Phi, Anh, Đan Mạch và Mỹ cũng đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ nhiễm BA.2.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á báo cáo tỷ lệ xuất hiện BA.2 trong số các nhiễm Omicron là 44,7%, trong khi ở châu Mỹ báo cáo khoảng 1%.
Tổng hợp