Nước mắm Lê Gia sau 4 năm lên sóng Shark Tank: Phủ sóng khắp các siêu thị, xuất khẩu nhiều container mắm tôm sang Nhật, Nga, Nam Phi...

02/03/2023 10:36 AM | Kinh doanh

Trong thời gian tới, nhà sáng lập Lê Anh còn dự định mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Nước mắm Lê Gia sau 4 năm lên sóng Shark Tank: Phủ sóng khắp các siêu thị, xuất khẩu nhiều container mắm tôm sang Nhật, Nga, Nam Phi... - Ảnh 1.

Cách đây 7 năm, Lê Anh quyết định nghỉ việc kỹ sư xây dựng ở một công ty Hàn Quốc, thuyết phục vợ bán nhà để khởi nghiệp với mong ước gìn giữ và phục dựng nghề truyền thống cha ông trên quê hương biển Hải Tiến - Thanh Hóa. Thương hiệu Nước mắm Lê Gia cũng ra đời từ đó.

Năm 2018, cặp vợ chồng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, với lời mời đề nghị đầu tư 6 tỷ đồng đổi lấy 11% cổ phần công ty. Founder kiêm CEO Lê Anh giới thiệu, nước mắm Lê Gia được thành lập với mục tiêu xóa bỏ các rào cản và định kiến của nước mắm truyền thống đối với người tiêu dùng như: quá nặng mùi, quá mặn và một số định kiến về vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, Lê Gia còn có bí quyết riêng để tạo ra nước mắm có vị thanh, mùi dịu, màu tươi hổ phách.

Năm 2017, Lê Gia đạt doanh thu là 6,102 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 1,03 tỷ đồng. Thời điểm đó, thương hiệu này tham vọng đến năm 2021 sẽ dẫn đầu về mắm tôm, mắm tép, thị trường tiềm năng này ước tính trị giá 2.000 tỷ đồng.

Dù bị các "cá mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam đánh giá là định giá công ty quá cao, không chính xác nhưng Nước mắm Lê Gia vẫn nhận được lời đề nghị cho đầu tư - cho vay của Shark Phú, Shark Dzung Nguyễn và Shark Hưng. Cuối cùng, vợ chồng Lê Anh đã quyết định "chốt đơn" với Shark Phú và Shark Dzung Nguyễn.

Nước mắm Lê Gia sau 4 năm lên sóng Shark Tank: Phủ sóng khắp các siêu thị, xuất khẩu nhiều container mắm tôm sang Nhật, Nga, Nam Phi... - Ảnh 2.

Vợ chồng sáng lập Nước mắm Lê Gia trên Shark Tank Việt Nam

Hiện tại, sau hơn 4 năm xuất hiện trên sóng truyền hình, Nước mắm Lê Gia đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam. Theo thông tin công bố, hiện thương hiệu này đang có hệ thống nhà phân phối tại khoảng 16 tỉnh/thành trên cả nước, trải dài Bắc - Trung - Nam.

Những chai nước mắm mang thương hiệu Lê Gia còn xuất hiện trên kệ các chuỗi siêu thị lớn nhất hiện nay như Go BigC, WinMart, Aeon Mall, Co.op Mart hay cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, Sói Biển,... Dòng sản phẩm dành riêng cho trẻ em cũng được bán tại Bibo Mart, Con Cưng, Kids Plaza.

Nước mắm Lê Gia sau 4 năm lên sóng Shark Tank: Phủ sóng khắp các siêu thị, xuất khẩu nhiều container mắm tôm sang Nhật, Nga, Nam Phi... - Ảnh 3.

Nước mắm Lê Gia trên kệ Winmart

Riêng sản phẩm mắm tôm của thương hiệu này đang trở thành gia vị không thể thiếu trong món bún đậu mắm tôm, chả cá của các chuỗi nhà hàng tên tuổi tại Hà Nội như chả cá Anh Vũ, chả cá Lã Vọng, chả cá Ngư ông, bún đậu  Phất Lộc, Ngõ Trạm, Thuận Lộc...

Xuất khẩu một sản phẩm đặc thù như mắm tôm không hề dễ dàng, đó là một gia vị không dễ ăn với nhiều người nước ngoài, cũng như cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá sản xuất và chế biến. Trên thực tế, mắm tôm Lê Gia đã chinh phục được một số thị trường quốc tế, có những container xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi, Myanmar, Lào, Panama, Nga và mới đây là Cộng hòa Czech (thuộc Liên minh châu Âu - EU)

Trong đó, để được xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản là một nỗ lực rất nhiều thời gian để chứng tỏ năng lực, hồ sơ giấy tờ và các hệ thống kiểm nghiệm khắt khe. Những sản phẩm lên men tự nhiên (như mắm tôm – nước mắm…) được kiểm soát rất nhiều yếu tố an toàn và yếu tố chất lượng.

Nước mắm Lê Gia sau 4 năm lên sóng Shark Tank: Phủ sóng khắp các siêu thị, xuất khẩu nhiều container mắm tôm sang Nhật, Nga, Nam Phi... - Ảnh 4.

Chia sẻ với báo Người lao động hồi tháng 5/2022, CEO Lê Anh tiết lộ dự định mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, vì mặt hàng này có rất ít người kinh doanh.

"Mắm tôm thường rất nặng mùi nồng và mặn. Chúng tôi đã đầu tư nhà xưởng, kỹ thuật và quy trình sản xuất để cải thiện chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trẻ với mùi thơm dịu và ít mặn hơn. Là sản phẩm truyền thống, chỉ sử dụng muối và tép biển tươi, không sử dụng phụ gia và các chất khác, nên khi đối tác nhận mẫu đi xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ngoài ra, bao bì cũng phải dùng chất liệu được phép dùng cho thực phẩm, nắp đậy tiện dụng cho người dùng… ", CEO Lê Anh nói.

Nước mắm và mắm tôm Lê Gia cũng là sản phẩm duy nhất được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn đề xuất xét duyệt cho sản phẩm 5* OCOP TW. OCOP 5* là sản phẩm chủ lực quốc gia, được xét duyệt khắt khe bởi hồi đồng các bộ ngành, là minh chứng cho chất lượng và tính tác động xã hội của sản phẩm. Trong tổng số gần 5.000 sản phẩm OCOP được xếp hạng vào năm 2021, chỉ 20 sản phẩm được chọn để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm OCOP 5*.  Mắm tôm Lê Gia cũng có góp mặt trong danh sách này, sánh vai cùng các thương hiệu lớn như Sản phẩm Trà xanh Bà Cụ hộp 100gr, gạo ST 24, Ngọc Trai Hạ Long. Hình ảnh khách du lịch đến tham quan xưởng Nước mắm Lê Gia thậm chí được đưa vào tài liệu giáo dục của tỉnh Thanh Hóa.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM