Nước Ý và câu chuyện "lội ngược dòng" giữa đại dịch: Từ vùng đất ác mộng bị xa lánh thành nơi khiến cả thế giới cảm thấy ghen tỵ vào lúc này
Nước Ý từ một nơi khiến cả thế giới sợ hãi và xa lánh, giờ đang đạt được hiệu quả chống dịch hết sức đáng nể.
Khi Covid-19 lây lan tại phương Tây, Ý đã rơi vào một tình cảnh ác mộng. Quốc gia này trong phút chốc trở thành tâm dịch của "lục địa già", là nơi cả thế giới muốn tránh xa, và là ví dụ điển hình cho thấy những gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh trở nên mất kiểm soát.
"Nhìn vào những gì đang xảy ra ở Ý đi," - Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói như vậy vào ngày 17/3. "Chúng ta không muốn rơi vào tình cảnh như thế." Joseph R. Biden Jr. - ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ thì viện dẫn Ý để thể hiện quan điểm về chính sách y tế khi ra tranh cử.
Sau đó vài tháng, Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với số ca tử vong nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Tại châu Âu, những nước từng một thời nhìn Ý bằng một ánh mắt ái ngại, giờ phải hứng chịu các đợt dịch mới bùng lên. Một số nước phải tái siết chặt, và cân nhắc tiếp tục phong tỏa lần nữa.
Một khu chợ tại Naples (Ý) vào ngày 19/6
Như Anh Quốc, Thủ tướng Boris Johnson hôm 31/7 đã ra thông báo sẽ hoãn lại kế hoạch nới lỏng chính sách, sau khi chứng kiến số ca nhiễm gia tăng. Ngay cả Đức - quốc gia có phản ứng và hành động lần vết dịch bệnh rất quyết liệt - cũng phải cảnh báo rằng việc công chúng quá thoải mái và chủ quan sẽ khiến dịch bệnh gia tăng trở lại.
Còn ở Ý thì sao? Lúc này, các bệnh viện về cơ bản đã sạch bóng bệnh nhân Covid-19. Số ca tử vong mỗi ngày tại Lombardy - khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh - giờ gần như bằng 0. Số ca nhiễm thì "nằm trong số thấp nhất châu Âu và trên toàn thế giới" - theo lời nhận xét của Giovanni Rezza, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm của Viện Y tế Quốc gia.
"Chúng tôi đã rất thận trọng," - Rezza cho biết. Giờ đây, dẫu cho vẫn còn ca nhiễm gia tăng trong tuần qua, về cơ bản người Ý đang rất lạc quan rằng virus đã được kiểm soát. Dù vậy, các chuyên gia nhận định bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, nếu người dân trở nên chủ quan.
Từ cơn ác mộng thành "hình mẫu" chống dịch, dù không hoàn hảo
Nước Ý đã chuyển mình, từ một thảm họa thành hình mẫu chống dịch của toàn cầu. Dù vẫn chưa hoàn hảo, nhưng đây vẫn là một bài học cho nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ - nơi chưa khi nào thực sự kiểm soát được dịch bệnh.
Sau khởi đầu hết sức chật vật cùng nhiều mất mát đau thương, nước Ý đã thu được "quả ngọt" từ quá trình phong tỏa toàn quốc. Trong tuần qua, Quốc hội Ý đã biểu quyết kéo dài quyền lực khẩn cấp của chính phủ, sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte cho rằng cả nước chưa thể mất cảnh giác vì dịch bệnh vẫn còn đó. Quyết định này cho phép Chính phủ Ý tiếp tục duy trì lệnh hạn chế và phản ứng nhanh chóng hơn - bao gồm lệnh phong tỏa với bất kỳ ổ dịch mới nào.
