Nữ sinh ĐH Ngoại thương chia sẻ bí quyết giành học bổng trường top 20 thế giới
Theo Chi, việc tự apply (nộp đơn) học bổng cần một hồ sơ mạnh, sự quyết tâm và kiên trì đến cùng.
Mới đây, Nguyễn Mai Chi (2001), sinh viên năm cuối ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhận được email thông báo đỗ học bổng thạc sĩ của Đại học Bắc Kinh (Peking University), Trung Quốc. Dù không quá bất ngờ vì đã chuẩn bị rất kỹ cho việc apply (nộp đơn) vào trường, nhưng Mai Chi vẫn không giấu được sự vui sướng. Gia đình cũng rất tự hào và ủng hộ 100% quyết định đi du học tại Trung Quốc của em.
Mai Chi hoàn thành và nộp hồ sơ vào đầu tháng 10/2022. Trong khoảng thời gian 3 tháng (cho đến khi nhận thông báo đỗ), em đã chủ động gọi sang trường để kiểm tra hồ sơ của mình hàng tháng. Chi cho biết, Ban tuyển sinh của trường ĐH Bắc Kinh rất thân thiện, còn khen ngợi thành tích của em. Điều này làm Chi khá tự tin vào bộ hồ sơ mà em đã nỗ lực chuẩn bị trong suốt 4 năm đại học.
Mai Chi hoàn toàn tự apply, tuy nhiên trong quá trình này, em đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các bạn bè đang theo học tại những trường đại học top đầu Trung Quốc như ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa hay ĐH Nam Kinh… Chương trình học của em là thạc sĩ Quản trị, tập trung vào lĩnh vực Quản trị chiến lược, học bằng ngôn ngữ tiếng Anh trong 2 năm.
Một số thành tích tiêu biểu của Mai Chi
SV Xuất sắc ĐH Ngoại thương
SV 5 tốt cấp thành phố
Đại diện Việt Nam thắng giải "Tinh thần doanh nhân toàn cầu" - cuộc thi Social Business Creation 2022
Dự án về công nghệ sinh học cùng nhóm sinh viên Thanh Hoa thắng giải People's Choice Award - cuộc thi Global Innovation Challenge 2022
Quán quân cuộc thi Speak Out Loud - cuộc thi về hùng biện Tiếng Anh
Á quân 2 cuộc thi Zone Bootcamp về khởi nghiệp công nghệ, tổ chức bởi ngân hàng ACB và trường đại học HongKong
Top 4, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo ngành sức khỏe
Top 20 toàn quốc "Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - TECHFEST"
Ngoài ra, Chi thông thạo về thiết kế đồ họa, em có bằng nghề quốc tế về truyền thông đa phương tiện; chứng chỉ chuyên gia thiết kế truyền thông, cấp bởi Adobe. Chi giao tiếp được tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Việt...
Đại học Bắc Kinh (Peking University) là 1 trong những trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Năm 2022, trường nằm trong top 20 đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) và Quacquarelli Symonds (QS).
Trường được ví như "Cambridge của Trung Quốc" và cùng với Đại học Thanh Hoa là 2 đại học hàng đầu ở đất nước tỷ dân. Chi cho rằng, đây sẽ là một nền tảng rất tốt cho sự nghiệp của em sau này.
Đặt mục tiêu sớm và chuẩn bị một bộ hồ sơ "khủng"
Chi bắt đầu có ý định du học Trung Quốc khi có định hướng trở thành giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học. Trong suốt quá trình làm nghiên cứu, em nhận ra rằng Trung Quốc có lượng lớn các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Đặc biệt, em rất hứng thú với những chương trình nghiên cứu của đại học Bắc Kinh bởi trường sẽ hỗ trợ hầu hết các chi phí nghiên cứu cho sinh viên. Ngoài ra, trường còn có kho tàng nghiên cứu dồi dào và những số liệu được cập nhật mới nhất từ Bloomberg.
Trong bộ hồ sơ của em bao gồm 2 bài luận chính: 1 bài luận về kế hoạch học tập và kế hoạch nghiên cứu, 1 bài luận về khả năng lãnh đạo, 1 CV (lý lịch cá nhân), 2 thư giới thiệu từ 1 giáo sư trong nước và 1 giáo sư quốc tế (trước đây em đã làm research assistant (trợ lý nghiên cứu) cho các giáo sư), các chứng chỉ của các giải thưởng trong nước và quốc tế (tổng cộng 23 giải thưởng), công bố nghiên cứu (9 bài NCKH), kinh nghiệm đi làm và đi thực tập tại các công ty lớn (Techcombank, VTVCab, Đại học Ngoại thương), các hoạt động ngoại khóa khác…
"Đối với bài luận: Phải hiểu rõ về bản thân, ngành học, nêu rõ kinh nghiệm của mình liên quan đến ngành học, nghiên cứu trước đây và định hướng trong tương lai. Trong bài luận, em đã nhấn mạnh rất rõ về việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kinh tế bền vững và tài chính xanh.
