Ở Trung Quốc, ai cũng muốn trở thành Elon Musk tiếp theo
Những nhà sản xuất xe điện - đối thủ của Tesla tại Trung Quốc, đang đuổi theo "giấc mơ California" của mình, ấp ủ mong ước sẽ trở thành Elon Musk tiếp theo.
Sự kiện Tesla động thổ xây dựng nhà máy Gigafactory 3 tại Thượng Hải tuần trước với sự có mặt của CEO Elon Musk đã đánh dấu cột mốc quan trọng đối với nhà sản xuất xe điện. Đây sẽ trở thành nhà máy thuộc sở hữu bởi một công ty nước ngoài đầu tiên được xây dựng hoàn toàn tại quốc gia này. Trong khi đó, ở khu vực quanh nhà máy của Tesla tại Thung lũng Silicon có đến khoảng 10 công ty sản xuất xe điện do người Trung Quốc sở hữu hoặc đang thuê lại các cựu nhân viên của Elon Musk để làm việc. Những công ty start-up sở hữu mức vốn cao này, một trong số đó thậm chí còn chưa bán được một chiếc xe ô tô nào, đang mua lại các nhà máy, thử nghiệm các mẫu xe trên đường phố và xây dựng các văn phòng với chi phí đắt đỏ tại Vịnh San Francisco.
Martin Eberhard, nhà đồng sáng lập của Tesla khi còn là Tesla Motors, nói: "Mọi người đều muốn trở thành Elon Musk thứ hai - Elon Musk của Trung Quốc." Ông đã làm việc tại hội đồng quản trị của nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc - SF Motors sau khi sáng lập Tesla.
"Nếu bạn có thể bán một chiếc ô tô ở Trung Quốc với hiệu ứng "toả sáng" của phương Tây trên sản phẩm đó, bạn có thể bán giá cao hơn 30% với chiếc xe y hệt. Cần những gì để có được sự "toả sáng" đến từ phương Tây? Mở một công ty ở Thung lũng Silicon và thuê những người phương Tây làm việc", Eberhard nói.
Emberhard trên chiếc Tesla Roadster.
Faraday Future là công ty thuê lại nhiều cựu nhân viên của Tesla nhất. Đây là một công ty start-up được thành lập bởi tỷ phú người Trung Quốc - Jia Yeuting, bắt đầu đi vào hoạt động hồi năm ngoái trong một nhà máy sản xuất lốp xe được tân trang lại tại Hanford, California, cách nhà máy Fremont của Tesla khoảng hơn 300km. Theo một cuộc khảo sát của LinkedIn, có hơn 70 nhân viên của Faraday cho biết đã có kinh nghiệm làm việc tại Tesla, dù không phải hầu hết số đó vẫn đang làm việc tại đây.
Tỷ phú Jia Yeuting (bên phải) và phó chủ tịch cấp cao Nick Sampson trong buổi ra mắt mẫu xe FF91 năm 2017 tại Las Vegas.
Byton, một công ty start-up do "ông lớn" Tencent hậu thuẫn, đã huy động được 500 triệu USD vốn và thuê cựu giám đốc điều hành của Tesla là Tom Wessner làm phó chủ tịch cấp cao về chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, công ty còn rất ưa thích những nhân tài đến từ Thung lũng Silicon và đã thuê Jeff Chung - một cựu designer của Apple. Byton là thương hiệu của Future Mobility Corp., công ty có trụ sở tại Santa Clara, California và một phòng thí nghiệm về trí tuệ nhân tạo mới ở Los Angeles. "Tân binh" này thường xuyên đưa các khách VIP từ Trung Quốc tới thăm các văn phòng ở Thung lũng Silicon.
"Các nhân tài đều đến từ đây", Andrew Hussey, phát ngôn viên của Byton, cho biết. Công ty có kế hoạch ra mắt mô hình sản xuất đầu tiên vào năm nay tại Trung Quốc và nhắm đến thị trường Mỹ vào năm tới với mẫu xe SUV chạy bằng điện.
Theo Pitchbook, đầu tư vốn mạo hiểm vào các nhà sản xuất xe tại Trung Quốc đã tăng lên gần gấp đôi vào năm ngoái lên 6,4 tỷ USD, dù Trung Quốc có động thái gắt gao với những thương vụ M&A của nhiều lĩnh vực ví dụ như bất động sản hay các sòng bạc. Có rất nhiều người với tham vọng trở thành Elon Musk tiếp theo đang tìm kiếm đồng minh từ các đối thủ ở địa phương của Tesla.
Việc tìm kiếm tài năng đến từ Tesla đã trở nên dễ dàng hơn kể từ khi có lượng nhân sự quá lớn, 45 nghìn người. Do đó, công ty có thể sẽ cắt giảm bớt các giám đốc điều hành cấp cao, công nhân một cách thường xuyên.
Lucid Motors, một phần được hỗ trợ bởi Tsing Capital, đã thuê cựu phó chủ tịch về kỹ thuật xe, Peter Rawlinson, làm giám đốc công nghệ và chuyển địa điểm làm việc tới những cơ sở lớn hơn. Hồi năm ngoái, công ty này đã huy động được 1 tỷ USD từ Quỹ Public Investment của Ả Rập.
Hầu hết những nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc đều là những công ty công nghệ và có lợi thế không phải từ kinh nghiệm sản xuất ô tô mà là hiểu được hành vi của người tiêu dùng trong nước, Nannan Kou, người đứng đầu nghiên cứu về Trung Quốc của Bloomberg NEF, cho biết.
Elon Musk tại buổi lễ động thổ xây dựng nhà máy của Tesla tại Thượng Hải hôm 7 tháng 1.
Tuy nhiên, lợi thế của Tesla sẽ thành công trong những năm tới nhờ nhà máy ở Thượng Hải. Musk cho hay, nhà máy nay có thể sẽ bắt tay vào sản xuất Model 3 vào cuối năm nay. Volkswagen cũng sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Trung Quốc, hợp tác với một đối tác địa phương. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc sẽ cắt giảm khoản trợ cấp mà từ lâu đã được sử dụng để hỗ trợ cho việc mua xe điện của người dân.
"Các văn phòng ở Thung lũng Silicon và việc thuê lại các cựu nhân viên của Tesla không còn hiệu quả như trước", Kou nói. "Các mẫu nổi tiếng, với tính năng vượt trội, năng suất hiệu quả và doanh thu bán hàng cao chính là những yếu tố quyết định."
Liệu những người với mong muốn trở thành Elon Musk tiếp theo có thể tìm cách kinh doanh ở Mỹ được hay không đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức về quy định, lao động và chuỗi cung ứng, còn chưa kể để những căng thẳng thương mại vẫn đang tiếp diễn.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc phải đối phó với tình trạng các nhân tài ở nước nhà có thể sẽ "về tay" nhiều công ty đối thủ nước ngoài. Ở sự kiện động thổ của Tesla tại Thượng Hải, Elon Musk cho biết một kỹ sư người Trung Quốc đã được tuyển dụng ngày hôm đó và có thể sẽ trở thành CEO.
Tuy nhiên, hiện tại, các công ty start-up sản xuất xe điện của Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược "ăn theo" hiệu ứng Tesla, Eberhard cho hay. "Trung Quốc là một thị trường lớn với lượng tiền mặt dồi dào và họ có thể mạnh tay đặt cược tại đó."