"Tình hình vẫn còn rất phức tạp tại Pháp, Tây Ban Nha hay xung quanh dãy Balkan, cho thấy virus vẫn chưa chấm dứt," - trích lời Ranieri Guerra, trợ lý Tổng giám đốc về sáng kiến chiến lược tại WHO (Tổ chức Y tế Thế giới). "Dịch bệnh có thể quay lại bất kỳ lúc nào."
Không thể phủ nhận rằng việc duy trì lệnh phong tỏa sẽ phải đánh đổi bằng kinh tế. Trong 3 tháng qua, doanh nghiệp và các nhà hàng buộc phải đóng cửa, việc di chuyển giữa các thành phố, khu vực bị hạn chế tối đa, trong khi du lịch gần như tắt ngấm. Ý dự tính sẽ mất khoảng 10% GDP trong năm nay.
Nhưng khi mối đe dọa từ virus trở nên không thể kiểm soát, nhà chức trách Ý đã quyết định sẽ đặt tính mạng của người dân lên trên kinh tế. "Sức khỏe của người Ý sẽ luôn được ưu tiên," - ông Conte phát biểu.
Hiện tại, nhà chức trách đang hy vọng rằng những gì tồi tệ nhất đã qua, và đất nước giờ đã đủ an toàn để trở lại cuộc sống bình thường, dù còn cần nhiều hạn chế. Theo đó, cách duy nhất để khởi động lại nền kinh tế là tiếp tục kiểm soát virus, ngay cả lúc này.
Việc phong tỏa toàn diện hiển nhiên sẽ gây ra những tranh cãi và chỉ trích, chủ yếu nhắm vào chuyện chính phủ quá thận trọng sẽ làm tê liệt nền kinh tế. Tuy nhiên, nó có thể mang đến nhiều lợi thế hơn so với việc cố gắng mở cửa nền kinh tế trong khi virus vẫn hoành hành, như những gì đang xảy ra tại Mỹ, Brazil và Mexico.
Ở những quốc gia khác, khi lệnh phong tỏa kéo dài quá lâu sẽ tạo ra một bộ phận cảm thấy bực tức và muốn chống đối. Trong câu chuyện này, Ý cũng không khác là bao. Việc đeo khẩu trang trên tàu điện hoặc xe bus vẫn đang là bắt buộc, nhưng có nhiều người không tuân thủ. Người trẻ ở Ý vẫn vậy, tự do và phá luật, bất chấp nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng. Người trưởng thành vẫn tụ tập tại các bãi biển, thậm chí, có cả một phong trào "anti-khẩu trang" tồn tại ở Ý, do chính trị gia Matteo Salvini đứng đầu.
Trong tuần qua, Salvini đã cùng những người phản đối đeo khẩu trang tổ chức biểu tình tại thư viện Thượng viện, với sự tham gia của Andrea Bocelli - một ca sĩ opera nổi tiếng không tin rằng đại dịch là nghiêm trọng. "Tôi quen biết rất nhiều người, và chưa thấy ai nhiễm bệnh mà phải vào phòng chăm sóc tích cực (ICU)."
Ông Matteo Salvini
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế hàng đầu đất nước cho biết, việc có ít các ca nghiêm trọng thực chất đến từ việc số ca nhiễm đang giảm xuống. Bởi xét cho cùng, chỉ một tỉ lệ nhỏ trong số những người nhiễm mới có triệu chứng nặng. Và sau tất cả, những người phản đối vẫn chưa đủ để phá vỡ thành quả người Ý khó khăn lắm mới đạt được, sau khởi đầu đầy u ám.
Đi lên từ sự cô đơn
Theo Guerra, việc Ý bị cô lập bởi các quốc gia láng giềng khi dịch bệnh bùng lên - giữa thời điểm khẩu trang và máy thở trở nên khan hiếm - có thể là một phần nguyên nhân giúp họ thành công.
"Đó là một cuộc cạnh tranh, không có sự hợp tác nào cả," - Guerra cho biết. "Ai cũng nhận ra Ý rất cô đơn ở thời điểm ấy." Vậy nên, họ "phải làm tất cả những gì có thể, và nó cho thấy sự hiệu quả hơn nhiều nước khác."
