Nữ tử chưa lập gia đình thời nhà Thanh có địa vị ngang trưởng bối: Giáo sư sử học đưa câu trả lời bất ngờ
Những nữ tử chưa kết hôn thời nhà Thanh không cần quỳ lạy cha mẹ và bậc trưởng bối, thậm chí còn được ngồi ăn cùng bàn.
Người Trung Quốc thời nhà Thanh có câu: "Nữ tử chưa chồng không cần phải quỳ gối trước bất kỳ ai". Ý nghĩa của câu nói này là những nữ tử thời nhà Thanh trước khi tham gia vào kỳ tuyển tú trong hoàng cung thì không cần phải quỳ gối trước cha mẹ hay bậc trưởng bối.
Theo trang China Times, điều này không được lập thành quy định, cũng không được ghi chép trong sử sách nhưng người dân và các quan lại thời nhà Thanh đặc biệt chú trọng đến các nữ tử chưa lập gia thất. Để tham gia vào kỳ tuyển tú và có cơ hội trở thành phi tần của hoàng đế, các nữ tử này thường là tiểu thư con nhà quý tộc.
Giáo sư Mao Lập Bình – một nhà sử học Trung Quốc cho biết, các chuyên gia không tìm thấy quy định nào trong chính sử về việc phụ nữ người Mãn Thanh chưa thành thân không phải quỳ lạy trưởng bối. Tuy nhiên, theo dã sử Trung Quốc cũng như những lời truyền miệng trong dân gian, nữ tử thời nhà Thanh chưa lập gia đình quả thực rất được coi trọng.
Vị giáo sư này đưa ra 2 bằng chứng chứng minh việc người phụ nữ thời nhà Thanh chưa kết hôn có địa vị ngang hàng với các vị trưởng bối.
Thứ nhất, trong cuốn "Thanh bại loại sao" do Từ Kha - một học giả cuối thời nhà Thanh biên soạn có đề cập rằng "tiểu cô chi tại gia đình, tuy kì phụ mẫu huynh tẩu, diệc giai tôn xưng chi vi cô nãi nãi", ý chỉ nếu trong nhà có con gái lớn chưa lập gia đình, bố mẹ, anh chị em đều kính trọng gọi một tiếng cô, tục gọi con gái chưa chồng là cô. Ngoài ra, những người nữ này cũng được tự do đi lại ra vào những nơi như trà viên hay hí viên.
Thứ hai, trong "Hồng Lâu Mộng" từng có nhiều trích đoạn miêu tả về những nữ tử chưa kết hôn này. Chẳng hạn như, trong các bữa tiệc gia đình, ba chị em Cổ Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân cũng như Tiết Bảo Thoa, Lâm Đại Ngọc và những người khác có thể ngồi ăn cùng người lớn tuổi. Tuy nhiên, những người phụ nữ đã lập gia thất như Vương Hy Phượng hay Lý Hoàn lại khác. Điều này phần nào phản ánh về địa vị gia đình của những nữ tử chưa có hôn phối.
Ngoài ra, Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh từng giải thích về quan niệm kỳ lạ này của người dân thời đó. Ông đã viết trong cuốn "Nửa đời đầu của tôi" rằng: "Người ta nói rằng các cô nương người Mãn Thanh chưa có hôn phối được người nhà kính trọng, có thể làm chủ trong gia đình vì những cô nương này đều có cơ hội được tham gia tuyển tú, có cơ hội thượng vị thành phi tần của hoàng đế. Một nữ tử trở thành phi tần liền có ảnh hưởng đến địa vị của gia đình".
Từ những lý do này, chúng ta có thể hiểu vì sao các nữ tử thời nhà Thanh trước khi kết hôn lại được coi trọng và có địa vị cao như vậy.
*Nguồn: Sohu