Trong vòng nhiều năm liền, Huawei là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ của Trung Quốc. Bất chấp tất cả những áp đặt từ cả chính quyền Obama cho đến chính quyền Trump, Huawei vẫn cứ vươn lên vũ bão, ghi tên mình vào top 3 thế giới trong năm 2012 – tức là khi chiếc "modern smartphone" mới chỉ 5 năm tuổi đời. Năm 2018, Huawei đã chính thức giành vị trí số 2 của Apple.
Kẻ cuối cùng còn lại để lật đổ dĩ nhiên là Samsung: theo tuyên bố được gã khổng lồ Trung Quốc đưa ra, đến 2020 vị trí số 1 thế giới sẽ thuộc về Huawei. Và đó rất có thể là sự thực, nếu như tổng thống Mỹ không giáng cho Hoa Vỹ một cú đấm đau tận xương tủy: ngày 15/5, ông Trump ký sắc lệnh yêu cầu các công ty Mỹ phải ngừng hợp tác với "các thế lực thù địch nước ngoài". Google, Qualcomm, Intel và Microsoft vội vã tuân theo. Bên ngoài nước Mỹ, các công ty như ARM (Anh) và Tokyo Research cũng phải nghe lệnh do có sở hữu các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ.
Mất quyền hợp tác với Google, Huawei coi như chấm dứt khả năng bành trướng ra ngoài Trung Quốc: chẳng có người dùng quốc tế nào lại sẵn sàng một trải nghiệm Android vắng bóng Gmail, YouTube, Search hay Maps cả. Các lệnh cấm dành cho Qualcomm, Intel hay ARM càng khiến Huawei điêu đứng, bởi không còn quyền sử dụng tài sản trí tuệ của các hãng này, Huawei cũng chẳng thể tiếp tục phát triển (và bán) chip Kirin nữa.
Hơn 1 tháng sau, ông Trump hé cho Huawei một tia hy vọng nhỏ: các công ty Mỹ được quyền bán cho Huawei. Những tưởng căng thẳng sẽ hạ nhiệt, song gần như ngay lập tức chính quyền Mỹ đã lên tiếng đính rằng Huawei chỉ được mua từ Mỹ các loại hàng hóa... có thể mua từ các nước khác. Gã khổng lồ số 1 Trung Quốc vẫn đang nằm trong danh sách đen của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, và chừng nào còn chưa thoát khỏi danh sách đó, giấc mơ đánh bại Samsung vẫn cứ chỉ là một giấc mơ mà thôi.
Có thể nói rằng trong khoảng... 6 thương hiệu của gã khổng lồ BKK Electronics (Trung Quốc), OPPO là thương hiệu thành công nhất, đáng giá nhất. Trong vòng nhiều năm liền, chỉ riêng mình OPPO đã có thể tự mình lọt vào top 5 toàn cầu mà không cần tới sự trợ giúp của những người anh em như OnePlus hay Vivo.
Nhưng hành trình lọt top của OPPO thực sự đáng quên, bởi rất nhiều năm OPPO cũng chỉ biết copy Apple mà thôi. Nhắc đến OPPO đã luôn là nhắc đến các sản phẩm làng nhàng từ tầm thấp đến tầm trung, không có nổi một nét riêng, không thể tranh đấu chiếm lấy trái tim của những người khó tính.
Để xóa bỏ ấn tượng ấy, OPPO âm thầm thay đổi. Những chiếc smartphone tai thỏ học hỏi từ Apple lần lượt chìm vào dĩ vãng, nguyên cả dòng F đầy thành công bị khai tử. Thương hiệu Find cao cấp được hồi sinh với thiết kế "màn hình thò thụt", đưa OPPO lọt top dẫn đầu cuộc đua toàn màn hình.
Đến đầu năm 2019, hành trình lột xác của OPPO hoàn tất cùng Reno. Mang khát vọng "tái thiết" công ty, Reno sở hữu bộ camera "vây cá mập" ấn tượng, bộ camera zoom quang học 5X, màn hình tràn 4 cạnh và cảm biến vân tay đặt dưới màn. Trên góc độ thiết kế, OPPO Reno là sản phẩm đánh dấu cho phong cách "đường chỉ lưng" chưa từng thấy trên một dòng sản phẩm nào khác. Về góc độ sức mạnh, Reno có Snapdragon 855, phá bỏ hoàn toàn ấn tượng về những chiếc OPPO gần như chẳng bao giờ được mang chip đầu bảng trong quá khứ.
Chưa dừng lại ở đây, OPPO còn vừa ra mắt nguyên mẫu smartphone có camera đặt dưới tấm màn. Chi phí R&D được các nhà lãnh đạo khoe khoang sẽ đạt đến con số hàng tỷ USD trong năm nay. OPPO đã thay đổi, OPPO thực sự muốn thay đổi để vươn lên ngồi chiếu trên cùng Apple và Samsung.
Với Samsung, sự trỗi dậy của các hãng Trung Quốc trong nhiều năm qua vừa đáng buồn, vừa... đáng vui. Đáng buồn là bởi vị thế của Samsung đã liên tiếp bị ảnh hưởng, doanh số hiếm khi nhận được những tin tức đáng mừng, thậm chí còn "bốc hơi" khỏi Trung Quốc. Đáng vui là bởi, các hãng Trung Quốc càng bán được nhiều smartphone thì Samsung càng bán được nhiều tấm màn, chip, RAM, bộ nhớ, cảm biến camera. Với 40 năm xây dựng vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, Samsung đã biến mình thành công xưởng đằng sau cuộc cách mạng di động.
Nhưng đến quý 1/2019, lợi nhuận của Samsung bốc hơi 60%. Thị trường smartphone đã bão hòa, kéo theo đó là những con số lợi nhuận khủng được gã khổng lồ Hàn Quốc gửi gắm vào silicon.
Không còn cách nào khác, Samsung trở lại tập trung vào cuộc chiến smartphone. Không còn một chút nhân nhượng nào dành cho các đối thủ/đối tác Trung Quốc, ở phân khúc cao cấp, một dòng Galaxy S hoàn toàn mới (S10e) được vén màn để đón đầu người dùng đang cân nhắc đến các mẫu đầu bảng của Huawei hay OPPO. Trên khung giá tầm thấp, dòng M mới ra đời một cách đầy choáng ngợp để thay thế cho dòng J. Với "cú sốc" Galaxy M20, Samsung đã lần đầu khiến các đối thủ Trung Quốc phải dè chừng cả về tính năng (màn Infinity V, camera góc rộng) lẫn cấu hình (vi xử lý 8 nhân).
Dòng A cũ cũng được thay đổi cơ chế đặt tên khi A5, A6, A8 và A9 kéo nhau vào dĩ vãng, thay vào đó là A30, A40, A50, A60 và A80. Tất cả các mẫu Galaxy A đều được trang bị màn hình AMOLED để nâng tiêu chuẩn hiển thị tầm trung lên một tầm cao mới. Các tính năng vượt mặt cả Galaxy S và Note như bộ 3 camera hay cảm biến dưới màn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt, Galaxy A80 cho thấy tiềm năng sáng tạo của Samsung bằng cơ chế camera "nhào lộn" độc đáo chưa từng có.
Trả lời phỏng vấn báo chí, CEO Samsung khẳng định A80 không chỉ là một sản phẩm mới mà còn là đại diện cho tinh thần Samsung mới: phá vỡ giới hạn an toàn bằng thiết kế có thể nói là "dị" nhất thế giới di động cho đến thời điểm này. Sau nhiều năm nhân nhượng, nhà vua đã trở lại, và ông sẽ quyết tâm bóp nghẹt tất cả các đối thủ cạnh tranh.
Không phải vô cớ mà giá cổ phiếu Xiaomi vẫn cứ lao dốc kể từ ngày lên sàn: không ai tin vào tương lai trở thành "công ty Internet" của Lei Jun cả. Xiaomi vẫn cứ bán smartphone phá giá, vẫn cứ hô hào về dịch vụ, còn các nhà đầu tư vẫn cứ coi Xiaomi là công ty smartphone. Đi qua 1 năm, Xiaomi đan xen lỗ và lãi – thậm chí, nếu không được trừ nợ do giá cổ phiếu suy giảm, Xiaomi năm qua đã phải nhiều lần ghi nhận lỗ hàng tỷ đô.
Ấy thế mà cuối cùng Xiaomi vẫn đúng. Quý 1 vừa qua, công ty này ghi nhận lợi nhuận hoạt động ở mức 500 triệu USD và lãi ròng ở mức 300 triệu USD. Không cần phải thực hiện bất cứ chiêu trò nào, Xiaomi đã có lãi thực sự.
