Nước Mỹ trên đà trở thành "Đại Chúa Chổm": Dự báo nợ công của Mỹ sẽ lớn gấp đôi GDP vào năm 2051

07/03/2021 11:02 AM | Xã hội

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), khoản nợ công của nước này có nguy cơ tăng gấp đôi, bằng với 202% tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 30 năm tới.

Hình ảnh minh họa: Đồng hồ nợ công của Mỹ năm 2019. Nguồn: Bloomberg/Getty
Hình ảnh minh họa: Đồng hồ nợ công của Mỹ năm 2019. Nguồn: Bloomberg/Getty

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) mới đây cho biết, khoản nợ công của nước này có nguy cơ tăng lên gấp đôi - tương đương 202% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - trong vòng 30 năm tới, làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Văn phòng này dự báo nợ công của Mỹ sẽ tương đương 102% GDP vào cuối năm nay và tăng gần gấp đôi vào năm 2051. Mức nợ cao như vậy có thể làm tăng chi phí đi vay, sản lượng kinh tế chậm lại và tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính.

Dự báo này không tính đến khoản chi tiêu bổ sung mà Quốc hội Mỹ dự kiến ​​sẽ thông qua trong năm nay, bao gồm gói cứu trợ dịch COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden mà đảng Dân chủ hy vọng sẽ thông qua trong vài tuần tới, cùng với đó là dự luật cơ sở hạ tầng tốn kém.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nhất trí phản đối biện pháp kích thích mới nhất, chỉ trích quy mô và phạm vi của đạo luật. Họ trích dẫn mức thâm hụt đang phình to của quốc gia - đạt 3,1 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2020 - như một lý do để tránh chi tiêu bổ sung và họ nói thêm rằng nền kinh tế đã sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

"Khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài khóa có vẻ thấp trong ngắn hạn mặc dù mức độ thâm hụt và tỉ lệ nợ cao hơn do đại dịch," CBO cho biết. "Tuy nhiên, số nợ tăng cao hơn nhiều theo thời gian sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài khóa trong những năm tới."

Thâm hụt ngân sách liên bang, khoảng cách giữa những gì Mỹ chi tiêu và những gì họ thu được từ thuế và các khoản thu khác, dự kiến ​​sẽ đạt 10,3% GDP trong năm nay, mức cao thứ hai kể từ năm 1945. Thâm hụt ngân sách có thể tăng lên 13,3% GDP vào năm 2051, sau khi giảm nhẹ vào năm 2031 do nền kinh tế phục hồi từ cuộc suy thoái sau đại dịch COVID-19.

Theo CBO, nguyên nhân khiến thâm hụt gia tăng là do chi phí trả nợ ngày càng tăng: Chi tiêu ròng cho lãi vay sẽ tăng gấp 3 lần so với GDP trong 2 thập kỷ. Các khoản chi cho các chương trình như an sinh xã hội và y tế Medicare dự kiến ​​sẽ tăng.

"Mức nợ cao sẽ làm chậm tăng trưởng thu nhập và tiền lương, tăng chi trả lãi vay, gây áp lực lên lãi suất, cắt giảm các lựa chọn tài khóa sẵn có để ứng phó với suy thoái hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, tạo gánh nặng quá mức cho các thế hệ tương lai và làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài khóa", theo tuyên bố của Ủy ban về Ngân sách Liên bang có trách nhiệm, một tổ chức phi đảng phái.

Tổ chức này cho biết thêm: "Trong khi các nhà hoạch định chính sách chỉ tập trung vào việc ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, họ không thể và không nên tiếp tục bỏ qua những dự báo về tình trạng tài khóa dài hạn của đất nước"./.

(Theo Fox News)

Thu Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM