Nữ võ sĩ Judo phải mổ khớp gối sau SEA Games 31: Giấc mơ Huy chương Vàng đành gác lại
Võ sĩ Trần Lê Phương Nga vừa phải nhập viện để khâu sụn chêm, hy vọng kịp trở lại kỳ SEA Games 32 sau khi gặp chấn thương trên sàn thi đấu.
Ở những phút cuối cùng của nội dung Katame No Kata nữ diễn ra vào ngày 18/5 tại SEA Games 31, Trần Lê Phương Nga khuỵu chân đau đớn, mất thăng bằng, khớp gối trái kẹt cứng một góc 90 độ.
Cô được các nhân viên y tế dùng cáng khiêng vào trong để kiểm tra tình trạng chấn thương và không thể tiếp tục thi đấu. Dù điểm trình diễn rất cao, Phương Nga không thể thi đấu tiếp để giành Huy chương Vàng và dừng lại với thành tích Huy chương Đồng trên sân nhà.
Mất 7 tháng khổ luyện, cô đành bỏ dở giấc mơ và mong sẽ kịp điều trị để quay trở lại sàn đấu của SEA Games 32 tại Campuchia.
Quay về TP HCM, Phương Nga nhập viện với hy vọng sẽ sớm quay trở lại luyện tập cường độ cao với Judo sau vài tháng nữa.
Qua thăm khám lâm sàng và hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) khớp gối, TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chẩn đoán nữ võ sĩ bị rách sừng trước sụn chêm ngoài.
Bác sĩ cho biết thêm ngoài chấn thương sụn chêm, cô cũng tổn thương bề mặt sụn khớp vùng mâm chày. Các điểm rách bề mặt sụn tạo ra các vạt tự do có thể làm kẹt khớp. Người bệnh vẫn có thể đi lại bình thường, nhưng thỉnh thoảng các vạt này kẹt vào trong khớp gây đau nhói và rất dễ ngã. Điều may mắn với Phương Nga là các dây chằng của cô vẫn khỏe mạnh và đảm bảo cho cô thi đấu tốt trong tương lai.
Theo TS.BS Nam Anh, sụn chêm nằm giữa hai lồi cầu và mâm chày, có vai trò giảm xóc, điều hòa lực truyền từ xương đùi xuống xương chày, giúp khớp gối vững chắc, tạo sự tương hợp giữa hai mặt tiếp xúc… Trung bình, sụn chêm dày khoảng 3-5mm. Đối tượng có nguy cơ bị rách sụn chêm thường là vận động viên thường xuyên thi đấu cường độ cao, người lớn tuổi, người bị tai nạn giao thông… Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, sụn chêm bị rách có thể gây kẹt khớp, teo cơ tứ đầu đùi, mất vững khớp gối, tổn thương các bộ phận khác như dây chằng chéo hay tủy xương…
Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết thêm với các vận động viên thành tích cao như Phương Nga, mục tiêu điều trị chấn thương là giải quyết triệu chứng, nhưng quan trọng hơn là bảo tồn được cấu trúc khớp gối tự nhiên.
Các nghiên cứu cho thấy nếu cắt bỏ sụn chêm, người bệnh có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối sau 5 năm. Do đó, bác sĩ y học thể thao rất hạn chế cắt bỏ sụn chêm và ưu tiên khâu sụn chêm với các trường hợp rách dọc, rách mới, vùng rách nằm ở ⅓ ngoài sát bao khớp nơi có nguồn cấp máu dồi dào, giúp vết thương nhanh lành.
Đây là yếu tố quyết định về khả năng phục hồi chức năng sau phẫu thuật, giúp vận động viên và cầu thủ chuyên nghiệp có thể nhanh trở lại với phong độ đỉnh cao ban đầu… Thực tế cho thấy ở Việt Nam, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp cắt bỏ sụn chêm bị rách quá nhiều dẫn tới việc gặp khó khăn trong việc lấy lại phong độ trên sân cỏ. Tuy nhiên, việc khâu bảo tồn sụn chêm cần thực hiện trước 6 tuần sau chấn thương, vì muộn hơn vị trí tổn thương đã xơ hóa, cơ hội phục hồi sẽ bị giảm.
Phương Nga được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu sụn chêm. Ảnh: BVCC.
Ca phẫu thuật của Phương Nga diễn ra chỉ trong vòng 30 phút. Trong suốt ca mổ, cô hoàn toàn tỉnh táo nghe bác sĩ trao đổi và phân tích. Từ ngày thứ hai sau mổ, Phương Nga đã có thể đi lại bằng nạng, gập chân sâu và duỗi ra hết biên độ. Trong thời gian chờ sụn chêm lành khoảng 3 tháng, cô có thể tập vật lý trị liệu tích cực để khớp gối được khỏe mạnh hoàn toàn.
"Trước ca mổ tôi khá hồi hộp vì không dám chắc điều gì đã xảy ra bên trong đầu gối của mình, chỉ biết đã rất đau đớn khi tai nạn xảy ra. Cuộc phẫu thuật diễn ra quá nhanh chóng. Kết quả phẫu thuật làm tôi tràn trề hy vọng hồi phục sớm, để tham gia nhiều giải đấu quan trọng trong năm và chuẩn bị cho SEA Games 32", VĐV Phương Nga chia sẻ.
Sau phẫu thuật Phương Nga tràn trề hy vọng hồi phục sớm. Ảnh: BVCC.
Khuyến cáo rách sụn chêm
Để dự phòng rách sụn chêm khớp gối, các chuyên gia Y học thể thao khuyến cáo mọi người tập luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho khớp gối, giữ tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt tránh xoay khớp gối đột ngột. Nếu có tổn thương sụn chêm, bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định điều trị để nhanh phục hồi và tránh tái phát chấn thương.