Nút thắt nhân lực và góc nhìn khác biệt của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Địa phương nên là người "đặt ra các bài toán thông minh" cho doanh nghiệp
"Triển khai đô thị thông minh là vấn đề mới và khó, một phần nguyên nhân do nhân lực kỹ thuật của địa phương ít kinh nghiệm. Bộ trưởng có ý kiến gì để tháo gỡ khó khăn này?" "Chính quyền có đủ nhân lực chuyên môn để triển khai đô thị thông minh hay không phụ thuộc chủ yếu vào cách chúng ta tiếp cận vấn đề", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Đô thị thông minh là 1 trong 3 nội dung cốt lõi trong việc Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số.
Xây dựng đô thị thông minh nên bắt đầu từ đâu và như thế nào? Nhận được câu hỏi này tại phiên thảo luận của Diễn đàn Cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020, vị tư lệnh ngành thông tin và truyền thông đã mượn câu chuyện một kẻ bắt cóc trẻ em đã không thoát khỏi hệ thống "mắt thần" 300 camera của Bắc Ninh, bị tóm gọn trong 24h.
300 "mắt thần" ở Bắc Ninh và lời giải cho bài toán đô thị thông minh: Bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất!
Một chiều cuối tháng 8, bé Nguyễn Giao Bảo, 2,5 tuổi đã bị bắt cóc khi đang chơi tại Công viên Nguyễn Văn Cừ, T.P Bắc Ninh.
24h kể từ khi nhận được thông tin báo án, cơ quan công an đã giải cứu thành công cháu bé tại địa phận tỉnh Tuyên Quang. Hành trình phá án đó thành công nhờ công không nhỏ từ hệ thống CCTV (camera giám sát) giúp truy dấu đối tượng - với 300 máy lắp đặt tại các cơ sở trọng yếu.
Hình ảnh đối tượng bắt cóc đưa cháu bé ra khỏi địa bàn TP. Bắc Ninh vào 17h28 phút được ghi nhận trên hệ thống camera giám sát do Sở TT&TT vận hành (Ảnh: Bắc Ninh 24h)
"Để xây dựng thành phố thông minh, hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất của chính mình", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Bắc Ninh là một tỉnh nhiều khu công nghiệp, có rất nhiều công nhân đến từ nhiều thành phố khác nhau, và họ có nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Thế nên thành phố đã triển khai một hệ thống camera an ninh. Sau khi triển khai, tình hình an ninh trật tự tốt hơn hẳn".
Trường hợp bé Gia Bảo bị bắt cóc, giải cứu được bé thành công cũng nhờ hệ thống CCTV này, Bộ trưởng Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng Hùng cho rằng việc chọn vấn đề gì để ưu tiên triển khai khi phát triển đô thị thông minh, thì tùy thành phố.
"Nên chọn cái gì? Nên chọn vấn đề nổi cộm nhất của địa phương, thành phố mình để "giải" đầu tiên. Có thể là ô nhiễm môi trường, có thể là an ninh trật tự, có thể là y tế, giáo dục... Chúng ta hãy có niềm tin là công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề chúng ta đang đối mặt".
"Ví dụ, Huế là thành phố du lịch, họ đặt mục tiêu các đường phố xanh, sạch đẹp, nên họ chọn vấn đề này để giải quyết trước. Họ có một sáng tạo rất độc đáo: Lập một ứng dụng gọi là "phản ánh thị trường", biến mỗi người dân thành một "cảm biến môi trường thông minh"", Bộ trưởng chia sẻ.
Theo đó, người Huế khi thấy những tồn tại trên đường phố có thể chụp ảnh, báo chính quyền, chính quyền sẽ xử lý nhanh… Kết quả, chỉ hơn 3 tháng, đường phố Huế sạch như "chưa bao giờ được như thế".
"Hãy bắt đầu từ nỗi đau lớn nhất của chính mình, xem vấn đề này đã được giải quyết ở thành phố nào khác hay chưa ở Việt Nam, đã được giải quyết hiệu quả chưa ở một thành phố nào đó trên thế giới. Nếu đã có rồi thì tìm cách học hỏi, nếu chưa thì tìm cách tự làm", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Nút thắt nhân lực và góc nhìn khác biệt
"Triển khai đô thị thông minh là vấn đề mới và khó, một phần nguyên nhân do nhân lực kỹ thuật của địa phương ít kinh nghiệm. Bộ trưởng có ý kiến gì để tháo gỡ khó khăn này?"
Nhận được câu hỏi trên từ điều phối viên, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận: "Chính quyền có đủ nhân lực chuyên môn để triển khai đô thị thông minh hay không phụ thuộc chủ yếu vào cách chúng ta tiếp cận vấn đề".
"Khi chính quyền địa phương chọn cách tự mình làm bằng nhân lực của mình thì chắc chắn cần rất nhiều chuyên gia. Mà giả sử rằng chính quyền địa phương có đủ nhân lực để tự triển khai đô thị thông minh, xã hội này không phát triển được. Doanh nghiệp không có thị trường để phát triển, và lại quay lại câu chuyện tự cung tự cấp".
Bộ trưởng Hùng cho rằng chính quyền địa phương nên là người đặt hàng doanh nghiệp, là người "đặt ra các bài toán thông minh". Như vậy, Chính phủ sẽ có được sản phẩm tốt, giá cả phù hợp, và người dân cũng được hưởng lợi.
"Do vậy, chính quyền địa phương nên tập trung vào việc tìm ra đúng vấn đề, đặt ra mục tiêu, đặt ra yêu cầu… Chính quyền địa phương chỉ cần là người đặt hàng thông minh và thay đổi thế chế để chấp nhận mô hình mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.