Nữ sinh 21 tuổi thường xuyên vẽ tranh nguệch ngoạch khiến mẹ phải lên mạng xin tư vấn, netizen: "Chính chị hãy tha cho con mình đi!"
Đằng sau các bức tranh của cô gái 21 tuổi này lại là một câu chuyện đáng thương.
" Con gái tôi vẽ những bức tranh này, có phải con bé đang gặp vấn đề về tâm lý không?" - đây là lời mở đầu của một chủ đề đang nhận được nhiều quan tâm trên nền tảng Zhihu (Trung Quốc). Chủ tài khoản là một người mẹ, nhờ tư vấn về sức khoẻ của con gái.
Dưới phần bình luận, để cư dân mạng có thêm phán đoán về tình hình của con gái, người mẹ đã chia sẻ thêm một số thông tin về con gái. Được biết, con gái của chị năm nay 21 tuổi, có tiền sử mắc bệnh trầm cảm. Cô gái được phát hiện mắc bệnh trầm cảm từ khi còn học cấp 2. Phụ huynh quản lý cô gái rất nghiêm khắc. Trước khi học cấp 3, cô không được sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào. Hiện tại, cha mẹ và con gái đều cùng sử dụng một tài khoản mạng xã hội.
Ở dưới phần bình luận, cư dân mạng đều bày tỏ sự thông cảm về căn bệnh mà cô gái 21 tuổi đang chống chọi. Nhiều người cũng cho rằng, các bức vẽ với đường nét nguệch ngoạch, sắc thái u tối, chưa kể bức tranh còn có hình nhân vật bị tô đen và trói,... chính là dấu hiệu cho thấy những vấn đề tâm lý bất ổn của cô gái.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng điều quan trọng hơn cả bức tranh chính là những dấu hiệu cho thấy cô gái đang bị cha mẹ kiểm soát quá đà, đó là: cấm con sử dụng thiết bị điện tử, phụ huynh vẫn còn sử dụng 1 tài khoản MXH chung với con dù cô gái đã quá tuổi thành niên,... Những hành động này của phụ huynh có thể khiến sức khoẻ tâm lý của con gái càng trầm trọng hơn, tước của con cơ hội được trưởng thành và tự lập.
Một số bình luận của cư dân mạng khuyên nhủ người mẹ:
- Bức tranh không có vấn đề gì. Việc con gái bạn im lặng hay thích mua quần áo màu đen cũng không có vấn đề gì. Nhưng bạn dùng chung tài khoản mạng xã hội với con gái, không cho con sử dụng thiết bị điện tử, đăng những manh mối trực tuyến ám chỉ bệnh tình của con gái và đồng tình với những bình luận "hãy dành nhiều thời gian hơn cho con" và "chú ý đến con nhiều hơn" dưới bài đăng,... mới là điều đáng sợ.
Nếu bạn không nói dối, và nếu con gái bạn thực sự gặp vấn đề về tâm lý, tôi e rằng tình hình sức khoẻ hiện tại của con không chỉ là lỗi của riêng cô ấy. Tôi khuyên bạn nên tự mình đến gặp bác sĩ tâm lý và ngừng áp bức, kiểm soát con cái. Con bạn đã 21 tuổi rồi, dù cô ấy mang bệnh thìcũng cần không gian riêng tư và sự tôn trọng từ gia đình.
- Tại sao đến 21 tuổi rồi mà cô gái vẫn chưa thể được quản lý tài khoản mạng xã hội của mình, thậm chí còn không được sử dụng điện thoại?... Vợ chồng bạn khiến tôi nghĩ đến những bậc cha mẹ thích kiểm soát cuộc sống của con gái. Nếu bạn muốn con nhanh chóng khỏi bệnh tâm lý thì hãy dành cho cô ấy sự tôn trọng và kiên nhẫn, thay vì càng giam giữ con trong vòng tay cha mẹ.
Cô ấy đã đủ 18 tuổi lâu rồi, giờ cô ấy có thể đi sai, nhưng dẫu sao vẫn là đang tiến về phía trước. Còn nếu bạn cứ khư khư bảo vệ cô ấy, quản lý cô ấy thì con gái sẽ chỉ đứng một chỗ, thậm chí đi lùi. Đây có phải điều bạn mong muốn hay không?
- Bạn đang giữ con gái quá chặt, đến mức gần như cô lập con trong thế giới riêng. Vì vậy con gái chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh ít hơn nhiều so với ảnh hưởng của gia đình. Ở trong môi trường này, con gái bạn mắc bệnh trầm cảm, đến 21 tuổi rồi mà vẫn có dấu hiệu của bệnh, trạng thái tinh thần kém. Là cha mẹ, bạn đã bao giờ từng nghĩ lý do tại sao chưa? Bạn đã bao giờ nghĩ nghiêm túc về vấn đề chưa? Ai đã khiến bệnh tình của cô tồi tệ hơn?
Trước khi học cấp ba, con gái không được sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào. Trong thời đại này, một đứa trẻ không sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là con bé và bạn bè cùng trang lứa không có ngôn ngữ chung, con bé dần dần bị thời đại của mình bỏ lại phía sau. Bạn có thể hiểu được sự cô đơn và sợ hãi đó không? Kết quả là con bé phát bệnh vào năm lớp tám, bị trầm cảm. Bạn còn nói rằng vì vậy mà quản lý nghiêm khắc hơn. Đây là một vòng luẩn quẩn.
Đến nay, cô con gái 21 tuổi vẫn đang sử dụng cùng một tài khoản mạng xã hội với cha mẹ. Theo lý thuyết, lẽ ra cô ấy phải tự mình lên đây "cầu cứu", hỏi mọi người rằng cô đã bị làm sao, phải làm gì, không ngờ người đăng bài hỏi lại là cha mẹ.
Khi con gái mới học lớp tám, cha mẹ đã nên suy nghĩ lại vấn đề, con gái kéo dài bệnh đến 21 tuổi vẫn chưa giải quyết được, vấn đề không những không giải quyết được mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi thấy cha mẹ đã trả lời rất nhiều lời khuyên như "đồng hành, quan tâm con gái hơn, trò chuyện và giao tiếp nhiều hơn". Nhưng trực giác của tôi mách bảo rằng, người cha mẹ này sẽ tiếp tục khóa con gái trong vòng tay của mình, nhốt con bé trong một cái lọ, dùng tình yêu ngột ngạt, đặc quánh để trói chặt con gái. Tôi mong đây là bài đăng giả còn hơn, nếu là sự thật thì tội cho cô gái ấy.
- Tôi nói một câu ngắn gọn thôi: Cô gái này cần cách ly khỏi gia đình của mình.
Cha mẹ kiểm soát con cái quá đà ảnh hưởng như thế nào?
Cha mẹ nào cũng muốn quan tâm, dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Tuy nhiên, nếu kiểm soát con quá mức, cha mẹ có thể gây ra những tác hại không mong muốn với trẻ. Khi con cái bị cha mẹ kiểm soát quá mức rất dễ mất tự tin trong cuộc sống. Đặc biệt, kể cả khi trưởng thành, trẻ cũng không có sự quyết đoán và dám thử thách bản thân trước những cơ hội trong cuộc sống.
Ngoài ra, việc kiểm soát con sẽ khiến các bé hình thành tính ỷ lại, dần mất đi khả năng đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề hay chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Điều này thường xảy ra bởi cha mẹ luôn can thiệp và giải quyết vấn đề hộ con.
Các chuyên gia cũng cho rằng, kiểm soát con quá mức sẽ khiến trẻ trở nên sợ hãi mọi thứ, hạn chế trong việc học hỏi kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, việc kiểm soát con quá mức có thể tạo ra những xung đột trong gia đình. Con cái có thể cảm thấy bị bó buộc vào những điều mình không thích hoặc không muốn lắm. Đến một lúc nào đó, chúng dễ dàng bày tỏ sự phản kháng, đi ngược lại những điều chỉ dẫn từ cha mẹ.
Khi đứa trẻ cảm thấy không được tin tưởng thì sự căng thẳng trong mối quan hệ gia đình sẽ ngày tăng cao. Đây cũng là lý do khiến con cái trở nên xa cách, không muốn bày tỏ quan điểm riêng hay chia sẻ với cha mẹ.
Việc cha mẹ kiểm soát con quá mức có thể làm giảm khả năng giao tiếp xã hội của con cái. Chúng sẽ thiếu đi những kỹ năng giao tiếp cơ bản, trở nên rụt rè và không muốn xây dựng mối quan hệ bạn bè, sự tương tác xã hội một cách tự nhiên. Dần dần, các con trở nên khép mình và hạn chế trò chuyện với những người khác. Mối quan hệ theo đó cũng dần ít đi và trở thành điểm gây trở ngại cho các con khi bước ra ngoài xã hội.