Nước Đức và cơn khát vàng mạnh nhất 1 thập kỷ

11/10/2017 09:06 AM | Kinh tế vĩ mô

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 thị trường vàng hàng đầu thế giới nhưng xét đến lượng vàng mua bình quân đầu người, Đức mới là số 1.

Trong 10 năm qua, thị trường vàng tại Đức đã bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Những cuộc khủng hoảng và chính sách nới lỏng tiền tệ đã thúc đẩy các nhà đầu tư Đức đổ vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Hơn nữa, những loại hình dịch vụ đầu tư mới trên thị trường vàng khiến người Đức dễ đổ tiền vào kênh này hơn.

Riêng trong năm 2016, hơn 6 tỷ Euro đã được người Đức rót vào thị trường vàng và những khảo sát cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường này còn rất lớn.

Sự vươn mình mạnh mẽ

Thị trường vàng tại Đức đã có nhiều biến động trong suốt 10 năm qua. Trước năm 2008, thị trường vàng vẫn còn khá nhỏ ở Đức với các sản phẩm vàng thỏi và xu là chủ yếu. Dẫu vậy, nhu cầu với những loại vàng này cũng khá thấp. Nhu cầu bình quân vàng thỏi và xu tại Đức trong khoảng 1995-2007 chỉ vào khoảng 17 tấn và thậm chí một số năm người bán nhiều hơn cả người mua.

Nước Đức và cơn khát vàng mạnh nhất 1 thập kỷ - Ảnh 1.

Nhu cầu dầu tư vàng tăng mạnh tại Đức (tấn)

Đầu thập niên 2000, một số ngân hàng rút lui khỏi kênh đầu tư này trong khi những sàn giao dịch vàng vẫn chưa được thịnh hành. Trước năm 2007, không có một sàn vàng giao dịch chính thức nào ở Đức.

Dẫu vậy, thị trường vàng ở Đức bất ngờ bùng nổ mạnh mẽ khi trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới vào năm 2009. Nhu cầu vàng thỏi và xu tại Đức tăng gấp 4 lần từ 36 tấn năm 2007 lên 134 tấn năm 2009. Những sàn giao dịch vàng tại Đức cũng tăng chóng mặt khi số lượng vàng được giao dịch theo kiểu này tăng từ 0 tấn năm 2007 lên 36 tấn năm 2009 và vẫn tiếp tục đi lên những năm sau đó.

Kể từ đó, thị trường vàng Đức bùng nổ không phanh. Năm 2016, nhà đầu tư đã đổ 6,8 tỷ Euro vào vàng và hàng năm nước này sản xuất tới hơn 100 tấn vàng thỏi và xu. Lượng vàng giao dịch qua các sàn cũng tăng mạnh lên mức kỷ lục 252,1 tấn vào quý III/2017, tương đương tổng giá trị 9,8 tỷ Euro.

Hệ quả từ những cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến nhà đầu tư lớn quan tâm tới vàng nhiều chưa từng thấy. Trong khi cả thế giới dõi theo vụ sụp đổ của tổ chức tài chính Lehman Brothers thì người Đức lại lo lắng đến hệ thống ngân hàng của họ. Những vụ việc tiền mất giá hay đổi tiền đầy biến động trong quá khứ với đồng Mác Đức đã khiến người dân nước này mất niềm tin nghiêm trọng với ngân hàng.

Trong suốt 100 năm qua, người Đức đã đổi tới 8 loại đồng tiền và ký ức của cuộc khủng hoảng với siêu lạm phát thập niên 1920 vẫn còn chưa phai mờ.

Nước Đức và cơn khát vàng mạnh nhất 1 thập kỷ - Ảnh 2.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng 2008, chính phủ Châu Âu đã quyết định đảm bảo tài khoản tiền gửi của người dân, nghĩa là ngân sách bằng tiền thuế của mọi người sẽ được dùng để cứu trợ các ngân hàng cũng như đảm bảo khoản tiền gửi của người dân không bị mất.

Tuy nhiên, chính điều này lại khiến những người gửi tiền lo sợ hơn và đổ vào thị trường vàng.

Thêm vào đó, việc hàng loạt những nước như Hy Lạp, Ireland, đảo Síp gặp khủng hoảng nợ công cần sự cứu trợ của Liên minh Châu Âu (EU) đã tạo nên áp lực rất lớn đối với nhà đầu tư Đức. Ngoài ra, chính sách nới lỏng tiền tệ cùng chương trình nới lỏng định lượng (QE) đã buộc các ngân hàng phải hạ xuống mức lãi suất âm, thậm chí bắt khách hàng trả thêm phí nếu muốn gửi tiền.

