Nước Mỹ trước giờ G của "lần bầu cử quan trọng nhất đời người": Cuộc đua giành phiếu cực kỳ khốc liệt
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan, nền kinh tế điêu đứng, hệ tư tưởng bị chia rẽ sâu sắc…, cuộc bầu cử năm 2020 lại thu hút tới 100 triệu người đi bỏ phiếu sớm, phá vỡ mọi kỷ lục. New York Times mô tả cử tri đang hăng hái đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử trong trọng nhất đời người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa, và đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ đã đi hết các bang chiến trường, kết thúc một chiến dịch tranh cử đặc biệt được tiến hành trong bối cảnh nước Mỹ chìm trong một cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng và những quan ngại sâu sắc về tình hình kinh tế.
Cử tri của cả 2 đảng, vốn đang chìm trong sự chia rẽ chính trị ngày càng sâu sắc, đang đứng trước những thời khắc cuối cùng để đưa ra phán quyết về 4 năm sóng gió của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Đại dịch Covid-19, vốn hoành hành ở Mỹ suốt 8 tháng qua, được ví như thuốc thử liều cao với tất cả các bên.
Chưa có cuộc bầu cử nào trong lịch sử nước Mỹ mà các cử tri vừa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngoài tầm kiểm soát, nền kinh tế điêu đứng, chia rẽ sâu sắc trong hệ tư tưởng, vấn đề chủng tộc bùng nổ và sự không chắc chắn về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, những thách thức này không làm nản lòng cử tri Mỹ.
Cũng chưa từng có trong lịch sử, số người Mỹ đi bỏ phiếu sớm lên tới gần 100 triệu người. Tại nhiều nơi, người ta phải xếp hàng dài tại các điểm bỏ phiếu sớm hoặc gửi phiếu qua đường bưu điện trong các hòm thư đặc biệt. Trái ngược với năm 2016, cử tri Mỹ đang vô cùng hăng hái khi đi bỏ phiếu.
Phần lớn nước Mỹ đang cảm thấy như ở bên bờ vực. Chính vì thế, cuộc bầu cử này như thể là lần bỏ phiếu quan trọng nhất đời người. Trước khi các điểm bầu cử được mở ngày 3/11 theo giờ Mỹ, các doanh nghiệp ở các thành phố từ Denver tới Detroit và cả Washington D.C đều đã gia cố cửa sổ và cửa chính để sẵn sàng cho nguy cơ bất ổn dân sự. Thậm chí, một số thống đốc đã yêu cầu lực lượng Vệ binh Quốc gia sẵn sàng.
"Mọi người bắt đầu hoảng sợ", Fernando Salas, một công nhân xây dựng, vừa nói vừa đóng đinh vào tấm gỗ gia cố cửa sổ cho một cửa hàng tại khu mua sắm thời thượng tại Los Angeles. Các quan chức bầu cử vừa lo chống dịch, vừa lo chống lại sự suy yếu lòng tin của một bộ phận cử tri về kết quả kiểm phiếu.
"Xin hãy kiên nhẫn", Jim Kenney, thị trưởng Philadelphia, thành phố lớn nhất ở một trong những bang quan trọng nhất của cuộc bầu cử năm nay. Ông Kenney dự đoán sẽ có những hàng dài xuất hiện vào ngày 3/11. Trong khi đó, cả chiến dịch của ông Trump và Biden đều đã chuẩn bị sẵn sàng đội quân luật sư để chiến đấu trong một cuộc chiến pháp lý có nguy cơ kéo dài hơn so với ngày bầu cử.
Dẫu vậy, sự lây lan khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ một phần sức nòng của cuộc bầu cử. Mặc Tổng thống Trump khẳng định nước Mỹ đang trên đà đánh bại Covid-19, các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo về số ca lây nhiễm mới tăng kỷ lục trên khắp cả nước, đe dọa một đợt bùng phát tồi tệ và chết chóc hơn nữa.
Covid-19 thể hiện sự khác nhau rõ rệt trong quan điểm của ông Trump và ông Biden. Ngay cả giữa đại dịch, ông Trump vẫn tổ chức những sự kiện vận động tranh cử với đông đảo người dân tham dự. Ngược lại, ông Biden vẫn kiên định nói rằng cuộc sống sẽ không thể bình thường trở lại cho tới khi có vắc xin chống Covid-19.
Ở thời điểm hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden vẫn đang có lợi thế trước ông Trump, tuy nhiên, những lợi thế này là không đáng kể và hoàn toàn có thể bị đảo ngược trong ngày bầu cử 3/11 tới. Hiện tại, cuộc đua của 2 ứng viên vẫn chỉ xoay quanh vài bang chiến trường quan trọng để sở hữu đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết.
Năm nay, ông Trump buộc phải bảo vệ được thành công ở nhiều bang chứ không chỉ 3 bang công nghiệp nằm phía bắc đất nước vốn được biết với cái tên "bức tường xanh" là Pennsylvania, Wisconsin và Michigan. Vốn là nơi ủng hộ cho người Dân chủ, ông Trump bất ngờ giành thắng lợi ở 3 bang này vào năm 2016. Florida, Arizona, North Carolina, Georgia và thậm chí là cả Texas cũng là những nơi ông Trump cần phải thắng.
Trong khi đó, ông Biden cũng đang đẩy mạnh nỗ lực giành phiếu. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng liên tiếp xuất hiện tại các sự kiện tranh cử của ông Biden nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho người từng 8 năm đảm trách cương vị Phó Tổng thống trong chính quyền của mình. Ông Biden có thể thu hút được sự ủng hộ của những cử tri da màu, những người không mấy thiện cảm với ông Biden vì các phát ngôn "lỡ lời" cũng như đạo luật những năm 1990 được cho là tác động bất tương xứng tới người da đen.
Ở thời điểm hiện tại, cử tri của cả ông Trump và ông Biden đều không tin vào các kết quả thăm dò. Chính vì vậy, các chương trình vận động tranh cử được tiến hành tới giờ phút cuối cùng. Ông Biden và những người hỗ trợ tập trung vào những cử tri da màu trong khi ông Trump chọn tìm kiếm sự ủng hộ từ những công nhân da trắng. Phụ nữ da trắng ở nông thôn cũng là những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ.
Ngoài ra, ông Trump vẫn liên tiếp đưa ra những cáo buộc gian lận với hình thức bỏ phiếu qua thư dù không đưa ra bằng chứng. Chúng đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận cử tri ủng hộ ông Trump, đe dọa thổi bùng các cuộc bạo loạn dân sự khi kết quả cuối cùng có lợi cho người Dân chủ.