Nữ sinh Bách khoa trực Tổng đài 1022 hỗ trợ người dân mùa dịch: Cứ gác máy 5 giây là thêm 1 cuộc gọi, từng khủng hoảng vì áp lực nhưng mọi thứ qua rồi!
Hơn một tháng rưỡi, Mộng Như đã tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi từ người dân khắp thành phố, qua đó giúp họ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ những đơn vị liên quan.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, thời điểm căng thẳng nhất của cuộc chiến chống Covid-19 tại TP.HCM đã đi qua. Giờ đây, hơn lúc nào hết, người Sài Gòn lại gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường, cuộc sống của sự bận rộn, hối hả, đông đúc vốn đã từng rất quen thuộc.
Hơn tháng qua, chung tay góp sức để thành phố có những tín hiệu đáng mừng trong công tác chống dịch là đội ngũ y tế trong bộ đồ bảo hộ kín kẽ, là những anh bộ đội ướt mồ hôi hỗ trợ thực phẩm cho bà con trong từng ngõ hẻm, là những tình nguyện viên trong màu áo xanh luôn tất bật với các công tác hỗ trợ xét nghiệm, sàng lọc,... Cũng có những công việc âm thầm nhưng lại vô cùng có ý nghĩa như công việc của những tổng đài viên Tổng đài 1022, nơi tiếp nhận những thông tin về nhu cầu nhu yếu phẩm, y tế, an sinh xã hội.
Giang Thị Mộng Như, sinh năm 2002, sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM đã có quãng thời gian đáng nhớ khi được làm tình nguyện viên tiếp nhận cuộc gọi 1022 nhánh số 4 trong hơn tháng rưỡi vừa qua. Với tôn chỉ "không ai bị bỏ lại phía sau", cô bạn đã giúp kết nối người dân cùng những mong muốn của họ đến với các đơn vị liên quan, nhờ đó mà những sự hỗ trợ đã diễn ra kịp thời.
Từng áp lực vì phải nhận cuộc gọi liên tục, nhưng nhận ra công việc của mình mang lại nhiều giá trị tích cực
Công việc của Mộng Như ở tổng đài 1022 nhánh số 4 là kết nối với người dân khi họ gọi tới, ghi nhận thông tin, phân loại nhu cầu. Từ đó, nhanh chóng chuyển thông tin đến các đơn vị, tổ chức liên quan để họ tìm cách hỗ trợ. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, chính vì thế mà cô bạn có rất nhiều tình cảm và niềm yêu thương dành cho nơi đây. Trong giai đoạn căng thẳng của dịch Covid-19, khi nhìn thấy thành phố đang chịu nhiều vất vả, khó khăn, Như thương lắm nhưng cũng chẳng biết làm gì. Khi đó, nhận được thông tin dự án 1022 nhánh số 4 đang tuyển tình nguyện viên từ chi bộ sinh viên mình đang sinh hoạt, 10X đã đăng ký tham gia ngay.
Dù tự nhận mình có khả năng ăn nói và cho rằng công việc này sẽ không quá khó khăn, nhưng chỉ sau buổi đầu tiên, suy nghĩ của Mộng Như đã hoàn toàn khác."Những cuộc gọi đến từ người dân cứ liên tục liên tục, mỗi cuộc gọi kéo dài từ 3-5 phút và cứ vừa kết thúc cuộc gọi này là 5 giây sau sẽ có người dân tiếp tục gọi đến ngay. Vừa phải lắng nghe, vừa phải đánh máy ghi nhận thông tin trên hệ thống, vừa phải đặt câu hỏi và giải đáp những thắc mắc cho người dân. Trong suốt thời gian trực thật khó khăn để lơ là, chính vì thế luôn phải giữ vững tinh thần tập trung và trách nhiệm!", nữ sinh tâm sự.
Cô nàng đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng và áp lực trong khoảng thời gian đầu tham gia trực tổng đài. Phần là vì khối lượng thông tin tiêu cực cần phải tiếp nhận mỗi ngày quá nhiều, đôi khi phải đối mặt với những cuộc gọi mà đầu dây bên kia đang trong tâm trạng bức xúc, phần vì phải tìm cách cân bằng giữa việc tham gia công tác tình nguyện và việc học. Nhưng sau tất cả, cô nàng học được bài học luôn phải thật bình tĩnh trước tất cả mọi cảm xúc của người dân để có thể hoàn thành tốt nhất công việc.
Như kể: "Trong suốt thời gian trực Tổng đài, cuộc gọi nào mình cũng nhớ, mỗi người dân gọi đến sẽ mang theo những câu chuyện về hoàn cảnh và những khó khăn khác nhau cần được giúp đỡ. Nên cuộc gọi nào mình cũng nhớ rất nhiều!".
"Một hôm, trong ca trực, mình nhận được một cuộc gọi đến, người dân ở đầu dây bên kia nói 'cảm ơn Tổng đài 1022 nha, cô mới gọi lên có mấy ngày mà bây giờ đã được nhận gói trợ cấp cho gia đình rồi'. Nghe xong, mình cảm thấy mọi mệt mỏi của bản thân được xua tan hết. Mình nhận ra công việc hiện tại của mình mang lại rất nhiều giá trị tích cực khi người dân gọi đến đã nhận được sự giúp đỡ. Đó cũng là động lực để các tổng đài viên tiếp tục làm việc hiệu quả hơn!", nữ sinh kể về một cuộc gọi ấn tượng mà mình được tiếp nhận.
Cô bạn cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại các cuộc gọi đến thông báo về trường hợp F0 hoặc yêu cầu cấp cứu đã giảm rất nhiều. Nhiều cuộc gọi bày tỏ tin tưởng và cởi mở hơn với tổng đài viên khi chia sẻ về khó khăn của mình. Điều này làm cô nàng rất vui vì tình hình dịch bệnh đã dần cải thiện.
Nữ sinh học Bách khoa, yêu môi trường, mơ làm kỹ sư
Mộng Như xuất thân từ ngôi trường mà có lẽ nghe đến tên ai cũng nghĩ sẽ rất hiếm những nữ sinh - Đại học Bách khoa TP.HCM. Bởi lẽ đây là trường chuyên đào tạo về khối ngành kỹ thuật, ngành học vốn thường được xem là lợi thế nam giới. Ấy thế mà cô gái sinh năm 2002 đã can đảm đăng ký vào ngôi trường này. Được biết, hiện tại Như đang theo học ngành Kỹ thuật Môi trường.
Nữ sinh tâm sự: "Mình rất yêu những vấn đề về môi trường và mình nghĩ, tất cả mọi người đều ý thức được tầm quan trọng và sự tác động trực tiếp của môi trường đến cuộc sống chúng ta". Đó cũng là một phần lý do để cô gái gốc Sài thành lựa chọn theo học ngành này.
Như cho biết, mình không hề cảm thấy áp lực nào hay khó hòa nhập với các bạn nam trong môi trường Bách khoa, ngược lại cô gái Gen Z còn thấy rất vui và tự hào. Cô nàng cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các nam sinh.
Nói về con gái Bách khoa, những cô nàng yêu kỹ thuật, Mộng Như cho rằng các bạn rất "ĐỈNH". Cô nàng chia sẻ: "Con gái Bách Khoa luôn ngày càng cố gắng phấn đấu và khẳng định được tài năng của mình tại trường. Các bạn nữ Bách Khoa thật sự rất đỉnh, đi thi khắp các cuộc thi từ Quốc gia đến Quốc tế, mang về không ít những giải thưởng lớn nhỏ cho trường. Các chị các bạn nữ tại trường vẫn luôn là động lực để mình cố gắng từng ngày!".
Hiện tại, khi đã chính thức trở thành sinh viên năm 2 và bước vào năm học mới, lịch học của Như dày hơn với nhiều tiết học online, bài tập về nhà, bài tập nhóm,... Chính vì thế khi tham gia trực Tổng đài, đòi hỏi cô nàng cần phải nghiêm túc biết sắp xếp thời gian cho bản thân một cách hiệu quả nhất để không ảnh hưởng đến việc học và nâng cao hiệu suất làm việc.
Mộng Như tiết lộ, ước mơ sau khi ra trường của mình là làm kỹ sư môi trường. Nữ sinh mong mình sẽ có những cống hiến góp phần khắc phục khó khăn về vấn đề môi trường hiện nay, đồng thời tiếp tục phát huy những giá trị khác về môi trường. Ngoài ra, cô nàng cũng mong muốn hoàn thành và duy trì tốt công việc kinh doanh hiện tại của bản thân.
Tổng đài 1022 nhánh số 4 khép lại sứ mệnh sau 2 tháng và lời mong ước về Sài Gòn "bình thường mới"
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Đại học Quốc gia TP.HCM vừa thông báo ngừng hoạt động Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thông qua Tổng đài 1022.
Suốt 2 tháng hoạt động, mạng lưới tình nguyện viên đã tiếp nhận được hơn 100.000 cuộc gọi, ghi chép đầy đủ thông tin liên quan và nhu cầu cần hỗ trợ của gần 78.000 cuộc, trong đó có gần 10.000 cuộc gọi về hỗ trợ Y tế khẩn cấp và Tư vấn phòng chống COVID-19, hơn 13.000 cuộc gọi về hỗ trợ Nhu yếu phẩm và khoảng 55.000 cuộc gọi về hỗ trợ Tài chính, hỗ trợ người lang thang và các vấn đề khác.
TP.HCM đã đi qua những ngày căng thẳng nhất. Giờ đây, thành phố đang trong giai đoạn từng bước phục hồi kinh tế, nới lỏng giãn cách. Những cuộc gọi về nhánh số 4 của Tổng đài 1022 cũng đã thưa dần. Dường như Tổng đài đã hoàn thành sứ mệnh ý nghĩa của mình và đến lúc nói lời tạm biệt. Mộng Như cũng quay trở về cuộc sống thường ngày với việc học và các công tác tình nguyện khác.
Như cho rằng đại dịch Covid-19 đến một cách bất ngờ khiến tất cả chúng ta vẫn không kịp chuẩn bị hay làm quen bất kì điều gì cho những khó khăn hiện tại này. Nhưng 3 tháng qua, may mắn là cô bạn vẫn sắp xếp tốt công việc học tập, đặc biệt là có một trải nghiệm đáng nhớ khi làm tổng đài viên cho Tổng đài 1022.
Gen Z tâm sự: "Sau đại dịch, mình nhận ra được rằng những điều nhỏ bé hằng ngày tuy bình dị nhưng đáng quý biết bao nhiêu. Mình biết trân trọng hơn cuộc sống của mình, trân trọng thêm những điều nhỏ bé xung quanh. Và có thể không phải mọi ngày đều tốt lành nhưng sẽ luôn có điều gì đó tốt lành mỗi ngày. Chúc cho tất cả mọi người sau đại dịch, những ấp ủ và dự định của bản thân sẽ được hoàn thành một cách tốt nhất và trọn vẹn nhất!".
Ảnh: Nhân vật cung cấp