Chính điều này đã đẩy hàng loạt nhà đầu tư cũng như người dân vào các kênh tài sản đảm bảo khác như vàng.

Ngày càng dễ mua vàng

Trong những năm gần đây, nhà đầu tư cá nhân Đức có thể dễ dàng đổ tiền vào thị trường vàng thông qua hàng loạt những dịch vụ mới của các công ty. Trước đây thị trường vàng vốn là sân chơi của các ngân hàng ở Đức, cả bán buôn lẫn bán lẻ, nhưng kể từ khi một số ngân hàng rút khỏi thị trường này vào đầu thập niên 200 thì các công ty tư nhân đã nhanh chân thế chỗ.

Hiện nay, Đức có khoảng 100-150 công ty tư nhân nhận giao dịch đầu tư bằng vàng và rất nhiều trong số đó sử dụng phương thức đầu tư trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí văn phòng và nhân công. Những thống kê mới nhất cho thấy nhà đầu tư Đức có thể chọn đến 200 sản phẩm đầu tư trực tuyến khác nhau trên mạng hiện nay để tham gia thị trường vàng.

Bên cạnh đó, yếu tố đảm bảo cho phép nhà đầu tư vàng rút vàng bất kỳ lúc nào khiến họ tin tưởng vào khoản đầu tư của mình hơn là gửi tiền ở ngân hàng.

Vượt Trung Quốc và Ấn Độ

Một cuộc khảo sát của Kantar TNS năm 2016 cho thấy 59% nhà đầu tư được hỏi cho rằng vàng sẽ không mất giá trong dài hạn. Khoảng 48% số người được hỏi cho biết họ an tâm hơn khi năm giữ vàng và 42% nói rằng họ tin vào vàng hơn cả đồng tiền lưu hành hiện tại.

Khi được hỏi lý do đầu tư vào vàng, có 57% cho biết là để đảm bảo an toàn cho tài sản trong khi chỉ 28% là muốn đầu cơ lợi nhuận.

Nước Đức và cơn khát vàng mạnh nhất 1 thập kỷ - Ảnh 3.

Nhu cầu vàng bình quân đầu người (gr/người)

Chính quan điểm này đã khiến người Đức mua vàng nhiều chứ từng có. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 thị trường vàng hàng đầu thế giới nhưng xét đến lượng vàng mua bình quân đầu người, Đức mới là số 1.

Cách đây 15 năm, vàng vẫn là kênh đầu tư xa xỉ tại Đức với các nhà đầu tư trung tuổi nhà giàu thì giờ đây moi chuyện đã khác. Nghiên cứu của Hội đồng vàng (WGC) cho thấy đây là kênh đầu tư phổ biến thứ 3 trong tầng lớp người thu nhập thấp tại Đức.

Nước Đức và cơn khát vàng mạnh nhất 1 thập kỷ - Ảnh 4.

Vàng là kênh đầu tư phổ biến thứ 3 trong giới thu nhập thấp tại Đức

Thời thế thay đổi

Nếu trước đây, những cuộc khủng hoảng và đổi tiền khiến người dân đổ xô vào vàng thì với tình hình kinh tế tốt như hiện nay, thị trường vàng đã nghiễm nhiên trở thành một kênh đầu tư tiết kiệm tài sản phổ biến hơn ngân hàng.

Tính đến tháng 8/2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức giảm xuống 5,6%, mức thấp nhất kể từ khi thống nhất 2 miền Đông Tây vào năm 1990. Tỷ lệ tăng lương của Đức từ đầu năm đến nay đạt 4,4% trong khi niềm tin hộ gia đình Đức vào nền kinh tế lên mức cao nhất trong 1 năm qua.

Nước Đức và cơn khát vàng mạnh nhất 1 thập kỷ - Ảnh 5.

Người Đức lạc quan về kinh tế

Dẫu vậy, người Đức vẫn say mê với vàng mà không chuyển bớt sang những kênh đầu tư mạo hiểm khác, hoặc tăng gửi tiền vào ngân hàng.

Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy 25% số người mua vàng năm 2016 là do quan điểm đầu tư của họ trong khi 23% là do kế hoạch nghỉ hưu. Bơi vậy có thể thấy đầu tư vàng không còn mang tính chất nhất thời đảm bảo an toàn mà đã dần trở thành một kênh đầu tư mới của người Đức.

Khảo sát của Kantar TNS cho thấy nhu cầu vàng tại Đức sẽ còn tăng trưởng mạnh và tiềm năng phát triển cho vàng thỏi, vàng xu cũng như các dịch vụ đầu tư vàng tại Đức là rất lớn.

AB

Cùng chuyên mục
XEM