Nữ sinh nghi ném con khi cháu bé vẫn còn phản ứng sống sẽ đối diện mức án nào?
Kết luận pháp y của cơ quan chức năng xác định, cháu bé bị ném ở chung cư Linh Đàm tử vong do chấn thương sọ não, không phải chết trước khi bị ném. Luật sư cho rằng nếu đúng như vậy thì người mẹ trẻ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Đứa trẻ bị vứt xuống sân khi vẫn còn sống
Liên quan đến vụ việc nữ sinh nghi ném con ở chung cư Linh Đàm , ngày 23/10, cơ quan chức năng đã công bố kết quả giám định pháp y. Cụ thể, cháu bé sơ sinh bị ném xuống sân được 1 ngày tuổi, nặng 2,7 kg, giới tính nữ.
Hiện trường vụ việc.
Trong phổi đã có sự lưu thông không khí, chấn thương vùng đầu, có bầm tụ máu, có phản ứng sống. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân tử vong của cháu bé là do chấn thương sọ não. Như vậy, lời khai của nữ sinh V.A. cho rằng ném con khi thấy con đã tử vong là không chính xác.
Tối cùng ngày, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, kết luận giám định pháp y là chứng cứ rất quan trọng để xác định nguyên nhân chết của đứa trẻ, xác định trách nhiệm pháp lý và hướng xử lý vụ việc tiếp theo.
Kết luận pháp y nêu rõ, cháu bé tử vong do chấn thương sọ não.
Nếu kết luận giám định pháp y xác định đứa trẻ chết do chấn thương sọ não thì chứng tỏ đứa trẻ bị vứt xuống sân khi đang còn sống.
Với tình tiết này thì người mẹ trẻ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết Người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự 2015 hoặc tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại điều 124 Bộ luật hình sự 2015.
Hai tội danh này có điểm giống nhau là đều xâm hại đến tính mạng trẻ em nhưng tính chất của hai tội danh này khác nhau nên mức hình phạt cũng rất khác nhau.
Với tội giết người thì mức phạt cao nhất có thể lên tới tù chung thân hoặc tử hình. Còn với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thì hình phạt cao nhất chỉ là 3 năm tù.
Những người liên quan đến vụ việc được công an mời đi trong đêm.
Căn cứ để lựa chọn tội danh nào khi áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào trạng thái tâm lý, mức độ tự do ý chí và động cơ mục đích của người mẹ đã xâm hại đến tính mạng của con mình.
Người phụ nữ sát hại con mình chỉ có thể áp dụng điều 124 bộ luật hình sự 2015 về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ nếu như người phụ nữ này sống trong môi trường có những tập tục lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra...
Ngôi nhà xảy ra vụ việc.
Cụ thể, điều 124 bộ luật hình sự 2015 quy định như tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, một là người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm .
Hai là, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
"Trong vụ án này tình tiết thứ nhất là ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu thì không thể áp dụng được bởi cô gái này là một sinh viên năm thứ tư trường đại học và đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội nên không thể bị tác động bởi tư tưởng lạc hậu ở đâu đó.
Còn tình tiết thứ hai có thể xem xét ở đây là cô gái này có rơi vào hoàn cảnh khác khách quan đặc biệt hay không? Làm rõ vấn đề này sẽ quyết định đến việc có áp dụng điều 124 Bộ luật hình sự để xử lý về tội vứt bỏ con mới đẻ đối với cô gái hay không", luật sư Cường phân tích.
Cơ quan công an điều tra, làm rõ vụ việc.
Cần làm rõ yếu tố tâm lý của nữ sinh và những tác động khách quan
Ông Cường cho biết thêm, hiện nay chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn thế nào là hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Tuy nhiên, theo cách hiểu của những người nghiên cứu pháp luật thì tinh thần của điều luật này là hướng tới những yếu tố đặc biệt tác động, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người mẹ mới sinh con, khiến người mẹ này không tự chủ, tự do được về mặt ý chí trong những tình huống thông thường dẫn đến hành động dại dột là giết hoặc vứt bỏ đứa con của mình.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ yếu tố tâm lý và những tác động của hoàn cảnh khách quan có tất yếu dẫn đến việc cô gái này phải lựa chọn một hành vi vi phạm pháp luật là vứt bỏ đứa con của mình hay không.
Luật sư Cường chia sẻ với PV.
Nếu có những tình tiết, chứng cứ rõ ràng để chứng minh rằng cô gái này đang rơi vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt khiến bản thân không thể tỉnh táo, minh mẫn hoặc không thể tự do ý chí thì mới có thể kết luận là cô gái này phạm tội giết con mới đẻ.
Còn nếu kết luận của cơ quan điều tra thể hiện cô gái này vứt bỏ đứa con của mình bởi suy nghĩ nông nổi của bản thân, ích kỷ, ... thì cô gái này sẽ bị xử lý về tội giết người chứ không phải là tội giết con mới đẻ.
Trong trường hợp ban đầu khởi tố về tội giết con mới đẻ nhưng trong quá trình điều tra cho thấy hành vi có dấu hiệu của tội giết người thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể thay đổi tội danh để xét xử về tội giết người và ngược lại.
Trước đó, vào khoảng 20h30 ngày 18/10 tại sân chơi giữa 2 tòa HH1 và HH2 thuộc khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều người dân bất ngờ nghe tiếng động lớn sau đó đã bàng hoàng phát hiện thi thể một trẻ sơ sinh còn nguyên dây rốn dưới sân chung cư .
Bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng những chứng cứ dấu vết tại hiện trường, công an xác định ngôi nhà ở tầng 31 chính là nơi cháu bé đã bị rơi xuống. Khi công an lên tiến hành xét hỏi, có 3 người trong căn hộ trên.
Tiến hành đấu tranh, nữ sinh Đ.T.V.A. ban đầu khai nhận sau khi sinh con trong nhà vệ sinh thì cháu bé đã chết nên ném cháu bé qua cửa sổ xuống đất. Cũng theo lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, nam thanh niên tên D., bạn trai của Vân A. khai nhận mới yêu bạn gái một tuần nhưng không hề biết V. có thai.
Nam thanh niên này còn lầm tưởng rằng bạn gái mình béo. Thời điểm V.A. sinh con có bạn trai và người chị họ của bạn trai cũng ở trong nhà. Tuy nhiên, hai người này không hề biết chuyện.
Sau khi tiến hành làm rõ, công an đã cho hai người này về nhà.