Nữ tướng Vincom Retail xúc động khi cổ đông đề cập chuyện đổi tên
Sáng 23/4, Công ty cổ phần Vincom Retail đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra sau khi Tập đoàn Vingroup thông báo thoái vốn tại Vincom Retail thông qua chuyển nhượng 55% vốn trong công ty SDI, và giảm tỷ lệ sở hữu tại Vincom Retail xuống còn 18,4%.
Tại đại hội, một cổ đông đã đặt câu hỏi về việc liệu sau này Vincom Retail có đổi tên hay không? Có bỏ yếu tố "Vin" ra khỏi tên hay không?
Trước câu hỏi này, bà Trần Mai Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT Vincom Retail nhiều lần nhắc đến hai từ "cảm xúc":
"Nói về cảm xúc thì thương hiệu Vincom là thương hiệu trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt làm cho các khách hàng Việt Nam.
Vincom Retail cũng đã gắn bó và tồn tại với các trung tâm thương mại, với người dân, đặc biệt là những người dân Hà Nội 20 năm rồi. Cái tên này cũng là niềm tự hào, cũng là cái khổ tận cam lai để chúng ta có được hệ thống trung tâm thương mại như hôm nay.
Đây là tôi chia sẻ dưới góc độ vừa là người điều hành, vừa là một khách hàng của Vincom Retail. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều khách hàng của Vincom Retail có được những cảm xúc này, cảm xúc về một thương hiệu kể từ khi Vincom Bà Triệu mở cửa khai trương 20 năm trước đây và năm nay cũng là năm mà Vincom Retail tròn 20 tuổi.
20 năm cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, trong quá trình chúng tôi phát triển, vận hành trung tâm thương mại. Khó khăn cũng rất nhiều. Thành công có thể mọi người sẽ nhìn thấy từ bên ngoài, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, bài học phải trả trong quá trình chúng tôi điều hành.
Thương hiệu Vincom có giữ được chữ Vin nữa hay không? Đây là trao đổi và thỏa thuận sau này trong Hội đồng quản trị và các thành viên, do vậy nếu như có bất kỳ sự thay đổi nào chúng tôi sẽ có thông tin chia sẻ với các quý vị biết", bà Mai Hoa chia sẻ.
Còn nhớ, dấu ấn đầu tiên và đậm nét nhất của Vingroup tại Việt Nam chính là là 3 tòa tháp Vincom Tower đặt trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Thời điểm đầu những năm 2000, Hà Nội không có một trung tâm thương mại nào có thể kết hợp hoàn hảo giữa hoạt động mua sắm và các dịch vụ vui chơi, giải trí và ẩm thực chất lượng cao như Trung tâm thương mại Vincom.
Không những vậy, nơi đây còn là khu văn phòng với rất nhiều tiện ích. Việc phối kết hợp giữa 6 tầng phía dưới là một trung tâm thương mại lớn, đa dạng chủng loại mặt hàng, có khu ẩm thực và giải trí, cùng với 15 tầng phía trên là khu văn phòng cao cấp đã mang lại tiện ích tối đa cho cả hai khối của 3 khu tháp.
Ngoài ra, không thể bỏ qua cụm rạp chiếu phim Megastar (nay đã trở thành CGV). Đây được xem là cụm rạp chiếu phim hiện đại nhất lúc bấy giờ với 8 phòng chiếu đa năng tiêu chuẩn Quốc tế. Cụm rạp chiếu phim có tác dụng cộng hưởng và hỗ trợ cho khu trung tâm thương mại, văn phòng, tạo cho Vincom một vị thế cạnh tranh vững vàng tại Hà Nội mà các tòa nhà khác vài năm sau đó cũng chưa thể bắt kịp.
Từ thành công của Vincom Tower Bà Triệu, Tập đoàn Vingroup đã nhân rộng mô hình và phát triển thêm những hình thức mới. Sau 20 năm, mô hình đã nhân rộng và phát triển với tổng cộng 83 trung tâm thương mại trên cả nước và dự kiến nâng con số này lên 89 sau khi kết thúc năm 2024.
Bổ sung thêm cho câu trả lời của bà Mai Hoa, bà Phạm Thị Thu Hiền, người vừa quay lại đảm nhận vị trí CEO ngày hôm qua - chỉ 1 ngày ngay trước Đại hội, cho biết: "Vincom Retail đến hiện tại không có ý định đổi tên, bởi đối với người tiêu dùng, Vincom Retail là thương hiệu có giá trị rất cao".
Nói về các cổ đông mới, lãnh đạo Vincom Retail cho biết, các cổ đông mới tuy không có kinh nghiệm làm trung tâm thương mại nhưng lại có kinh nghiệm về bán lẻ, và đã có những mô hình bán lẻ thành công. Các nhà bán lẻ là một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho các trung tâm thương mại. Vincom Retail cho rằng các cổ đông mới có thể chia sẻ các kinh nghiệm về bán lẻ, bên cạnh đó là các kinh nghiệm về quản trị, điều hành.