Đối với phần phỏng vấn, dù trường không yêu cầu nhưng em đã chuẩn bị một bản thuyết trình để giới thiệu bản thân, sự chủ động cũng là một điểm cộng. Vì là chương trình thạc sĩ nên hầu hết những câu hỏi chuyên ngành, yêu cầu sự tìm hiểu kỹ lưỡng về phần kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu lâu dài. Phần phỏng vấn sẽ xoay quanh 4 vấn đề chính: Kiến thức chuyên ngành, khả năng nghiên cứu, khả năng lãnh đạo và ngôn ngữ, cách biểu đạt", Chi chia sẻ.
Chi tham gia nhiều cuộc thi và đạt nhiều thành tích đáng nể.
Nói về thế mạnh của bản thân để cạnh tranh và giành được suất học bổng vào ngôi trường đình đám này, Chi nhận định, ưu điểm của em chính là nhờ vào bộ hồ sơ cũng "khủng" không hề thua kém các bạn khác. Bên cạnh đó, em đặt ra mục tiêu apply vào Bắc Đại từ rất sớm nên am hiểu rất rõ trường thích gì, yêu cầu ra sao và kỳ vọng gì từ sinh viên.
Trong quá trình apply, Mai Chi đã chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và đã rất nỗ lực để bổ sung thêm tính cạnh tranh cho hồ sơ cá nhân như: Tham gia các cuộc thi về kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia và quốc tế, làm nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô giáo trong trường, học ngoại ngữ tốt và học thêm các kỹ năng mềm khác (thiết kế, hùng biện, public speaking (diễn thuyết trước công chúng),…).
Theo Chi, việc tự apply học bổng cần một hồ sơ mạnh, sự quyết tâm và kiên trì đến cùng. Bởi lẽ chuẩn bị 1 bộ hồ sơ cần tìm hiểu rất nhiều về ngành và trường, cần phải có một sự định hướng rõ ràng và một sự am hiểu nhất định. Ưu điểm của việc tự apply đó là khi hiểu rõ về chính bản thân và chuyên ngành của mình, khi phỏng vấn (đối với bậc thạc sĩ) thì sẽ tập trung vào các câu hỏi mang tính thách thức hơn nên việc hiểu rõ là rất quan trọng.
Mai Chi đã chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và đã rất nỗ lực để bổ sung thêm tính cạnh tranh cho hồ sơ cá nhân như: Tham gia các cuộc thi về kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia và quốc tế.
Chi khuyến khích tất cả những bạn có hồ sơ mạnh và ngoại ngữ tốt, muốn apply những trường đại học top 5 của Trung Quốc, đặc biệt là Thanh Hoa và Bắc Đại nên tự chủ động tìm hiểu và tự apply. Hãy tìm hiểu kỹ về trường, ngành, môn học trước khi apply. Ví dụ như mỗi trường ĐH top bên Trung đều sẽ có 2 Business schools (trường kinh doanh), 1 trường mạnh về quản lý, 1 trường mạnh về tài chính. Bạn có thể apply cả 2 để tăng % đỗ. Hãy luôn chủ động trong quá trình apply (kiểm tra xem có những học bổng gì, bao giờ là hạn cuối, gọi thẳng sang bên trường…).
Bên cạnh đó, đừng quá áp lực, đừng so sánh mình với người khác, hãy tận dụng thời gian đó để biến bản thân tốt hơn. Sẽ hiệu quả hơn nếu có người đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình apply. Tuy nhiên, hãy tìm đúng người (đừng hỏi 1 người học Kinh tế nói về ngành Hán ngữ, đừng hỏi người 1 người học ở Nam Kinh về Bắc Đại...). Hãy tìm người đúng ngành, tốt hơn hết là đúng trường.
Sau khi học xong thạc sĩ tại Trung Quốc, Chi có định hướng học tiếp lên Tiến sĩ tại trường đại học top 10 thế giới hoặc 1 trong các trường đại học khối Ivy League tại Mỹ. Mục tiêu của Chi là làm nghiên cứu lâu dài và sẽ quay lại Việt Nam giảng dạy sau thời gian học xong Tiến sĩ.