Điều gì làm nên phép màu này? Thứ nhất, Xiaomi đã thực hiện cải tổ thành công khi tách Mi và Redmi ra hoạt động độc lập, cũng như ra mắt thêm thương hiệu Pocophone để tập trung vào tầm nhìn "cấu hình cao giá hời". Giá bán trung bình của smartphone Xiaomi nhờ đó tăng lên, hình ảnh giá rẻ (và copy Apple) càng ngày càng bị xóa nhòa. Thứ hai, mảng thiết bị Internet of Things cũng đang khởi sắc: hết quý 1/2019, số thiết bị kết nối của Xiaomi trên toàn cầu đã chạm tới con số 171 triệu đơn vị. Trong số này, TV thông minh đặc biệt nổi bật với doanh số 26 triệu máy, cho phép Xiaomi lọt top tại Trung Quốc.
Cuối cùng, Xiaomi quả thực là đang chuyển mình thành công ty Internet khi tổng số người dùng đã chạm đến mức 260 triệu. Vẫn còn đó những mối đe dọa mới (Huawei hay hiện tượng smartphone suy giảm) nhưng ít nhất Mi fan giờ đã có thể thở phào nhẹ nhõm: cơn "bĩ cực" đã qua, Xiaomi có quyền nghĩ về lợi nhuận.
Ít người còn nhớ được rằng Sony đã từng là một trong những tên tuổi đáng chú ý đầu tiên của thế giới Android. Thế rồi, bởi lười thay đổi (tái sử dụng thiết kế OmniBalance đến… 5 đời đầu bảng), bởi chính sách sản phẩm rối loạn (nửa năm ra mắt đầu bảng một lần) và bởi không đầu tư vào camera đúng mực, Xperia cứ thế lụi bại dần.
Sang tới năm 2019, Sony chỉ còn 1 lựa chọn: hoặc buông bỏ smartphone hoặc trở lại mạnh mẽ, chứng minh cho cả thế giới rằng Sony vẫn còn có khả năng tạo ra những chiếc điện thoại ấn tượng.
Người Nhật chọn con đường thứ 2, và kết quả họ tạo ra là Xperia 1. Đây là mẫu smartphone mang tỷ lệ màn hình 21:9 đầu tiên trên thế giới, và cũng là mẫu đầu bảng duy nhất được sở hữu Bravia Engine hay màn hình do chính bộ phận CineAlta (camera chuyên nghiệp) cân chỉnh. Đây là mẫu smartphone "Hi Res" thực thụ với âm thanh Dolby Atmos và cả âm thanh Bluetooth cao cấp qua giao thức LDAC. Từng bị chính bộ phận Alpha kìm kẹp, Xperia 1 nay lại sở hữu bộ xử lý hình ảnh BIONZ X, cơ chế lấy nét Eye AF trên bộ 3 camera và khả năng zoom quang học 2X.
Lần đầu tiên trong nhiều năm, Sony đã tạo ra một chiếc smartphone "nghiêm túc" – một chiếc smartphone tập trung tất cả những gì gắn bó với tên tuổi Sony. Những ngày cuối tháng 6, tin đồn về chiếc Xperia tiếp theo với 6 camera lại bùng lên, người hâm mộ lại được quyền hy vọng về một kiệt tác "nhiếp ảnh smartphone". Và như thế là quá đủ để các fan Sony được quyền hy vọng vào một sự hồi sinh kỳ diệu dành cho gã khổng lồ vốn đầy tiềm năng nhưng lại chưa bao giờ thuyết phục được người dùng.
Thực tế, Apple đã hô hào trở thành công ty dịch vụ suốt cả năm 2018. Càng ngày, doanh số dịch vụ càng gia tăng – con số tăng trưởng 16% trong quý 1 thậm chí đã giúp nhà Táo trở lại thành công ty tỷ đô trong tháng 3 vừa qua, bất chấp iPhone càng ngày càng suy giảm.
Nhưng đáng buồn rằng khâu dịch chuyển này cũng đã khiến iPhone càng ngày càng lu mờ. Theo các hình ảnh rò rỉ, iPhone 2019 gần như không mang thay đổi đáng kể nào so với 2 thế hệ iPhone trước, ngoại trừ cụm 3 camera đặc biệt… xấu xí phía sau lưng. Nếu các bức ảnh này là chính xác (và gần như chắc chắn chúng là chính xác), Apple đã nâng chu kỳ "sáng tạo hoàn toàn" từ 2 năm lên 3 năm. Mỗi năm, những sáng tạo mới mẻ mà iFan được đón nhận sẽ ngày một ít ỏi hơn…
…chỉ vì Táo muốn trở thành công ty dịch vụ.
Trí Thức Trẻ