Nước ngọt "Made in Vietnam" của đại gia Đường "bia", từng được kỳ vọng đủ khả năng cạnh tranh với CocaCola, Pepsi giờ ra sao?

06/03/2023 16:37 PM | Kinh doanh

Thông tin chào bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake với mức giá khởi điểm 250 triệu USD đã khiến cái tên của khách sạn này cùng ông chủ - đại gia Đường "bia" được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây. Trở nên nổi tiếng với những công trình dát vàng, nhưng ông Nguyễn Hữu Đường thực chất khởi nghiệp từ bia - đúng như biệt danh Đường "bia".

Nước ngọt "Made in Vietnam" của đại gia Đường "bia", từng được kỳ vọng đủ khả năng cạnh tranh với CocaCola, Pepsi giờ ra sao? - Ảnh 1.

Giới doanh nhân Hà Nội không ai lạ gì Đường “bia” – biệt danh của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình.

Trên đà phát triển, ông “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, xây dựng cho mình một “đế chế” với hàng chục công ty thành viên ở nhiều lĩnh vực như bia, đồ uống; bất động sản với các dự án bất động sản nổi tiếng như: Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Hòa Bình Green City (Hà Nội)…; vật liệu xây dựng; bán lẻ...

Sau mảng bia và đồ uống, việc "dát vàng mọi thứ có thể" khiến tên tuổi vị đại gia này càng trở nên nổi tiếng hơn. Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Hòa Bình là tòa tháp quốc tế Hòa Bình, cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng.

Một dự án khác của Hòa Bình là khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng với điểm nhấn là bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng trên nóc tòa nhà cao 29 tầng, cùng với đó là các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại cũng đều được dát vàng 24K.

Và dù nổi tiếng sau này với việc dát vàng mọi thứ, nhưng giới truyền thông vẫn quen gọi ông là Đường "bia" thay vì... Đường "vàng". Bởi lẽ, thành công trong sự nghiệp của ông Đường được bắt nguồn từ sản phẩm bia.

Ông Nguyễn Hữu Đường vốn là một cựu binh xuất ngũ năm 1979. Lúc mới rời quân ngũ, ông vất vả mưu sinh bằng đủ thứ nghề, trong đó có đạp xích lô chở bia thuê cho hợp tác xã vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội. Trong quá trình làm việc, ông được giao phụ trách một tổ gồm 100 người vận chuyển bia cho các cơ quan. Ông cũng kiếm được số tiền kha khá từ công việc này vì khi đó bia là thứ hiếm.

Sau 10 năm làm công việc này, vào năm 1987, Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, ông Nguyễn Hữu Đường đã đứng ra thành lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình. Đến năm 1993, ông thành lập công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình. Đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội.

Năm 2002, ông Đường là một trong những cổ đông sáng lập (với tỷ lệ vốn góp lên tới 88%) CTCP Đường Man (Đường Man) – doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt, một nguyên liệu chính để sản xuất bia.

Khi mới xây dựng, theo giới thiệu, Đường Malt sở hữu nhà máy được trang bị dây chuyền sản xuất Malt hiện đại và tự động từ hãng Lausman - CHLB Đức, nhập khẩu 100% từ châu Âu.

Công suất của nhà máy sản xuất hơn 40.000 tấn/năm.

Sau 12 năm hoạt động, đến 27/11/2014, vốn điều lệ của Đường Man đã tăng lên 277,5 tỷ đồng.

Ngày 23/09/2021, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật được thay đổi từ ông Nguyễn Hữu Đường sang ông Trần Minh Thông (SN 1949).

Nước ngọt "Made in Vietnam" của đại gia Đường "bia", từng được kỳ vọng đủ khả năng cạnh tranh với CocaCola, Pepsi giờ ra sao? - Ảnh 2.

Hình ảnh minh hoạ: Malt bia

Năm 2014, CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 350 tỷ đồng, trụ sở đặt tại KCN Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Cơ cấu cổ đông của Bia và nước giải khát Hoà Bình bao gồm: Hòa Bình Group (50% VĐL), Đường Man (45% VĐL) và CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình (5% VĐL). Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia.

Hoà Bình Group hay Công ty TNHH Hoà Bình và CTCP Thép Hoà Bình đều là những doanh nghiệp có sở hữu của ông Đường.

Năm 2014, dự án nhà máy của CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình, công suất 150 triệu lít nước giải khát, 20 triệu lít bia/năm và 100 triệu lít nước tinh khiết/năm được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đồng ý cấp tín dụng cho khoản vay 327 tỷ đồng (không rõ số tiền giải ngân cụ thể).

Dự án được giới thiệu sử dụng công nghệ và máy móc tiên tiến nhất thế giới năm 2014 - 2015 và được nhập khẩu của hãng Krones từ Đức mà chưa một thương hiệu nổi tiếng nào sử dụng. Hệ thống sản xuất mang tính tự động hóa hoàn toàn từ khâu đầu vào đến thành phẩm và được vận hành bởi đội ngũ nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bia và nước giải khát. Nhà máy được xây dựng và quản lý theo hệ thống chất lượng ISO 22000.

Các dây chuyền bao gồm hệ thống sản xuất nước tinh khiết, hệ thống pha chế Siro, 3 dây chuyền chiết rót với công suất 24.000 lon hoặc chai/giờ và 1 dây chuyền sản xuất bia với công suất 12.000 chai/giờ.

Ngoài sản phẩm nước tinh khiết, nước uống không có gas và bia, nhà máy còn sản xuất nước ngọt có ga mang thương hiệu V Cola. Đây là nhà máy sản xuất nước ngọt có ga đầu tiên tại Việt Nam do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Hữu Đường đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình, cho biết: Hiện nay, thị trường nước ngọt có gas hoàn toàn do hai doanh nghiệp nước ngoài là Coca-Cola và Pepsi chiếm lĩnh. Trước đây, đã có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng không đủ sức đối đầu với doanh nghiệp nước ngoài nên buộc phải thoái lui.

Hoà Bình đủ tự tin đương đầu với các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực sản xuất nước ngọt có gas dựa trên dây chuyền thiết bị hiện đại nhất thế giới cũng như nguồn nguyên liệu chất lượng quốc tế. Đặc biệt, với giá thành dự kiến thấp hơn 1/3 so với sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm V Cola sẽ tạo giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước theo phương châm “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” , ông Nguyễn Hữu Đường từng phát biểu trên truyền thông năm 2014.

Nước ngọt "Made in Vietnam" của đại gia Đường "bia", từng được kỳ vọng đủ khả năng cạnh tranh với CocaCola, Pepsi giờ ra sao? - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất nước ngọt hiện đại của Hoà Bình

Sau đó, trên website của Hoà Bình Group đã có những video, clip giới thiệu về dây chuyền sản xuất và sản phẩm nước ngọt rất hiện đại, như hệ thống pha chế siro hoàn toàn tự động, hệ thống lưu giữ và phân tích dữ liệu đạt chất lượng cao.

Có tất cả 4 thương hiệu nước ngọt được Hoà Bình giới thiệu ra thị trường, bao gồm: Vcola, Fansipan, Sport 5, Laranja với thông điệp "Sản phẩm vì sức khoẻ và hạnh phúc của người Việt".

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, các thương hiệu nước ngọt nói trên gần như vắng bóng trên thị trường bán lẻ nước giải khát.

Nước ngọt "Made in Vietnam" của đại gia Đường "bia", từng được kỳ vọng đủ khả năng cạnh tranh với CocaCola, Pepsi giờ ra sao? - Ảnh 4.

Đại gia Đường Bia và những sản phẩm nước ngọt một thời

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM