Nước Mỹ cần thêm những "người sắt" Elon Musk, bên cạnh Warren Buffett "xây lâu đài ở giữa rồi đào hào xung quanh"
Tỷ phú Warren Buffett là một tượng đài khó thay thế trong lĩnh vực đầu tư và được rất nhiều người ngưỡng mộ khi kiếm được 75 tỷ USD chỉ nhờ tài trí của mình. Nhưng liệu ông có tốt cho nền kinh tế Mỹ?
Huyền thoại đầu tư 87 tuổi này có tầm ảnh hưởng lớn đến ngành tài chính và kinh doanh của Mỹ, và thường theo hướng tích cực. Ông thúc đẩy công ty lựa chọn cổ phiếu, cảnh báo về sự nguy hiểm của chứng khoán phái sinh và dạy công chúng đầu tư dài hạn vào những quỹ chỉ số chi phí thấp.
Tuy nhiên, "chủ nghĩa Buffett" (Buffettism) được tung hô trong hàng nghìn cuốn sách đầu tư cũng có một mặt tối, đó là né tránh cạnh tranh và giảm thiểu đầu tư vốn vào nền kinh tế thực.
Một loạt những nghiên cứu gần đây cho thấy những xu thế này đang ảnh hưởng thế nào đến nước Mỹ. 2 nhà kinh tế Jan de Loecker và Jan Eeckhout công bố lãi doanh nghiệp có một bước nhảy vọt từ 18% năm 1980 lên đến 67% hiện nay. Trong một nghiên cứu của viện Brookings tuần trước, Germán Gutiérrez và Thomas Philippon chỉ ra đầu tư giảm như thế nào so với lợi nhuận. Vị tỷ phú không tạo ra những xu thế này nhưng đây là cốt lõi tạo nên gia tài khổng lồ của ông. Khi tung hô Buffett, người ta cũng đang tung hô việc tăng lợi nhuận và cắt giảm đầu tư.
Phương châm đào hào đuổi đối thủ
Nhà đầu tư huyền thoại thẳng thắn bày tỏ mong muốn giảm thiểu cạnh tranh. "Tôi không muốn một ngành kinh doanh dễ dàng cho đối thủ. Tôi muốn một ngành kinh doanh với hào xung quanh và một lâu đài giá trị ở giữa", ông tuyên bố năm 2007.
Ông dặn những nhà quản lý Berkshire Hathaway mở rộng "hào" hàng năm. Định nghĩa về quản trị kinh doanh của Buffett đã quá rõ ràng: Nếu có những đối thủ hoạt động tốt, chứng tỏ bạn đang làm sai.
Năm 1977 ông chi 32,5 triệu USD mua tờ Buffalo Evening News, cao gấp nhiều lần so với con số 1,7 triệu USD lợi nhuận hoạt động. Sau đó ông ra mắt ấn bản Chủ nhật và buộc đối thủ là tờ Buffalo Courier Express phải dừng hoạt động. Đến năm 1986, tờ báo của Buffett (giờ đổi tên là Buffalo News) chính là đế chế độc quyền trong vùng, thu được 35 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Vào thời điểm đó đây là thương vụ đầu tư riêng lẻ lớn nhất của nhà tiên tri xứ Omaha.
Phương châm của Buffett là xây lâu đài ở giữa rồi đào hào xung quanh
Khái niệm "hào" gắn liền với quan điểm của Buffett về đầu tư vốn: lợi ích của cái thứ nhất là bạn không cần cái sau đó. Một trong những vụ mua lại nổi tiếng nhất của vị tỷ phú là công ty See's Candies với giá 25 triệu USD năm 1972. Mỗi năm Buffett đều tăng giá nhưng thương hiệu này mạnh đến nỗi lợi nhuận vẫn tăng trưởng chóng mặt mặc dù doanh số bán hàng chỉ nhích nhẹ, và gần như không cần đầu tư vốn.
"Vụ kinh doanh lý tưởng là không cần vốn mà vẫn tăng trưởng", ông nói năm ngoái. Phương châm này hoàn toàn đúng đối với một nhà đầu tư nhưng không hề có lợi cho nền kinh tế. Phó chủ tịch Charlie Munger của Berkshire Hathaway từng nói đùa rằng phương pháp quản lý của Buffett là "lấy hết tiền của một công ty và tăng giá lên". Vị tỷ phú rất tài tình trong việc tìm ra những công ty bất thường như vậy và mua với giá rẻ. Tuy nhiên những "môn đệ" của ông lại mang những phương pháp này áp dụng vào nền kinh tế.
Lợi cho cá nhân làm giàu, hại cho nền kinh tế
Hiện nay, Buffett có 2 cách dùng tiền. Thứ nhất, may mắn là cuối cùng ông đã chịu đầu tư vào các tài sản hữu hình (nhưng chỉ ở những ngành được quản lý chặt như điện hay đường sắt để đảm bảo thu được lợi nhuận). Thứ 2, ông đang hợp tác với quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Brazil 3G khi công ty này thẳng tay cắt giảm chi phí và nâng lãi ở chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger King và công ty thực phẩm Kraft Heinz. Kraft hiện đang thu về 23% lãi hoạt động và mức lợi nhuận khổng lồ trên vốn hữu hình.
Trong một thị trường cạnh tranh, đây chính là cơ hội cho các đối thủ đầu tư và giành thị phần. Tuy nhiên đối thủ của Kraft như Unilever Nestlé lại đang chịu áp lực từ nhà đầu tư (các quỹ chỉ số và những nhà hoạt động như Buffett) để tạo ra mức lãi cao như vậy. Và nếu đối thủ giảm chi phí thay vì đầu tư và cạnh tranh, Kraft có thể cắt nhiều hơn. Và thế là một điểm cân bằng kiểu Buffett ra đời.
Nước Mỹ cần thêm những "người sắt" Elon Musk
Buffett đúng là bậc thầy của giới đầu tư trong việc mua những đế chế độc quyền, nhưng ông không sáng lập công ty và đặt cược vào những ý tưởng mới. Một nhân vật cũng lừng danh không kém khi đi theo con đường thứ 2 là Elon Musk.
Ông trùm công nghệ này dấn thân vào 2 lĩnh vực còn rất mới là ô tô và vũ trụ. Tesla là công ty chế tạo ô tô điện nhằm thay thế ô tô chạy xăng truyền thống, một nỗ lực bảo vệ môi trường. Công ty công nghệ vũ trụ SpaceX liên tục đưa vệ tinh vào không gian, lập ra nhiều kỷ lục mới và đạt được nhiều bước tiến trong ngành khoa học không gian. Musk được ví là phiên bản đời thực của Người Sắt (Iron Man), vị siêu anh hùng với mục tiêu giải cứu thế giới vì liên tục đưa ra những ý tưởng để giải quyết các vấn đề mà nhân loại đang gặp phải.
Ngưỡng mộ ai, học tập ai là quyết định của mỗi người nhưng có lẽ nước Mỹ nên tung hô và nền kinh tế cũng cần những nhân vật như Musk.