Obama đến, chúng ta chỉ mải nói về TPP mà quên mất một hiệp định thương mại quan trọng không kém

01/06/2016 09:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại ông Trương Đình Tuyển cho rằng không phải lúc nào Mỹ cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, EU cũng từng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu Việt Nam không nhanh chân, khi EU đi ký hiệp định thương mại tự do với các nước khác như Indonesia, thì sẽ phải cạnh tranh thị trường EU với Indonesia...

"Vì sao chúng ta phải đàm phán về hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU? Vì sao EU muốn đàm phán với Việt Nam? Vì sao chúng tôi lại quan tâm đến Việt Nam?...", ông Mauro Petriccione – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại Ủy ban châu Âu, Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của EU đặt câu hỏi tại hội thảo diễn ra sáng nay 31/5.

Ngay lập tức, Mauro trả lời: Vì Việt Nam là đối tác quan trọng với EU. Đây là một nền kinh tế sôi động. Chúng tôi nhìn thấy Việt Nam trong suốt 20 năm qua đã có nhiều đổi mới từ khi bắt đầu tham gia vào WTO. Và vì rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển, ít nhất là 20-30 năm nữa, với mức tăng trưởng lớn nhất thế giới, đội ngũ lao động trẻ tiềm năng.

Cả kể so với các quốc gia đang phát triển khác khu vực Đông Nam Á Việt Nam vẫn dẫn đầu. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Indonesia trở thành đối tác thương mại quan trọng với EU, quan hệ thương mại lên tới 31 tỷ USD.

Cũng theo ông Mauro, sau khi ký kết FTA với Việt Nam, có ủy quyền của Phái đoàn Liên minh Châu Âu sẽ đàm phán, thiết lập quan hệ trụ cột với Philippines, Indonesia, tiếp tục đàm phán với Malaysia và chuẩn bị đàm phán với Thái Lan.

"Việt Nam là đối tác tiềm năng lớn của EU tại ASEAN. Chúng tôi nhìn thấy VN như cầu nối chính cho EU, là trụ cột để tiếp cận khu vực những quốc gia phát triển nhanh, năng động về kinh tế trên thế giới và trong khu vực ASEAN", Mauro nói.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, FTA Việt Nam - EU không chỉ giúp Việt Nam cơ cấu lại cán cân xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường mà còn giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường thể chế, điều này có lợi cho cả nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

“Chúng ta có thể tiếp cận với các thị trường lớn của thế giới, xuất khẩu hàng sản xuất từ Việt Nam đi các nước mà không phải chịu thuế nhập khẩu”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh. Và đây chính là lợi ích lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương Mại nhấn mạnh rằng, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm có FTA Việt Nam - EU và TPP, cả hai đều mở cửa toàn diện và sâu rộng. Song Việt Nam lại chưa khai thác hết các cơ hội từ EU.

EU là thị trường tiềm năng, là nền kinh tế đứng đầu thế giới. Mặc dù hiện nay xuất khẩu vào Mỹ chiếm 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước nhưng đừng quên rằng cũng có những năm EU trở thành nước xuất khẩu lớn của Việt Nam như 2013.

Trong khi đó, lộ trình giảm thuế xuất khẩu của FTA Việt Nam - EU nhanh hơn TPP, 7 năm sau thuế suất xuất khẩu về 0% trong khi đó TPP lại không đạt được. Lĩnh vực dệt may, FTA Việt Nam - EU cũng quy định xuất xứ từ vải trở đi...

Theo ông Tuyển, để nắm bắt cơ hội, thúc đẩy nền kinh tế trong sân chơi này, Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh, hiện đại hóa thể chế lấy doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.

Về lâu dài, doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân phải cạnh tranh, chủ động nắm bắt thời cơ mang lại. Cơ hội thì rất nhiều nhưng tự thân nó không biến thành lợi ích, mà phụ thuộc vào nỗ lực của chính phủ và doanh nghiệp.

"Đừng quên rằng sau khi FTA Việt Nam - EU, EU cũng đi ký hiệp định thương mại tự do với nước khác, di chuyển thương mại sẽ khiến Việt Nam phải cạnh tranh. Và nếu nhanh chóng chiếm được thị trường EU càng sớm càng tốt, bằng không sẽ phải cạnh tranh với Indonesia...", Nguyên Bộ Trưởng Bộ Thương Mại khẳng định.

Hiện nay, EU có quy mô 510 triệu người tiêu dùng và là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Trong hơn 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng gần 7 lần từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2003 lên 41,2 tỷ USD vào năm 2015 đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu Việt Nam. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD.

EU cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với 1.809 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.

K.L

Cùng chuyên mục
XEM