Ban đầu, Ý cách ly một số thị trấn, sau đó là toàn bộ vùng Lombardy phía Bắc, rồi cuối cùng là phong tỏa toàn quốc, bất chấp việc virus vẫn chưa xuất hiện ở miền Trung và miền Nam Ý. Điều này ngăn cản lao động tràn về phía Nam - nơi kém phát triển hơn, làm giảm nguy cơ dịch bệnh lan rộng, và áp đặt được phản ứng toàn diện trên cả nước.
Trong quá trình phong tỏa, việc di chuyển bị hạn chế đến tuyệt đối - thậm chí là di chuyển giữa 2 tòa nhà. Mọi người dân nếu muốn ra ngoài đều phải điền vào một lá đơn chứng minh họ ra ngoài để làm việc, vì lý do y tế, hoặc vì mục đích thiết yếu. Nhà chức trách nhiều địa phương còn phạt rất nặng việc vi phạm giãn cách và không đeo khẩu trang. Nhìn chung, các quy tắc đã được tuân thủ.
Sau thời điểm ác mộng với số ca nhiễm và tỉ lệ tử vong tăng mạnh, việc duy trì đóng cửa đã giúp tỷ lệ lây lan giảm đi nhanh chóng, và đường cong đồ thị cũng bị san phẳng. Điều này trái ngược hẳn với một số quốc gia theo đuổi chính sách không phong tỏa, như Thụy Điển và Anh.
Đợt dịch ban đầu được khoanh vùng trong các bệnh viện, gây ra tình trạng quá tải và khiến áp lực trở nên thật đáng sợ. Nhưng đồng thời, nó cho phép y bác sĩ truy vết dịch bệnh nhanh chóng hơn. Sau đó đất nước mở cửa trở lại một cách từ từ, tạo ra một độ trễ khoảng 2 tuần để có thể phản ứng với các ca ủ bệnh.
Hiệu quả thứ 2 của lệnh phong tỏa đã xuất hiện, với việc làm giảm được khả năng virus lưu hành trong xã hội, qua đó giảm được tỉ lệ tiếp xúc với người bệnh. Khi lệnh phong tỏa chấm dứt, sự lưu hành của virus gần như bị loại bỏ tại miền Trung và miền Nam nước Ý, gần như không có bất kỳ ca nhiễm trong cộng đồng nào nữa.
Một số bác sĩ Ý tin rằng virus đang có phản ứng khác biệt tại Ý. Như Matteo Bassetti - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Genoa, ông cho biết bệnh viện của mình từng phải đối mặt với 500 ca nhiễm một lúc vào lúc cao điểm của dịch bệnh. Còn giờ, toàn bộ khoa chăm sóc tích cực 50 giường của bệnh viện sạch bóng bệnh nhân. 60 giường được lắp đặt khẩn cấp giờ cũng... chẳng để làm gì.
Bassetti tin rằng virus hiện tại đã yếu hơn. Quan điểm này chưa được chứng minh - ông hiểu điều đó, nhưng một số chính trị gia như ông Salvini đang muốn thúc đẩy nó để tiến hành tái mở cửa nền kinh tế.
Dẫu vậy, đa số các chuyên gia y tế cho rằng virus vẫn ở đó. Sau khi chính phủ cân nhắc việc tái mở cửa quán bar, sàn nhảy, lễ hội và du thuyền, họ kêu gọi không nên mất cảnh giác vào lúc này.
"Ngay cả khi tình hình đang sáng sủa hơn các nước khác, chúng ta vẫn cần phải thật cẩn trọng," - bác sĩ Rezza chia sẻ. "Chúng ta không thể loại trừ khả năng dịch bệnh sẽ lại xuất hiện trong vài ngày tới. Đó có thể chỉ là vấn đề thời gian."
Nguồn: NY Times